Là nơi lưu giữ lại những ký ức của dân tộc, Huế vừa mang dáng vẻ uy nghi của chốn kinh thành xưa cũ, vừa đẹp dịu dàng, mộng mơ, quyến rũ du khách cả trong và ngoài nước.
Cố đô Huế là di sản quý của dân tộc Việt Nam, nơi chứng kiến nhiều diễn biến thời cuộc của đất nước. Ảnh: Nguyễn Thế Dương.
Hoàng hôn tím buông xuống nơi kinh thành. Kinh thành Huế nằm trong cụm Quần thể di tích Cố đô Huế, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1993. Vua Gia Long khởi công xây dựng công trình kiến trúc đồ sộ này vào năm 1805, sau đó hoàn thiện vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng. Ảnh: Nguyễn Thế Dương.
Cổng Ngọ Môn nhìn từ trên cao, tỏa sáng rực rỡ trong đêm tối. Đây là cổng chính ở phía nam của hoàng thành, được coi là biểu tượng của kinh thành Huế. Tối 22/4, Đại nội Huế chính thức mở cửa đón du khách tham quan về đêm, tạo điểm nhấn mới cho du lịch Huế, níu bước chân du khách ở lại lâu hơn với cố đô. Ảnh: Thanh Toàn.
Không chỉ mang diện mạo mới lung linh hơn, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế còn đưa các chương trình nghệ thuật đặc sắc, tái hiện lại các nghi thức cung đình xưa, khắc sâu dấu ấn văn hóa trong lòng du khách, tôn vinh thêm di sản thế giới. Ảnh: Thanh Toàn.
Lầu Tứ Phương Vô Sự một thời lộng lẫy vàng son của hoàng cung Huế được Tổng đạo diễn Lê Quý Dương, người gắn bó với Festival Huế hơn 10 năm qua, khéo léo dàn dựng qua chương trình Thời trang Cung đình Huế xưa. Chương trình diễn ra vào các tối thứ 7 và chủ nhật hàng tuần từ 20-21h30. Ảnh: Trần Quang Thọ.
Trong điệu múa cung đình "Bát tiên hiến thọ", ngôn ngữ thể hiện là ca từ đi kèm điệu bộ, được diễn viên truyền tải đến người xem bằng cách vừa múa, vừa hát. Hình ảnh tái hiện sinh động nét văn hóa truyền thống của cha ông. Ảnh: Nguyễn Đình Chiến.
Lễ hội áo dài Huế là nét đặc trưng cho nền văn hóa Việt với tà áo dài tím nổi bật bên những chiếc nón lá truyền thống. Trang phục tô thêm vẻ đẹp cho người phụ nữ Huế nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung, mang đậm "dấu ấn Việt Nam". Ảnh: Thanh Toàn.
Bước ra ngoài không gian của kinh thành, xứ Huế vẫn sẽ làm say lòng du khách với khung cảnh mộng mơ, êm đềm mà chỉ nơi đây mới có. Hình ảnh cầu Trường Tiền đã đi vào tiềm thức của những người con nơi đây như một nét dịu ngọt cùa quê hương. Câu ca dao đã trở nên bất biến, vĩnh hằng: "Cầu Trường Tiền sáu vài, mười hai nhịp/ Em qua không kịp tội lắm anh ơi" . Ảnh: Phung Tuan.
Nhìn từ đồi Vọng Cảnh, sông Hương như một dải lụa mềm uốn quanh dưới chân đồi cùng với màu xanh ngát của cây và không khí dìu dịu của buổi chiều êm ả. Phía chân trời, hoàng hôn đỏ rực dần buông xuống. Ảnh: Phuc Doan.
Tọa lạc bên tả ngạn bờ sông Hương là chùa Thiên Mụ, ngôi chùa nổi tiếng nhất xứ Huế với kiến trúc cổ kính, góp phần điểm tô cho bức tranh thiên nhiên xứ Huế càng thêm duyên dáng và thi vị. Ảnh: Phuc Doan.
Với phong cách kiến trúc Gothic trung cổ châu Âu, nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế là một trong những nhà thờ đồ sộ, có kiến trúc đẹp nhất ở Huế. Điều đặc biệt của nhà thờ này là cửa rộng và không có vách, phần hiên được thiết kế rất rộng. Ảnh: Phuc Doan.
Dải ngân hà lung linh hiện lên phía trên công viên Hồ Thủy Tiên, cách thành phố Huế khoảng 10 km. Nơi đây vốn bị bỏ hoang, nhưng sau bài viết của báo Huffington Post (Mỹ) bỗng trở thành điểm check-in nổi tiếng nhờ vẻ đẹp độc đáo, ma mị, thu hút những người ưa khám phá. Ảnh: Nguyễn Đình Chiến.
Phá Tam Giang là vùng đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á, cung cấp nguồn thủy sản phong phú. Du khách tới đây sẽ được hòa mình với thiên nhiên hoang sơ, yên bình và cuộc sống miền sông nước. Cuộc thi ảnh "Dấu ấn Việt Nam" sẽ nhận bài dự thi đến hết ngày 28/8, kết quả sẽ được công bố từ 2/9 đến 5/9. Mời bạn gửi ảnh tham gia tại đây. Ảnh: Ngô Đình Sinh.
Theo Ánh Ngọc/Zing.vn