Thứ ba 15/10/2024 10:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Xây dựng, phát triển đô thị sinh thái tại Việt Nam:

Nên bắt đầu từ Luật Đô thị

10:52 | 10/06/2011

Tốc độ đô thị hóa chóng mặt trong thời gian qua đã khiến các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM… ngày càng trở nên ngột ngạt và ô nhiễm. Đó cũng là lý do nhiều chủ đầu tư hướng tới khai thác lợi thế của yếu tố sinh thái để cho ra đời hàng loạt các dự án KĐT sinh thái với đủ quy mô từ nhỏ tới lớn. Danh xưng “đô thị sinh thái” hay “KĐTM sinh thái” hiện mới chỉ là cụm từ tự phong bởi thực tế, khái niệm cũng như tiêu chí đánh giá đô thị ấy có phải là đô thị sinh thái hay không vẫn chưa hề hiện diện trong hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam. PV BĐS&VLXD đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lưu Đức Hải - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam về vấn đề trên.

Các dự án KĐT sinh thái hiện nay phần lớn mới đang ở giai đoạn triển khai thực hiện chứ chưa hoàn thành. Vậy theo ông, những dự án này đã có đủ tiêu chuẩn để gọi là sinh thái chưa?

- Trước tiên, tôi có thể khẳng định một điều rằng trong hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam chưa có quy định khái niệm, căn cứ tiêu chí cụ thể nào để đánh giá một đô thị như thế nào được gọi là đô thị sinh thái. Các nhà đầu tư mặc dù đang xây dựng những KĐT sinh thái nhưng chính họ cũng không biết rõ như thế nào là tiêu chuẩn đúng để áp dụng cho dự án của mình. Đô thị sinh thái không chỉ là tỷ lệ phần trăm cây xanh và mặt nước có mặt trong tổng thể dự án. Một dự án sinh thái ngoài tiêu chí cụ thể, còn phải tính đến cả yếu tố vùng miền, tâm lý, đặc trưng sinh hoạt của khu vực dân cư để có được một môi trường sống thân thiện thiên nhiên và chất lượng. Nhưng hiện nay, chúng ta vẫn đang nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí áp dụng xây dựng đô thị sinh thái.

Vậy còn các hệ thống văn bản đã từng ban hành thời gian qua?

- Năm 2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2006/NĐ-CP quy định về Quy chế KĐTM. Đây là Văn bản pháp quy đầu tiên của Việt Nam thế nhưng ngay ở trong Nghị định này mới chỉ đề cập đến “dự án KĐTM” chứ chưa quy định thế nào là KĐTM sinh thái. Tiếp đó, năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2009/NĐ-CP về phân loại đô thị nhưng vẫn chưa có quy định thế nào là đô thị sinh thái. Và cũng trong năm này, Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch đô thị song ngay cả ở đây cũng chưa đề cập đến đô thị sinh thái. Rõ ràng, chúng ta đang thiếu các văn bản pháp quy quy định tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể về một đô thị sinh thái. Theo tôi, việc đó nên bắt đầu từ Luật Đô thị đang được Chính phủ chỉ đạo soạn thảo để sớm trình Quốc hội vào năm 2012.

Là người nghiên cứu và làm quy hoạch đô thị lâu năm, theo ông, chúng ta nên xây dựng tiêu chí như thế nào khi quy hoạch một đô thị sinh thái?

- Các tiêu chí quy hoạch đô thị sinh thái có thể khái quát trên các phương diện như sau: Kiến trúc công trình, sự đa dạng sinh học, giao thông, công nghiệp và kinh tế đô thị. Cụ thể, về kiến trúc, các công trình trong đô thị sinh thái phải đảm bảo khai thác tối đa nguồn năng lượng từ mặt trời, mưa, gió để cung cấp năng lượng và nhu cầu nước. Đối với đô thị sinh thái phải đảm bảo các hành lang cư trú tự nhiên, sự đa dạng sinh học để cư dân hòa mình vào thiên nhiên, nghỉ ngơi và giải trí. Giao thông vận tải cần hạn chế bằng cách cung cấp lương thực và hàng hóa chủ yếu nằm trong phạm vi đô thị hoặc các vùng lân cận. Giảm thiểu nhu cầu di chuyển cơ giới bằng cách đi bộ, xe đạp và sử dụng các phương tiện giao thông cộng cộng (nếu cần) để di chuyển xa. Công nghiệp của đô thị sinh thái sẽ sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa có thể tái sử dụng, tái sản xuất, tái sinh. Trong đô thị sinh thái nền kinh tế sẽ tập trung sức lao động thay vì tập trung sử dụng nguyên liệu, năng lượng và nước nhằm duy trì việc làm thường xuyên và giảm thiểu nguyên liệu sử dụng.

Giản Linh (thực hiện)

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load