(Xây dựng) - Hôm mới đây, nhà nghiên cứu kinh tế hàng đầu Việt Nam Trần Đình Thiên đã có cuộc trò chuyện khá hấp dẫn trên Tạp chí Reatimes, trong đó có khuyên các nhà đầu tư, các nhà quản lý tài sản công nên nhận thức lại khái niệm về “đất vàng”.
![]() |
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Vậy “đất vàng” là gì? Nếu hiểu nôm na theo dân gian là thì đất ấy đắt như vàng, thường được quy đổi thành vàng, trăm cây, nghìn cây. Còn nếu hiểu rộng hơn thì đất ấy sẽ đem nhiều lợi ích cho quốc gia, cho các nhà đầu tư và cho các công cuộc an sinh của đông đảo người dân.
Theo TS Trần Đình Thiên, với quốc kế dân sinh, mỗi thời, khái niệm “đất vàng” lại thay đổi. Thời nông nghiệp lúa nước truyền thống, đất Thái Bình, Nam Định, Hải Dương là “đất vàng” do đồng bằng có lợi thế để trồng lúa, phát triển nông nghiệp truyền thống. Trong khi đó, những địa phương miền núi như Sơn La, Hòa Bình hầu như không có lợi thế để phát triển nền nông nghiệp này. Những địa phương đó được liệt vào loại khó khăn, tức là rất khó phát triển.
Nhưng hiện giờ, tình thế bắt đầu đảo ngược. Sơn La trồng nhãn, chanh leo, phát triển du lịch, Hòa Bình trồng cam đặc sản, nuôi bò Nhật Bản, khai thác lòng hồ thủy điện… Nuôi trồng các loại cây, con đặc sản, sạch, sử dụng công nghệ cao nên các tỉnh này tiến ra thị trường với lợi thế lớn. Họ “đảo thế”, “trở mình” nên “ăn to” hơn Thái Bình, Hưng Yên, ít nhất cũng từ góc độ nông nghiệp cũ và nguồn lực truyền thống. Rõ ràng là lợi thế, đặc biệt là lợi thế đất đai, đã thay đổi theo thời đại. Thái Bình, Hải Dương hay Hưng Yên, nông nghiệp bắt đầu thấy “khó đua” với Sơn La hay Gia Lai, Đắk Lắk rồi.
Nhưng điển hình nhất của việc “lật ngược tình thế” có lẽ là Ninh Thuận. Một vùng đất cằn cỗi, nghèo khó, hầu như chỉ có nắng gió, hạn hán và thiếu nước ngọt trầm trọng. Khó khăn không thể tưởng tượng. Có đến đây mới thấy người dân làm nông nghiệp khổ cực như thế nào. Nhưng ở Ninh Thuận hiện nay, thời đó đang đi nhanh vào quá khứ. Đất cằn vì hạn, vì quá nhiều nắng và gió, những bất lợi thế tuyệt đối đối với nền nông nghiệp truyền thống đó giờ đây lại biến thành thế mạnh khác thường: Ninh Thuận đang trở thành “vương quốc” của điện gió và điện mặt trời, của du lịch đẳng cấp cao, đang làm giàu nhờ chính những thứ đã từng làm nghèo mảnh đất này suốt nhiều thế kỷ.
Những ví dụ trên đây đã chứng minh một điều rằng, với bất cứ mảnh đất nào trên Tổ quốc thân yêu của chúng ta đều có thể biến chúng thành “đất vàng” nếu nó được thấm đẫm trí tuệ, công sức, tiền của và lòng quả cảm của con người. Chẳng hạn như sự thành công của Tập đoàn Trường Hải trên một vùng đất chỉ toàn gió và cát ở Quảng Nam, hoặc sự hình thành như một kỳ tích của KCN ôtô VinFast chỉ sau chưa đầy một năm khởi công trên một mảnh đất hoang nhiễm mặn rộng 800 ha tại Hải Phòng...
Nguyễn Hoàng Linh
Theo