Thứ hai 07/10/2024 08:02 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Năm tới, thị trường BĐS được kỳ vọng sẽ "khỏe" trở lại

23:21 | 16/12/2013

Theo nhận định của các chuyên gia, trong năm 2014 tới, thị trường BĐS sẽ có những dấu hiếu biến chuyển khả quan cũng như có sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý.

Hiện nay, thời gian đã đi vào khoảng cuối năm, nhiều người có cái nhìn không thực khả quan về thị trường BĐS. Nhưng theo các chuyên gia, có nhiều cơ sở để nhận thấy nhiều dấu hiệu khả quan vào năm tới.

1. Hấp lực BĐS vẫn cao

Theo báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), bất chấp thị trường BĐS chưa khởi sắc, song vốn ngoại tiếp tục “đổ bộ” vào lĩnh vực này vẫn khá cao. Trong 11 tháng năm 2013, lĩnh vực kinh doanh BĐS đứng thứ ba về thu hút vốn FDI nhiều nhất với 20 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 884 triệu USD. Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư ngoại, thị trường BĐS Việt Nam còn nhiều tiềm năng bởi sở hữu những ưu thế nhất định so với các nước khác trong khu vực như nhu cầu nhà ở hiện nay của người dân còn rất lớn, dân số trẻ, kinh tế tăng trưởng ổn định, tốc độ đô thị hóa hiện còn chậm...

Trên một góc nhìn khác, nghiên cứu mới đây của VinaCapital - tập đoàn về quản lý tài sản và phát triển BĐS tại Việt Nam cũng cho thấy, BĐS có thể vẫn là một kênh đầu tư tốt vào thời điểm hiện tại bởi hiện nay lãi suất huy động thấp (7-8%), thị trường vàng và ngoại hối tỏ ra kém hấp dẫn do các chính sách của Chính phủ trong việc kiểm soát thị trường tự do. Vì vậy, giới đầu cơ có thể bị hấp dẫn bởi BĐS do lợi suất cao (từ 5-8%) và khả năng bảo toàn giá trị trước lạm phát.

2. Tín hiệu khả quan từ nhiều phân khúc

Tình hình thị trường BĐS nói chung và thị trường nhà ở nói riêng đã có phản ứng tích cực, phân khúc nhà ở xã hội và những căn hộ có diện tích nhỏ được người dân quan tâm và đã có nhiều giao dịch thành công hơn trước.

Bên cạnh phân khúc căn hộ chung cư có diện tích nhỏ, đã hoàn thiện, vị trí thuận lợi, giá dưới 15 triệu đồng/m2 có tính thanh khoản cao, giao dịch tăng nhờ phù hợp với túi tiền của nhiều người dân thì thống kê cũng cho thấy, đang có nhiều dấu hiệu khả quan từ các phân khúc khác nhau. Báo cáo của Savills Việt Nam về thị trường BĐS trong quý III/2013 cho thấy, tại TP. Hồ Chí Minh, giao dịch trên thị trường chung cư tăng 52% theo năm. Tỷ lệ hấp thụ của toàn thị trường là 12%. Giao dịch chủ yếu trên thị trường là căn hộ hạng C trong khoảng giá từ 12 - 17 triệu đồng/m2. Còn tại Hà Nội, giao dịch trên toàn thị trường đạt 9%, do tình trạng hoạt động tốt của các dự án có tiến độ thi công tốt, giá chào bán thấp hơn và nhiều chương trình khuyến mại. Trong đó, phân khúc căn hộ hạng C vẫn tiếp tục là sản phẩm chính của thị trường với tỉ lệ hấp thụ đạt 15%.

Một thống kê mới đây cũng cho thấy, chỉ trong tháng 11 vừa qua, giao dịch căn hộ tại Royal City (Hà Nội) đạt con số 300 dường như đã chứng minh sức mua của người dân vẫn rất nhiều. Với những dự báo kinh tế vĩ mô sẽ tích cực hơn trong năm 2014 thì có thể tạo niềm tin sức mua sẽ tiếp tục tăng.

Thậm chí, phân khúc biệt thự, nhà liền kề bị coi là khó giao dịch song cũng có nhiều tín hiệu khả quan. Theo ông Michael Piro - Giám đốc điều hành Vietnam Sotheby's International Realty: "Thị trường căn hộ cao cấp vẫn khó, nhưng không phải không có cơ hội. Diễn biến gần đây, thị trường này còn có những tín hiệu khả quan, không hề "đóng băng" như nhiều người vẫn tưởng". Những con số thống kê gần đây cũng đã phần nào chứng minh cho nhận định này: Tại Dự án Mandarin Garden (Trung Hòa), hơn 80% số căn hộ cũng đã có chủ; hay như mới đây, Công ty cổ phần Đất Xanh Miền Bắc mở bán 120 căn hộ cao cấp Golden West (số 2 Lê Văn Thiêm) do Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng (COMA) làm chủ đầu tư, đến nay, đã có 95/120 căn được chốt hợp đồng…

