Thứ năm 18/04/2024 15:30 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Nam Định: Cần kiểm tra nguồn đất đắp đê ở một dự án

16:42 | 03/06/2023

(Xây dựng) – Chất lượng đất đắp đê là một trong các yếu tố chính ảnh hưởng tới chất lượng công trình đê điều. Tuy nhiên, Dự án thành phần số 7, tu bổ xung yếu hệ thống đê điều tỉnh Nam Định giai đoạn 2021 – 2025 đang có dấu hiệu sử dụng đất đắp không tuân thủ hồ sơ thiết kế, không đảm bảo chất lượng, nguy cơ gây mất an toàn đê điều khi mùa mưa bão đang đến gần.

Nam Định: Cần kiểm tra nguồn đất đắp đê ở một dự án
Theo như lời của Chỉ huy trưởng Nguyễn Thế Anh đây là đất thịt và đất á sét (sét pha) được vận chuyển bằng tàu nên bị sóng nước vào thuyền tạo thành thứ đất này nên phải phơi 15-20 ngày cho khô rồi mới cho thi công.

Được biết, dự án thành phần số 7, tu bổ xung yếu hệ thống đê điều tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025 nhằm nâng cấp đê, xử lý các trọng điểm xung yếu trên các tuyến đê, hoàn thiện mặt cắt thiết kế đê theo quy hoạch để đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như từng bước tăng cường khả năng chống lũ, bảo vệ hệ thống đê điều; dần xóa các trọng điểm xung yếu, đảm bảo yêu cầu chống lũ, bão, kết hợp giao thông góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Chủ đầu tư dự án là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định. Tổng mức đầu tư dự án thành phần số 7 là 72.406.000.000 đồng.

Theo phản ánh của bạn đọc đến Báo điện tử Xây dựng, tại tuyến đê qua xã Nam Hồng và xã Tân Thịnh (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), đơn vị thi công có dấu hiệu gian lận trong việc mua bán, sử dụng vật liệu đắp taluy mái đê.

Một người dân tại xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực rất bức xúc khi chứng kiến đơn vị thi công sử dụng vật liệu không đảm bảo để đắp mái đê. Bà cho biết: “Đây là bùn nhão, chứ không phải là đất. Đổ bùn làm sao chắc bằng đất”.

Ngày 23/4/2023, phóng viên có mặt ở tuyến đê có công trình dự án đang thi công tại địa bàn xã Nam Hồng để ghi nhận thực tế, nhận thấy phản ánh của người dân là có cơ sở. Theo quan sát của phóng viên, số vật liệu trên chủ yếu được vận chuyển qua đường thủy, sau đó sang tải thông qua hệ thống xe ben để vận chuyển lên đắp mái taluy đê. Trong quá trình vận chuyển tới chân đê, “đất dạng bùn lỏng” vương vãi khắp mặt đê, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống dân sinh.

Nam Định: Cần kiểm tra nguồn đất đắp đê ở một dự án
Nam Định: Cần kiểm tra nguồn đất đắp đê ở một dự án
Nam Định: Cần kiểm tra nguồn đất đắp đê ở một dự án
Một số hình ảnh nhóm phóng viên ghi nhận ngày 23/4/2023 tại đê hữu hồng, xã Nam Hồng, huyện Nam Trực.

Để tìm hiểu rõ nguồn gốc đất dự kiến làm vật liệu đắp đê giống bùn, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã liên hệ với ông Hoàng Đình Tuấn - Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định), chủ đầu tư của dự án. Ông Hoàng Đình Tuấn cho biết: Hiện tại, Ban cũng đang triển khai thực hiện dự án làm tuyến đê tại xã Nam Hồng và xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực, quy mô đắp đất hoàn thiện mặt cắt sau đó cứng hóa mặt đê. Thiết kế thi công đắp đê là đất thịt, đất á sét sau đó xử lý nền, móng và đổ bê tông mặt đê. Đơn vị nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần xây dựng công trình Nam Đô.

