Thứ tư 11/09/2024 10:53 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành 2 nhà máy sản xuất alumin

22:26 | 13/01/2017

Trong hai ngày 12-13/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Chính phủ đã đi kiểm tra, làm việc với 2 nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) và Tân Rai (Lâm Đồng).


Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo các Bộ Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ, Tài chính; lãnh đạo 2 tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng và Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Phó Thủ tướng và đoàn công tác đã đi kiểm tra hiện trường 2 dự án; nghe đại diện chủ đầu tư (TKV) báo cáo tình hình hoạt động của Nhà máy Alumin Tân Rai và Nhà máy Alumin Nhân Cơ; nghe Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân báo cáo tình hình thực hiện Dự án Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông.

Hình thành ngành công nghiệp nhôm

Các dự án khai thác, chế biến bauxite và sản xuất alumin tại Nhân Cơ và Tân Rai là 2 dự án thí điểm, thực hiện theo chủ trương của Bộ Chính trị. Đây là các dự án có ý nghĩa quan trọng đối với ngành công nghiệp khai thác, chế biến quặng bauxite tại Việt Nam.


Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nghe giới thiệu về Nhà máy Alumin Tân Rai, Lâm Đồng - Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Khi 2 dự án đi vào hoạt động sẽ giúp Chính phủ có cơ sở lý thuyết và thực tiễn để đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và làm cơ sở cho việc định hướng phát triển đồng bộ ngành công nghiệp nhôm của Việt Nam. Cùng với Dự án Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông (do Công ty TNHH Trần Hồng Quân đầu tư) sẽ hình thành tổ hợp khai thác-sản xuất alumin-luyện nhôm và sản phẩm sau nhôm đồng bộ. Nếu Việt Nam tự sản xuất được phôi nhôm và các sản phẩm nhôm thành phẩm, sẽ có thể chủ động nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp.

Nhôm là sản phẩm kim loại chỉ đứng thứ 2 sau thép về sản xuất và sử dụng. Việt Nam đang phải nhập khẩu 100% phôi nhôm và nhôm thành phẩm. Năm 2015, Việt Nam nhập khoảng 1,5 triệu tấn phôi nhôm và nhôm thành phẩm (giá trị khoảng 3 tỷ USD), trong đó phôi nhôm khoảng 400.000 tấn.

(Bộ Công Thương)

Theo báo cáo của TKV, dự án Alumin Tân Rai và Nhân Cơ có cùng công suất 650.000 tấn alumin/năm. Nhà máy Tân Rai đã hoàn thành và đi vào sản xuất ổn định từ tháng 10/2013. Đến nay, công tác sản xuất và tiêu thụ của dự án đã ổn định, sản lượng alumin (quy đổi) sản xuất hằng năm ngày càng tăng. Dự kiến năm 2016 là 600.000 tấn và năm 2017 đạt công suất thiết kế 650.000 tấn/năm. Chất lượng quặng nguyên khai, quặng tinh và alumin đã đạt và vượt theo thiết kế và tiêu thụ tốt trên thị trường.

Phần lớn sản lượng alumin sản xuất được xuất khẩu, một phần nhỏ tiêu thụ trong nước. Đến nay, TKV đã bán alumin/hydrat đến các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Thái Lan, dự kiến trong thời gian tới sẽ mở rộng sang các khu vực tại thị trường Trung Đông, Malaysia...

Đặc biệt qua việc đưa Nhà máy Alumin Tân Rai vào hoạt động, TKV đã rút được nhiều kinh nghiệm quan trọng trong công tác phối hợp thi công, chỉ đạo xây dựng, kết nối nhà thầu, đào tạo nguồn nhân lực, phối hợp tốt chính quyền địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm an ninh, an toàn trật tự trên địa bàn.


Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra sản phẩm quặng alumin - Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Đến nay, dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ cũng đã cơ bản hoàn thành công tác đầu tư xây dựng. Hiện nhà máy tuyển đang vận hành sản xuất ổn định và vận chuyển tinh quặng sang Nhà máy Alumin bằng tuyến băng tải để phục vụ chạy thử có tải Nhà máy Alumin.

Đánh giá cao việc 2 nhà máy được đầu tư xây dựng đúng tiến độ, đi vào hoạt động có hiệu quả, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, đây chính là tiền đề quan trọng để phát triển ngành công nghiệp nhôm, từ đó phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ chế biến các sản phẩm từ nhôm, làm cơ sở để phát triển các ngành công nghiệp vật liệu, cơ khí chế tạo, công nghiệp sản xuất các sản phẩm gia dụng.