3. Giá cả phù hợp

Báo cáo của Bộ Xây dựng trình Quốc hội mới đây cũng khẳng định: Giá nhà ở đã giảm nhiều so với thời điểm sốt giá giai đoạn 2008 - 2010, nhiều dự án giá giảm tới 50%, trở về giá tương đương thời điểm 2006. Theo đó, hầu hết các dự án đã giảm từ 10 - 30% giá bán, đặc biệt có một số dự án, như dự án Sunrise City của Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc NoVa, dự án Everrich 3 của Công ty Phát Đạt tại TP. Hồ Chí Minh đã giảm giá tới gần 50% so với giá bán tại thời điểm “nóng” cách đây hơn 2 năm. Thậm chí, nhận định của VinaCapital mới đây còn khẳng định, giá BĐS đã “chạm đáy”, đặc biệt là tại TP. Hồ Chí Minh.

Xu hướng giảm giá trong năm 2014 cũng là dự báo chung được nhiều chuyên gia đề cập. Theo TS. Quách Mạnh Hào, Công ty Cổ phần Chứng khoán MB đánh giá, thị trường BĐS sẽ còn giảm giá hoặc ít nhất nó có thể tăng giảm nhẹ theo các gói hỗ trợ tín dụng rẻ. Hơn nữa, xu hướng tiếp tục giảm giá cũng là điều khó tránh khỏi khi quyền lực đang nằm trong tay người mua và họ

4. Động thái của cơ quan quản lý

Hàng loạt các động thái hỗ trợ của Chính phủ gần đây được coi là một trong những nhân tố quan trọng nhất góp phần đưa thị trường BĐS ấm trở lại trong năm 2014.

Mới đây, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách và gói hỗ trợ hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường BĐS như: giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hạ trần lãi suất huy động vốn ngắn hạn, áp dụng việc giảm 50% thuế VAT cho các giao dịch căn hộ thương mại với diện tích sàn dưới 70 m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Đặc biệt là Nghị quyết 02 của Chính phủ với gói vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỉ đồng, giúp giải tỏa một phần khó khăn về khả năng chi trả cho người mua nhà, đồng thời, tạo động lực cho chủ đầu tư tập trung phát triển các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực của thị trường. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng cường chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh giải ngân gói 30.000 tỷ cho doanh nghiệp và người dân vay để phát triển nhà.

Bên cạnh đó, việc Chính phủ đã thông qua việc nâng trần bội chi từ 4,8% lên 5,3% GDP trong năm 2014. Khoản tăng này dùng để mở rộng đầu tư cơ sở hạ tầng, mà từ đó lĩnh vực BĐS sẽ được hưởng lợi nhờ kết nối hạ tầng tốt hơn.

Ngoài ra, nhiều chính sách mới như cho phép chia nhỏ căn hộ, việc điều chỉnh giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, nới lỏng các điều khoản quy định việc sở hữu BĐS tại Việt Nam dành cho người nước ngoài, dự kiến triển khai mô hình tiết kiệm nhà ở... được coi là những động thái tích cực giúp thị trường BĐS sôi động hơn.

5. Sự chủ động vượt khó của các doanh nghiệp

Để giải quyết khối lượng hàng tồn kho, nhiều doanh nghiệp BĐS cũng đã chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh bằng việc chuyển mạnh sang phát triển nhà ở xã hội, hoặc chia nhỏ căn hộ, sử dụng vật liệu hoàn thiện trong nước để giảm giá thành, bán hạ giá để cắt lỗ... Điều này giúp cho thị trường hướng tới nhu cầu thực của phần đông người mua, cung cấp các hàng hóa phù hợp với khả năng thanh toán của thị trường.

Các doanh nghiệp BĐS cũng đã giảm giá để tăng giao dịch và xu hướng này dự báo vẫn sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2014. Ngoài ra, các chủ đầu tư đã tích cực chủ động trong việc maketing bán hàng, khuyến mại, điều chỉnh cơ cấu căn hộ, giao sản phẩm căn hộ xây thô để khách hàng tự hoàn thiện... Đồng thời chú trọng việc tiết giảm chi phí không cần thiết, đặc biệt là vật liệu cao cấp được thay thế bằng vật liệu trong nước..., qua đó hạ giá bán để thu hút khách hàng.

Năm 2014 được dự báo sẽ là năm thị trường BĐS lấy lại niềm tin và hứa hẹn phục hồi. GS.Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cho rằng những dấu hiệu phục hồi thực sự hơn của thị trường này sẽ đến vào năm 2014. Đồng tình với nhận định này, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng dự báo thị trường BĐS sẽ phục hồi rõ kể từ quý III/2014 bởi vào thời điểm đó nền kinh tế cũng sẽ có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ hơn, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (FDI) cũng tăng mạnh hơn.

Như vậy, dù hiện tại thị trường BĐS chưa thực sự khởi sắc nhưng những dấu hiệu khả quan vào năm tới là điều hòan tòan có thể hi vọng.

Theo TCTC

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load