Thứ sáu 24/01/2025 23:31 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Nâng cao nhận thức cho trẻ em về bảo vệ môi trường

09:39 | 09/08/2012

Trong 2 ngày 07 và 08/8 tại Bangkok (Thái Lan) đã diễn ra Hội nghị cuối kỳ của Dự án hợp tác về quản trị địa phương dân chủ ở Đông Nam Á (DELGOSEA) với sự tham gia của 150 đại biểu các nước. DELGOSEA do Liên minh EU và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (CHLB Đức) đồng tài trợ, được triển khai tại 5 nước Campuchia, Thái Lan, Philippine, Indonesia và Việt Nam, trên 4 lĩnh vực là cải cách hành chính, bảo vệ môi trường, thúc đẩy đầu tư và quy hoạch có sự tham gia cộng đồng.

Ở Việt Nam, DELGOSEA đã thực hiện “Chuyển giao và áp dụng mô hình thực tiễn tốt khu vực Đông Nam Á" cho 3 đô thị, đó là Chương trình Tiết kiệm sinh thái của TP Marikina (Philippines) áp dụng cho TP Vinh; mô hình “Bảo tồn và phát triển phố cổ” của TP Phuket (Thái Lan) áp dụng TP Đà Nẵng và mô hình Chính phủ điện tử của TP Yogjakarta (Indonesia) áp dụng cho TP Trà Vinh.

Ở hội nghị cuối kỳ lần này, đại diện chính quyền TP Vinh đã báo cáo kết quả khả quan của chương trình Tiết kiệm sinh thái đô thị tại địa phương mình đồng thời gửi gắm kỳ vọng: Sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ để TP triển khai nhân rộng mô hình.

Sáng kiến của TP Marikina

Chương trình Tiết kiệm sinh thái của TP Marikina (Philippines) bắt đầu được thực hiện từ năm 2004. Theo đó các trường tiểu học trong TP Marikina ấn định một ngày trong tuần là ngày Sinh thái để học sinh, giáo viên đem các chất thải có thể tái chế được từ hộ gia đình đến nhà trường. Phế liệu nói trên sẽ được cân đo và tính theo giá thị trường tại thời điểm đó. Số tiền bán phế liệu sẽ gửi vào ngân hàng và quy thành điểm trong sổ Tiết kiệm sinh thái của mỗi học sinh (người tiết kiệm sinh thái). Các em có thể dùng điểm trong số tiết kiệm sinh thái mua sắm (đổi lấy) dụng cụ học tập như sách, vở, cặp sách… trong cửa hàng tiết kiệm sinh thái (có dạng ôtô, xe buýt lưu động).

Sau hơn 6 năm triển khai, Chương trình Tiết kiệm sinh thái nhận được sự ủng hộ của chính quyền nhiều TP ở Philippines. Chương trình góp phần quản lý, phân loại chất thải rắn phát sinh ngay từ hộ gia đình đồng thời đem lại lợi ích kinh tế nhất định cho người tiết kiệm sinh thái và tiết kiệm chi phí xử lý chất thải cho chính quyền TP. Và hơn tất cả, Chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức của các công dân nhỏ tuổi trong việc bảo vệ môi trường sống cũng như hiểu về lợi ích kép của việc thu gom, phân loại và tái chế chất thải rắn…

Áp dụng thí điểm ở TP Vinh

Với sự hỗ trợ của dự án DELGOSEA và Hiệp hội các đô thị Việt Nam, tháng 9/2011, TP Vinh đã quyết định chọn 3 trường trung học cơ sở và tiểu học trên địa bàn P.Hưng Dũng để áp dụng thí điểm Chương trình tiết kiệm sinh thái trong 2 năm 2011 - 2012. Chương trình đã sớm thu hút được sự tham gia đông đảo của học sinh, phụ huynh và giáo viên. Ban đầu, Ban Điều hành dự án còn quan ngại học sinh khối 1 và 2 quá bé nên đề nghị 2 khối này của các trường tiểu học không tham gia chương trình. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, tại trường Tiểu học Hưng Dũng 2, các học sinh khối 1 và 2 vẫn tự nguyện tham gia. Kết quả, Chương trình đã thu hút được 167 thầy cô, 52 lớp và 2.055 học sinh tham gia. Tính đến ngày 20/4/2012, tổng số tiền từ việc thu gom, tái chế chất thải của 3 trường khoảng 60 triệu đồng. Trung bình, số tiền mỗi học sinh tích lũy được từ việc thu gom, tái chế rác thải khoảng 4.500 đ/tháng.

Phó chủ tịch UBND TP Vinh Lê Ngọc Châu cho biết, so với mục tiêu ban đầu, kết quả này chưa đạt yêu cầu nhưng lợi ích gián tiếp mà Chương trình mang lại thì không thể đo đếm được. Thông qua chương trình, học sinh được giáo dục kỹ năng sống, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, xây dựng ý thức mới về quản lý chất thải rắn cũng như bảo vệ, sử dụng tài nguyên hợp lý. Học sinh và cộng đồng nhân dân P.Hưng Dũng bắt đầu biết và làm quen với công việc phân loại rác tại nguồn. Mỗi người đã hình thành cho mình ý thức tiết kiệm, không vứt rác bừa bãi, thu gom các loại rác thải có thể tái chế trong gia đình và xã hội, vừa góp phần giảm thiểu chất thải rắn chôn lấp, vừa có thêm nguồn thu nhập từ chất thải…

Khuyến nghị nhân rộng Chương trình

Từ kinh nghiệm thực tế, đại diện chính quyền TP Vinh nhận định: Chương trình Tiết kiệm sinh thái rất cần được các bộ, ngành liên quan xem xét nghiên cứu, áp dụng triển khai tại các đô thị trong cả nước. Tuy nhiên, để Chương trình phát huy hiệu quả hơn nữa thì Chính phủ cần có cơ chế về mặt chi tiêu tài chính đối với Chương trình như các dự án về môi trường. Bên cạnh đó, chính quyền cấp tỉnh cần tăng cường vai trò của Cty môi trường đô thị trong việc chủ động tham gia vào chương trình và có cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở thu mua phế liệu tái chế trên địa bàn để họ có điều kiện mở rộng lĩnh vực kinh doanh, tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường và Luật DN. Chính quyền địa phương cũng cần thể chế hóa sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức chính trị xã hội, DN vào Chương trình.

Về phía TP Vinh, chính quyền đã lập kế hoạch nhân rộng mô hình trong một số trường học khác trên địa bàn ngay khi năm học mới 2012 - 2013 bắt đầu.

Tiểu Vũ

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load