(Xây dựng) - Ngày 26/11, tại TP Cần Thơ đã diễn ra Chương trình nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị dành cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND thành phố, thị xã thuộc tỉnh và cán bộ quy hoạch chức danh này. Khóa đào tạo thuộc Đề án của Chính phủ về “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý về xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức và lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp” (Đề án 1961) do Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị - Bộ Xây dựng (AMC) được giao tổ chức.
Ông Trần Hữu Hà – Giám đốc AMC nhấn mạnh ý nghĩa thiết thực của Đề án.
Đến tham dự khóa đào tạo có ông Trần Hữu Hà – Giám đốc AMC, các chuyên gia thuộc Bộ Xây dựng. Về phía địa phương có ông Mai Như Toàn – Giám đốc Sở Xây dựng Cần Thơ, ông Nguyễn Như Bình – Phó Giám đốc Sở Nội vụ Cần Thơ cùng các học viên là Chủ tich, Phó Chủ tịch UBND và cán bộ quy hoạch chức danh này thuộc UBND thành phố, thị xã các tỉnh: TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình; TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình; TP. Vị Thanh - tỉnh Hậu Giang; TP. Buôn Mê Thuật – tỉnh Đắk Lắk; TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp; TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre; TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau; thị xã (TX) Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa; TX Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, TX Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế; TX Ngã Năm, TX Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng; TX Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp…
Phát biểu khai giảng khóa học, ông Trần Hữu Hà – Giám đốc AMC nhấn mạnh: Theo yêu cầu quản lý xây dựng và đô thị theo định hướng phát triển đô thị đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, đòi hỏi đội ngũ công chức lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp phải tinh thông nghiệp vụ, có năng lực quản lý xây dựng và đô thị, thời gian qua, được sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Xây dựng, Học viện đã tổ chức 235 khóa học với gần 10.000 học viên trên cả nước.
Để chất lượng các khóa học theo Đề án 1961 đạt hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực của các công chức lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp, Ban chỉ đạo Đề án và Học viện đặc biệt chú trọng vào công tác chuẩn bị chương trình, tài liệu; mời giảng viên là các chuyên gia trong và ngoài nước có trình độ chuyên môn sâu về lĩnh vực quản lý xây dựng và phát triển đô thị; tổ chức hình thức học tập theo phương pháp tích cực...
Các khóa đào tạo đã nhận được sự đánh giá cao của học viên. Thời gian tới, công tác đào tạo bồi dưỡng theo Đề án 1961 sẽ được triển khai với các chương trình đào tạo chuyên sâu theo từng lĩnh vực nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu nâng cao năng lực quản lý xây dựng và đô thị cho chính quyền đô thị các cấp về: Đô thị thông minh, quản lý nhà ở và thị trường bất động sản, quản lý đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu...
Tháng 12/2018, dự kiến sẽ tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá việc thực hiện công tác đào tạo tại địa phương và kế hoạch triển khai giai đoạn 2019 - 2020 nhằm hoàn thiện báo cáo giữa kỳ của Chính phủ.
Toàn cảnh khóa đào tạo cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh.
Khóa đào tạo về quản lý xây dựng và phát triển đô thị theo Đề án 1961 (Đối tượng 2) tại Cần Thơ diễn ra trong 3 ngày với những kiến thức và trao đổi xung quanh các chuyên đề như:
Quản lý quy hoạch đô thị; quản lý phát triển đô thị gắn với bảo tồn di sản; phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu; các giải pháp bảo vệ môi trường đô thị trên địa bàn thành phố, thị xã; quản lý dự án đầu tư xây dựng; quản lý đất đai, nhà ở và thị trường bất động sản; nâng cao sức cạnh tranh đô thị.
Đề cập đến bài học thành công từ các đô thị tiên tiến, nghiên cứu tình huống thực tế về đô thị và chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế là một trong những vấn đề xâu chuỗi, nội dung trọng tâm tại khóa học.
Điều được mong đợi tại khóa học lần này đó chính là sự góp mặt của những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quản lý xây dựng và phát triển đô thị. Với đối tượng học viên là Chủ tịch, phó Chủ tịch UBND thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh và cán bộ quy hoạch cho chức danh này - những nhà lãnh đạo các đô thị hiện tại và tương lai, khóa học sẽ mang lại nhiều kết quả tốt đẹp, trang bị những nền tảng kiến thức tốt nhất giúp cho các nhà quản lý vận hành, quản lý đô thị hiệu quả hơn; một mặt đưa đô thị Việt Nam phát triển thành các đô thị tiên tiến, văn minh, phục vụ tốt đời sống nhân dân, mặt khác việc quản lý tốt cũng sẽ có những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như mang lại những hiệu quả to lớn, bền vững cho địa phương, đất nước.
Hiện nay, tính đến tháng 9/2018 cả nước có khoảng 850 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 38,5%. Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, diện mạo đô thị và nông thôn Việt Nam ngày càng khởi sắc theo hướng văn minh, hiện đại. Nhiều khu đô thị mới hình thành và phát triển, cơ sở hạ tầng kỹ thuật được nâng cao, hệ thống dịch vụ phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, đô thị Việt Nam còn một số tồn tại. Đó là việc xây dựng không phép, trái phép vẫn diễn ra; vấn đề công khai, công bố quy hoạch đã được duyệt theo quy định nhiều nơi chưa thực hiện triệt để, sai phạm; cơ sở hạ tầng mở rộng dẫn đến xuất hiện những căn nhà siêu mỏng, siêu nhỏ, hình thù kỳ dị, không tương xứng với tuyến đường hiện đại và làm xấu diện mạo đô thị... Một trong những nguyên nhân dẫn đến các tồn tại nêu trên là do chất lượng nguồn nhân lực tham gia quản lý đô thị còn hạn chế. Trên thực tế, nhiều nơi, bộ máy quản lý của chính quyền đô thị các cấp hoạt động kém hiệu quả, mặc dù đã qua nhiều lần kiện toàn, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ nhưng việc buông lỏng công tác quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng vẫn xảy ra. Ngày 25/10/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý về xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức và lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp giai đoạn 2010 - 2015” (Đề án 1961), với mục tiêu nâng cao nhận thức, năng lực quản lý, điều hành cho công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp về công tác quản lý xây dựng, phát triển đô thị Việt Nam, tạo sự thống nhất và đồng đều của công tác này trên cả nước. Đề án đã đáp ứng được tính cấp thiết và khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. |
Lê Hảo
Theo