Như tin đã đưa, trong 2 ngày 29 và 30/3, tại TP Hạ Long, Quảng Ninh, Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà Báo Việt Nam đã tổ chức Hội nghị cán bộ báo chí học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) và Hội nghị cán bộ báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2012.
Đánh giá của Bộ TT&TT tại Hội nghị cho thấy, năm 2011 báo chí đã thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện về mọi diễn biến đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội của đất nước và quốc tế, là diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân. Báo chí đã tuyên truyền sâu rộng, có chất lượng, với hình thức phong phú, đa dạng về các sự kiện trọng đại của đất nước. Báo chí phát huy tính chủ động, sáng tạo, tích cực tuyên truyền các giải pháp điều hành kinh tế-xã hội của Chính phủ nhằm phát triển kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội; phán ánh một số nhiệm vụ cấp bách mà Đảng và Nhà nước đang chỉ đạo: tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tài chính tiền tệ, giá cả thị trường, quản lý và sử dụng đất đai, xuất khẩu hàng hóa, xóa đói giảm nghèo…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh biểu dương những kết quả đạt được của các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, các cơ quan báo chí và những người làm báo, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước trong năm 2011. Bên cạnh đó cũng chỉ rõ những hạn chế, thiếu sót của công tác báo chí như: Công tác lãnh đạo, điều hành, việc thực hiện quy hoạch và quản lý hệ thống báo chí còn bất cập. Nhiều tờ báo và cơ quan báo chí trùng lặp, chồng chéo chức năng, nội dung. Việc quản lý kênh, sóng truyền hình chưa chặt chẽ, cho ra nhiều kênh, chiếu nhiều phim nước ngoài; xuất bản nhiều chuyên san, chuyên đề, ấn phẩm phụ. Một số cơ quan báo chí chưa chú ý biểu dương nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, mà còn thiên về phản ánh mặt trái, tiêu cực của xã hội; vi phạm các quy định về quảng cáo, trái với truyền thống văn hóa dân tộc… Một số phóng viên thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, viết bài phản biện thiếu tính xây dựng.
Đề cập về các nhiệm vụ năm trọng tâm của công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí năm 2012 và các năm tiếp theo, đồng Lê Hồng Anh nhấn mạnh: Báo chí hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, phải đảm bảo tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng của hoạt động báo chí. Cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí cần tham mưu với Chính phủ ban hành đề án quy hoạch báo chí; nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về báo chí, kịp thời điều chỉnh những bất cập, nảy sinh trong hoạt động quản lý báo chí hiện nay. Các cơ quan chủ quản báo chí cần phát huy, thể hiện rõ nét hơn vai trò, trách nhiệm của mình đối với cơ quan báo chí thuộc phạm vi mình phụ trách, nhất là việc chăm lo công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và định hướng nội dung thông tin tuyên truyền. Báo chí cần tiếp tục phát huy vai trò, tính tiên phong, tính chiến đấu trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, các hiện tượng tiêu cực xã hội, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Báo chí làm tốt nhiệm vụ của một trong những lực lượng nòng cốt đấu tranh chống lại âm mưu "diễn biến hòa bình," phản bác các quan điểm, thông tin sai trái của các thế lực thù địch, chống phá cách mạng Việt Nam.
Tại Hội nghị, các đại biểu đi sâu phân tích, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền đưa Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, đặc biệt là tuyên truyền về quán triệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)… Hội nghị đã phân tích khá đầy đủ và sâu sắc; khẳng định cả ưu điểm, thành tích và hạn chế thiếu sót đều liên quan nhân tố con người - tức đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Giải pháp cũng được các đại biểu bàn kỹ với sự thống nhất rất cao rằng: điều quan trọng, có tính quyết định để làm chuyển biến tình hình là phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ báo chí. Các cơ quan báo chí cần thật sự coi trọng, đề cao công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ báo chí cả về nhận thức và bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp. Phải làm đều, làm thường xuyên, gắn với việc nghiên cứu, quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” trong các cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng cần rà soát quy trình tác nghiệp của phóng viên, biên tập viên, tòa soạn để chủ động tránh các sai sót đáng tiếc.
Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh đề nghị các cơ quan báo chí nghiêm khắc nhận rõ những hạn chế, thiếu sót trong công tác báo chí; nhấn mạnh năm 2012, cùng với tuyên truyền nhiều sự kiện, vấn đề quan trọng khác, báo chí cần tập trung tuyên truyền đưa Nghị quyết, các văn kiện Đại hội XI của Đảng, các kết luận và nghị quyết của Hội nghị Trung ương đi vào cuộc sống, trong đó Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt; gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tuyên truyền nhiệm vụ kinh tế-xã hội theo Kết luận Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI), Nghị quyết 11 của Chính phủ; công tác đối ngoại, an ninh-quốc phòng; xây dựng luật, trong đó công tác sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992… là rất quan trọng. Công tác thông tin, tuyên truyền luôn được khẳng định như một giải pháp trong việc triển khai thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, các Nghị quyết của Quốc hội và của Chính phủ. Do vậy, báo chí phải tiếp tục bám sát định hướng chính trị tư tưởng của Đảng và Nhà nước, nêu cao tinh thần chủ động, tuyên truyền thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, sáng tạo bằng những hình thức hấp dẫn, sinh động, thuyết phục. Để làm tốt nhiệm vụ này, cần tập trung sức nâng cao chất lượng đội ngũ những người làm báo từ Tổng Biên tập, Giám đốc, Ban Biên tập, Ban lãnh đạo các cơ quan báo chí đến đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cả về nhận thức, bản lĩnh, sự nhạy bén về chính trị, trình độ nghiệp vụ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.
Bám sát thực tiễn của đất nước, các cơ quan báo chí phát hiện, cổ vũ những nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt, các phong trào thi đua yêu nước của nhân dân, đồng thời tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tệ nạn và tiêu cực xã hội; đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống diễn biến hòa bình, phản bác các thông tin và luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của báo chí trong công tác giám sát, phản biện xã hội. Các cơ quan báo chí cần kiên quyết khắc phục khuynh hướng “thương mại hóa.” Tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí với các cơ quan chủ quản báo chí và từng cơ quan báo chí, trong đó cần đặc biệt coi trọng, phát huy hơn nữa vai trò cơ quan chủ quản. Thời gian tới, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giao ban báo chí theo hướng đảm bảo đúng thành phần; giữ vững kỷ luật thông tin; tăng cường cung cấp thông tin, đối thoại, trao đổi giữa cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí. Các cơ quan chức năng tăng cường cung cấp thông tin và định hướng thông tin cho báo chí. Các cơ quan chỉ đạo và quản lý báo chí cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về báo chí…
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, đến tháng 3/2012, cả nước có 786 cơ quan báo in với 1.016 ấn phẩm; 67 đài phát thanh truyền hình Trung ương và địa phương; 61 báo, tạp chí điện tử, 191 mạng xã hội, hơn 1.000 trang thông tin điện tử tổng hợp; hơn 17.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề. |
Thư Kỳ
Theo baoxaydung.com.vn