Khi phóng viên mở điện thoại cho xem các hình ảnh ghi nhận hiện trường về việc vận chuyển, san lấp loại đất “nhão gần như bùn” để đắp mái đê tại đê hữu hồng, xã Nam Hồng ngày 23/4/2023, ông Vũ Văn Biên - Phó phòng giám sát, Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định) chia sẻ: “Nam Định hiện không có mỏ đất nào. Vật liệu các bạn cho xem đây là họ nạo vét ở ao, hồ, đầm rồi chở đến. Dự án này đơn vị thiết kế cũng không chỉ được địa điểm nào để khai thác và chỉ ghi là đất mua. Đất ướt thế này chỉ cần phơi lên rồi lu nền là xong, các thí nghiệm vẫn ổn cả”.

Ông Nguyễn Thế Anh – Công ty Cổ phần Xây dựng công trình Nam Đô (chỉ huy trưởng công trình) cho biết: Công trình mới khởi công từ tháng 3/2023, hiện giờ đang tập kết đất để đắp đê, đất hiện giờ tập kết được 2/3 rồi. Đất đắp công ty mua từ tỉnh Ninh Bình về. “Đất được vận chuyển bằng tàu thủy, lúc di chuyển tàu lắc lư, nước có tràn vào khoang tạo độ ẩm. Sau đó, đất từ tàu được vận chuyển lên ôtô rồi tập kết vào bãi, sau lại được xúc lên ôtô chở đi san lấp nên mới có độ ẩm như vậy”, ông Nguyễn Thế Anh nói.

Nam Định: Cần kiểm tra nguồn đất đắp đê ở một dự án
Nam Định: Cần kiểm tra nguồn đất đắp đê ở một dự án
Nam Định: Cần kiểm tra nguồn đất đắp đê ở một dự án
Hình ảnh phóng viên ghi nhận ngày 25/5/2023 thi công đất đắp taluy mái đê tại xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực.

Để xác minh thông tin về nguồn gốc đất đắp nền, phóng viên đã liên lạc qua điện thoại với ông Nguyễn Văn Rạng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng công trình Nam Đô, để xin cung cấp hóa đơn mua bán đất đắp nền. Tuy nhiên, ông Rạng nói phóng viên liên lạc với Chi cục thuế Nam Định để tìm hiểu.

Tiêu chuẩn Quốc gia về yêu cầu kỹ thuật đắp đê công trình thủy lợi nêu rõ: Chất đất dùng để đắp đê mới, đắp áp trúc, đắp cơ đê là do cơ quan thiết kế quy định, chủ đầu tư phê duyệt. Đơn vị thi công không được tùy tiện thay đổi. Trong trường hợp chất đất tại các bãi chỉ định không phù hợp với yêu cầu, đơn vị thi công cần kiến nghị ngay với chủ đầu tư để điều chỉnh. Tuy nhiên, việc sửa đổi phải đảm bảo tuân thủ các quy định.

Khi ngậm nước (độ ẩm) trong đất không phù hợp với lượng ngậm nước cần khống chế, đơn vị thi công phải có biện pháp cần thiết để gia tăng thêm lượng ngậm nước của đất khi đất quá ướt. Khi dùng các biện pháp để tăng hay giảm lượng ngậm nước mà giá thành quá cao, lại không đảm bảo chất lượng thì phải nghiên cứu thay đổi phương pháp thi công, không nên dùng phương pháp đầm nén. Việc thay đổi này phải được chủ đầu tư xét duyệt.

Việc Công ty Cổ phần Xây dựng công trình Nam Đô đang sử dụng loại đất “nhão gần như bùn” để đắp taluy mái đê tại xã Nam Hồng và xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực liệu có đảm bảo chất lượng không, trong khi mùa mưa bão đang đến gần, rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc thanh kiểm tra làm rõ.

Đinh Vũ

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load