Thứ sáu 19/04/2024 10:24 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Nam Định: Triển khai chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững

14:32 | 04/04/2022

(Xây dựng) - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định vừa ban hành Công văn số 41/KH-UBND về việc thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thông bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

nam dinh trien khai chien luoc phat trien nong nghiep va nong thon ben vung
Một góc huyện Hải Hậu (Nam Định).

Thực hiện Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Văn bản số 198/TTg-NN ngày 25/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các cấp, các ngành, các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, lĩnh vực công tác được giao tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Quyết định số 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch của UBND tỉnh. Đảm bảo sự chỉ đạo, điều hành tập trung thống nhất của UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị đối với những nhiệm vụ trọng tâm theo đúng với tinh thần Quyết định số 150/QĐ-TTg.

Với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế của tỉnh, theo hướng hiện đại nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và khả năng cạnh tranh nông sản, đảm bảo an ninh lương thực, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế đa dạng, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn. Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại kết nối với đô thị. Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông nghiệp đạt bình quân khoảng 2,0 - 2,5%/năm, tỷ trọng ngành nông lâm, thủy sản chiếm xấp xỉ 10% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 30%. Tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 75%. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng gấp trên 1,7 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống còn dưới 0,15%. Có 100% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 80% số huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao. Có 35% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu, có ít nhất 03 huyện đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu. Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 2,0%. Duy trì ổn định diện tích khu bảo tồn vùng đất ngập nước Vườn quốc gia Xuân Thủy… Phấn đấu đến năm 2050, sẽ trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của cả nước, trong đó nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả cao, thân thiện với môi trường. Nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh - sạch - đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị.

Theo đó, nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch là hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường. Tổ chức các khâu quan trọng trong sản xuất, nâng cao hiệu quả, đảm bảo phát triển bền vững. Thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến. Phát triển kinh tế nông thôn, tạo việc làm và tăng thu nhập cho dân cư nông thôn. Xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa, giữ gìn văn hóa truyền thống. Phát triển toàn diện, đảm bảo công bằng phúc lợi, xã hội ở nông thôn. Xây dựng cộng đồng vững mạnh làm nòng cốt phát triển nông thôn, sản xuất nông nghiệp. Bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan ứng phó biến đổi khí hậu.

Chương trình được thực hiện theo đa dạng nguồn vốn huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Cụ thể, nguồn ngân sách Nhà nước cấp hàng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. Kinh phí lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án đầu tư công giai đoạn 2021 – 2030. Kinh phí vận động, huy động từ các nhà tài trợ nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong, ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Phượng Nguyễn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load