Trong bối cảnh toàn cầu hóa, mỗi một quốc gia muốn phát triển cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh nội tại của nền kinh tế, phải xác định các lợi thế cạnh tranh là gì, từ đó đề ra chiến lược phát triển phù hợp. Vì vậy, việc đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc XI đã xác định “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ” là một trong ba khâu đột phá phát triển nền kinh tế, trong đó công tác đào tạo nghề được Thủ tướng ban hành Quyết định số 630/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011- 2020 với mục tiêu đến năm 2020 số người qua đào tạo nghề đạt tỷ lệ 55% (đào tạo mới về cao đẳng nghề, trung cấp nghề hàng năm phải có 10% đạt trình độ quốc gia, khu vực và quốc tế).
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cùng các đại biểu chứng kiến lễ ký kết Liên kết đào tạo giữa LILAMA 2 - BOSCH Việt Nam.
Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nêu trên là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn và cấp bách của Đảng và Nhà nước. Nhằm góp phần thực hiện thành công chủ trương này, Trường Cao đẳng nghề LILAMA2 đã có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về đào tạo gắn với DN như: TCty Lắp máy Việt Nam, TCty PTSC, Cty CS Wind Tower, Cty VINATAK, Cty Quatron Steel… và đã cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các Dự án Nhiệt điện Cà Mau, Ô Môn, Nhơn Trạch, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, các chân đế giàn khoan dầu khí và các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Với uy tín và thương hiệu trong nước, khu vực và thế giới Trường LILAMA2 đã được Cty Robert Bosch của Đức lựa chọn làm đối tác triển khai mô hình “đào tạo kép” (Dual System) đầu tiên tại Việt Nam nhằm giải quyết nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao mở rộng sản xuất của Robert BOSCH tại Việt Nam.
Được biết “Đào tạo kép” là mô hình đào tạo gắn kết chặt chẽ giữa 3 tổ chức, gồm: Các cơ sở dạy nghề; khối các doanh nghiệp và Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (IHK). Theo mô hình “Đào tạo kép” thì phần lý thuyết được học tại các trường đào tạo nghề, phần thực hành được học tại các DN. Tuy nhiên, cũng có trường hợp lý thuyết và kỹ năng cơ bản được học tại các trường đào tạo nghề, phần kỹ năng nghề chuyên sâu được học tại DN; IHK có chức năng phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo nghề tổ chức thi và cấp bằng tốt nghiệp cho sinh viên, văn bằng của IHK là yêu cầu bắt buộc cho tất cả lao động vào làm việc trong các DN của Đức. Mô hình “đào tạo kép” có những ưu điểm nổi bật: Thứ nhất chương trình đào tạo được cập nhật, đáp ứng kiến thức kỹ năng theo yêu cầu của DN; Thứ hai, đảm bảo chất lượng đào tạo, tiết kiệm chi phí đầu tư thiết bị đào tạo; Thứ ba, đảm bảo việc đánh giá khách quan về kết quả học tập của sinh viên, do đó đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải nâng cao chất lượng đào tạo để xây dựng thương hiệu của mình; Thứ tư, sinh viên sau khi tốt nghiệp có ngay việc làm đúng với chuyên môn và kỹ năng được học với mức lương cao.
Do được ứng dụng, nhân rộng mô hình đào tạo kép nên hơn 50% học sinh tốt nghiệp THCS của Đức đã đăng ký học nghề, đều này tạo cho nước Đức có nguồn nhân lực kỹ thuật cao, đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp quan trọng như: Công nghệ ôtô, công nghiệp điện, công nghiệp nặng, công nghiệp cơ khí…
Trong những năm gần đây Việt Nam được CHLB Đức hỗ trợ phát triển đào tạo nghề và thí điểm triển khai mô hình “đào tạo kép”. Chương trình này được triển khai giữa Robert Bosch Việt Nam với LILAMA2, theo đó học viên sẽ những môn bắt buộc của Việt Nam tại LILAMA2, phần thực hành được học tại Trung tâm Thực hành nghề (TGA) của Bosch. Trong quá trình học sinh viên được đào tạo và quản lý bởi giáo viên của LILAMA2 và chuyên gia của Bosch và được giám sát bởi Phòng Công nghiệp và Thương mại nước ngoài của Đức (AHK), cuối khóa học viên sẽ được cấp 2 văn bằng tốt nghiệp (1 bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề của Việt Nam, 1 bằng nghề do AHK). Đây là mô hình đào tạo phổ biến đối với các DN Đức, song được vận dụng đầu tiên ở Việt Nam. Với sự nỗ lực của Trường Cao đẳng nghề LILAMA2 và Robert Bosch Việt Nam, đặc biệt là sự hỗ trợ của AHK và GIZ của Đức, hy vọng đây sẽ là chương trình đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế hiệu quả cần được nghiên cứu để triển khai nhân rộng trong hệ thống đào tạo nghề Việt Nam, góp phần hoàn thành mục tiêu của Chiến lược phát triển đào tạo nghề đến năm 2020.
NGƯT - TS LÊ VĂN HIỀN
Theo