Sau hơn 20 năm đổi mới, khu vực nông thôn Vĩnh Phúc có nhiều khởi sắc. Từ đầu những năm 1990, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, cùng với chính sách hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, nhân dân trong tỉnh đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng và hàng triệu ngày công xây dựng hạ tầng nông thôn. Nhờ đó, hệ thống đường giao thông nông thôn Vĩnh Phúc đã cứng hoá được 2.042km.
Giờ đây, nhiều loại xe có thể về tận các thôn, làng đưa đón khách hoặc chở hàng hoá. Hệ thống thuỷ lợi cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. 100% số xã, thôn được sử dụng điện lưới quốc gia, có điện thắp sáng và phục vụ sản xuất. Nhiều thôn làng có điện chiếu sáng ngoài đường. Tất cả các xã có điểm phục vụ bưu chính, viễn thông. Các thiết chế văn hoá, thể thao được xây dựng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt văn hoá, thể thao trong cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân địa bàn nông thôn. Toàn tỉnh hiện có 80% số gia đình ở nông thôn và 57% số thôn, làng đạt tiêu chuẩn văn hoá.
Khu tái định cư thôn Trại Cúp (xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên) ngày càng khang trang.
Cơ cấu kinh tế nông thôn đã chuyển biến tích cực. Tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế giảm từ 16,7% năm 2006 xuống còn 13,74% năm 2010. Sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá. Tỷ trọng giá trị ngành chăn nuôi tăng từ 39% lên 56,3%, tỷ trọng giá trị ngành trồng trọt giảm từ 56% xuống còn 38,9%. Sản lượng lương thực có hạt giữ mức ổn định, bình quân đạt 35,2 vạn tấn/năm. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản giảm còn 44,1%. Đồng thời, 34 làng nghề trong tỉnh hàng năm đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Toàn tỉnh hiện có 1.036 trang trại kết hợp trồng trọt và chăn nuôi, từng bước chuyển từ chăn nuôi phân tán tận dụng sang chăn nuôi công nghiệp và nửa công nghiệp. Năm 2009, thu nhập bình quân đầu người trong khu vực nông thôn đạt 11,14 triệu đồng, bằng 85,8% bình quân chung của tỉnh. Các tiêu chí: Điện, đường, trường, trạm ở nhiều địa phương trong tỉnh đã đạt chuẩn quốc gia.
Theo điều tra, tổng hợp bước đầu của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh đã có 10 xã đạt từ 60 - 80% theo tiêu chí nông thôn mới. Đó là các xã: Thái Hoà, Tiên Lữ (Lập Thạch); Tam Hồng, Tề Lỗ, Liên Châu, Nguyệt Đức (Yên Lạc); Cao Đại, Vĩnh Thịnh, Tam Phúc (Vĩnh Tường); Định Trung (TP Vĩnh Yên). Mặc dù điểm xuất phát của các xã không giống nhau nhưng các mô hình nông thôn mới nêu trên đều đạt các tiêu chí: Sản xuất phát triển, đời sống sung túc. Diện mạo sáng sủa, khang trang, thôn xóm văn minh và quản lý dân chủ. Những điểm sáng ở các vùng nông thôn khác nhau đang được tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để nhân ra diện rộng.
Kết quả xây dựng nông thôn mới đã tạo sự chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Tuy nhiên, những thành tựu đạt được về xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp và phát triển ngành nghề còn chậm. Nông nghiệp và nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng còn hạn chế, môi trường ngày càng bị ô nhiễm. Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân chưa cao. Khoảng cách phân hoá giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị có xu hướng gia tăng…
Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới theo hướng CNH, HĐH và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo trên cơ sở chuyển từ Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh uỷ về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Hoàn chỉnh kế hoạch triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2011 - 2020. Phấn đấu đến năm 2015 có 35 - 40% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Chỉ đạo các xã chuyển dịch mạnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng chăn nuôi - trồng trọt - dịch vụ. Hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung đạt chất lượng, hiệu quả, sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Cùng với phát triển kinh tế, chú trọng đẩy mạnh phát triển y tế, giáo dục, xây dựng các thiết chế văn hoá ở nông thôn. Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và nâng cao dân chủ ở cơ sở. Đồng thời tích cực thực hiện xoá đói giảm nghèo, giải quyết các vấn đề xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống nông dân.
Bình Hiếu
Theo baoxaydung.com.vn