Bài học về bảo đảm môi trường

Việc triển khai thực hiện 2 dự án Alumin cũng đã giúp giải quyết nhiều việc làm, tạo ra chuyển dịch kinh tế, nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên vốn đặc biệt khó khăn.

“Qua kiểm tra, có thể thấy những dự án đã triển khai, đi vào khai thác sử dụng có hiệu quả. Từ chỗ chưa có kinh nghiệm, đến nay, các dự án đã được cải tiến, đổi mới công nghệ. Môi trường được bảo đảm”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.


Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đi kiểm tra hồ chứa bùn đỏ - Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Trong suốt thời gian xây dựng, vận hành 2 nhà máy, các bộ, ngành liên quan như TN&MT, KH&CN, Công Thương, các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng đã đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cũng như thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc bảo đảm môi trường. Qua thực tế kiểm tra tại nhà máy, việc hoàn nguyên sau khai thác được thực hiện đúng quy định; các chỉ số môi trường được quan trắc chặt chẽ, các hồ chứa bùn đỏ bảo đảm an toàn tuyệt đối.

“Đây là những kết quả đáng biểu dương, là bài học cho tất cả các cơ sở cộng nghiệp khác khi đầu tư xây dựng phải đặt vấn đề bảo đảm môi trường lên hàng đầu”, Phó Thủ tướng nói.

Rà soát để hoàn thiện

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu cần tiếp tục rà soát lại dự án, kể cả dự án đang hoạt động hay đang chạy thử để tối ưu hoá, đặc biệt là khắc phục những nhân tố làm mất an toàn, tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị chủ đầu tư, các nhà thầu cần hoàn thiện các bước của dự án theo quy định của pháp luật; nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong tổ chức quản lý, sản xuất kinh doanh.

“Cả tập đoàn, cả các nhà máy cần phải rà soát để tổ chức lại bộ máy, nhân sự, quy trình sản xuất một cách hợp lý, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp cùng với đó phải đào tạo nguồn nhân lực, tính đến việc mở rộng sản xuất”, Phó Thủ tướng nói.


Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công tác hoàn nguyên môi trường sau khai thác - Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Phó Thủ tướng cũng đề nghị 2 nhà máy cần khắc phục thất thoát lãng phí trong khai thác tài nguyên, nâng cao hiệu quả thu gom khoáng sản, hạn chế thất thoát trong đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, khai thác, chi phí, nguyên nhiên vật liệu.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, việc bảo đảm môi trường là nhiệm vụ thường xuyên, không thể chủ quan.

“Phải kiểm soát chặt chẽ chất thải, lắp đặt bổ sung hệ thống quan trắc, hoàn nguyên các khu vực khai thác, tuyệt đối không để xảy ra sự cố môi trường”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Khi 2 nhà máy đi vào hoạt động ổn định, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Công Thương tổ chức đánh giá, tổng kết việc thực hiện 2 dự án. Yêu cầu của công tác đánh giá là phải đặt trong tổng thể phát triển ngành khai khoáng, ngành công nghiệp nhôm của Việt Nam, phân tích thật kỹ mọi yếu tố kinh tế, xã hội, an sinh, quốc phòng, an ninh.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị cần nghiên cứu quy hoạch khu vực phát triển tổ hợp quy hoạch nhôm, trên cơ sở đó mở rộng tổ hợp, trong đó có nhiều dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm thứ cấp liên quan đến ngành nhôm để thực hiện các ngành công nghiệp khác, làm nền tảng phát triển công nghiệp hỗ trợ.


Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tặng quà cho bà con xã Lộc Thắng - Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Để bảo đảm phát triển bền vững, Phó Thủ tướng yêu cầu TKV và 2 nhà máy Alumin quan tâm đến cộng đồng, phối hợp tốt với địa phương để hỗ trợ đời sống, giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Cùng với đó phải chăm lo đời sống cho người lao động, nâng cao thu nhập, phát triển nhà ở cho công nhân. “Phải tạo ra mô hình chuẩn về chăm lo đời sống cho người lao động để người lao động yên tâm gắn bó với nhà máy. Trước mắt, phải tập trung chăm lo Tết cho công nhân, đồng bào khu vực dự án. Không để gia đình nào không có Tết”, Phó Thủ tướng kết luận.

Theo Xuân Tuyến /Chinhphu.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load