Thứ sáu 20/09/2024 11:34 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Năm 2020: Cần thêm 1 triệu đơn vị nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị lớn

14:08 | 23/01/2019

(Xây dựng) - Tại Hội thảo “Phát triển Nhà ở xã hội (NƠXH) tại Việt Nam – Giải pháp và kinh nghiệm quốc tế” sáng 23/01 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh khẳng định đến năm 2020, Việt Nam cần thêm ít nhất 12,5 triệu m2 sàn NƠXH cho người thu nhập thấp tại đô thị lớn.


Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh tại Hội thảo Phát triển NƠXH tại Việt Nam – Giải pháp và kinh nghiệm quốc tế.

Bùng nổ nhu cầu lớn nguồn cung phân khúc NƠXH

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh: “Nhà ở là nhu cầu thiết yếu của bất kỳ đối tượng nào trong xã hội, tùy vào từng nhóm đối tượng khác nhau sẽ có những nhu cầu về nhà ở khác nhau”.

Sự ra đời của mô hình NƠXH vừa thể hiện sự quan tâm của Chính phủ mỗi quốc gia với các đối tượng yếu thế trong xã hội, vừa góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở với số lượng lớn cho nhóm đối tượng này.

Tại Việt Nam, nhu cầu NƠXH ngày càng bức thiết hơn bởi cơ cấu dân số đang bước vào cơ cấu dân số vàng, với 70% dân số trong độ tuổi lao động. Điển hình tại hai thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đang bùng nổ nhu cầu nhà ở, trong khi quỹ đất để phát triển xây dựng nhà ở, giao thông và các dịch vụ tiện ích đều đang thiếu hụt nghiêm trọng.

Theo Bộ Xây dựng, tính đến năm 2020, các khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở (diện tích bình quân dưới 5m2/người) và 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở, để đáp ứng nhu cầu nhà ở hiện cần phải xây dựng khoảng 700 nghìn căn hộ.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày càng tăng của người dân, năm 2011, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Một trong những mục tiêu chính của Chiến lược là đến năm 2020 cần xây dựng thêm ít nhất 12,5 triệu m2 sàn NƠXH hướng tới tầng lớp dân cư có mức thu nhập thấp tại các khu vực đô thị; đáp ứng khoảng 80% số sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp dạy nghề và khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở; hỗ trợ khoảng 500 nghìn hộ gia đình (theo chuẩn nghèo mới) tại khu vực nông thôn cải thiện nhà ở”.

Nhiều chính sách ưu đãi phát triển NƠXH và nhà thu nhập thấp

Hiện nay, Việt Nam đã triển khai các chương trình hỗ trợ nhà ở cho nhóm đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách cơ bản hỗ trợ về nhà ở xã hội gồm các chương trình trọng điểm.

Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; Chương trình hỗ trợ hộ nghèo khu vực nông thôn về nhà ở; Chương trình xây dựng cụm; tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long; Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt khu vực miền Trung.

Riêng chương trình phát triển NƠXH cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 84 dự án, quy mô xây dựng khoảng 33.400 căn hộ và đang tiếp tục triển khai 135 dự án với quy mô xây dựng khoảng 81 nghìn căn hộ.

Chương trình phát triển NƠXH dành cho công nhân khu công nghiệp, đến nay đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 100 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 41 nghìn căn hộ. Hiện nay còn 72 dự án đang tiếp tục được triển khai với quy mô khoảng 88 nghìn căn hộ.


NƠXH mang lại cơ hội sở hữu an cư cho nhóm cư dân thu nhập thấp tại các đô thị lớn.

Chương trình phát triển NƠXH dành cho học sinh, sinh viên, đến nay đã có 89/95 dự án nhà ở sinh viên hoàn thành đưa vào sử dụng, bố trí cho khoảng 22 nghìn sinh viên. Sáu dự án còn lại đang trong giai đoạn hoàn thiện. Số lượng sinh viên, học sinh đã được bố trí vào ở đạt tỷ lệ bình quân chung khoảng 83%...

“Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong phát triển NƠXH cả về chính sách và thực tiễn, như Luật Nhà ở 2014 quy định chặt chẽ về NƠXH, hay Nghị định 100/2015NĐ-CP của Chính phủ năm 2015 đã nêu chi tiết, cụ thể về chính sách thực hiện NƠXH, trong đó đã đề cập đến nhiều vấn đề như quy hoạch, đất đai, tài chính, tiêu chuẩn, thuế và đối tượng được hưởng chính sách NƠXH.

Theo đó, các dự án nhà ở thương mại, các dự án đô thị phải dành 20% diện tích đất để xây dựng NƠXH. Đối với dự án dưới 10ha, có thể linh động nộp bằng tiền, quỹ đất, quỹ nhà tương đương với giá trị đó. Đối với những dự án trên 10ha bắt buộc phải xây dựng NƠXH” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh.

Cùng với đó, Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều cơ chế tích cực để thúc đẩy sự phát triển của thị trường NƠXH. Theo đó, các chủ đầu tư xây dựng các dự án NƠXH được miễn hoàn toàn tiền sử dụng đất, miễn giảm các loại thuế giá tri gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp.

Các chủ đầu tư cũng được tạo mọi điều kiện để tiếp cận nguồn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam, và được ngân sách cấp bù khoản lãi suất để cho vay lãi suất ưu đãi thấp hơn thị trường. Ngoài ra, chủ đầu tư còn được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí ngoài dự án, và trong dự án nhà ở xã hội, chủ đầu tư được dành 20% quỹ đất, quỹ nhà theo hình thức nhà ở thương mại để góp phần bù đắp chi phí.

Cần sự vào cuộc của cộng đồng và giới chuyên gia quốc tế

Thực tế cho thấy, lộ trình này vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn. Tốc độ đô thị hóa nhanh, quỹ đất ngày càng hạn hẹp nên việc lựa chọn nguồn cung về quỹ đất gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong khu vực trung tâm.

Trong khi đó, hệ thống hạ tầng chưa được kết nối giữa khu vực trung tâm và các vùng lân cận. Đây là một khó khăn lớn mà Chính phủ Việt Nam cần có những giải pháp tích cực hơn để phát triển hạ tầng kết nối như xe buýt, tàu điện…

Như vậy, quỹ đất xây dựng NƠXH xa trung tâm mới có thể khả thi. Bên cạnh đó là khó khăn về nguồn vốn, mặc dù Nhà nước đã có hỗ trợ về đầu tư công, tuy nhiên việc bố trí chưa kịp thời cũng ảnh hưởng phần nào đến việc chậm trễ trong công tác triển khai. Như chúng ta đã biết, nhu cầu là 1 triệu đơn vị NƠXH nhưng thực tế mới chỉ đáp ứng được khoảng 30%. Đây là vấn đề mà cần phải nhìn nhận và đánh giá lại.

Hiện nay, việc nghiên cứu và đề xuất giải pháp cho NƠXH tại các đô thị lớn của Việt Nam trong thời gian tới đang tập trung vào 6 hướng chính như sau. Nghiên cứu phát triển bền vững nhà ở xã hội; Nghiên cứu giải pháp cân bằng lợi ích giữa các bên tham gia vào NƠXH; Nghiên cứu giải pháp quy hoạch xây dựng hiệu quả; Nghiên cứu hoàn thiện các tiêu chuẩn thiết kế và tiêu chuẩn chất lượng NƠXH; Nghiên cứu các giải pháp nhà ở dành cho người thu nhập thấp và người lao động tại các Khu công nghiệp – Khu chế xuất; Cuối cùng là nâng cao vai trò của người dân trong quy trình triển khai, thiết kế NƠXH.

“Những kinh nghiệm và giải pháp phát triển nhà ở xã hội của các quốc gia trên thế giới sẽ là bài học quý báu để Việt Nam có thể lựa chọn cho tương lai. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi mong muốn được lắng nghe một số mô hình cung cấp nhà ở xã hội mới, hướng tới việc cung cấp nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ cho người có thu nhập thấp tại Việt Nam trên cơ sở vận hành một cách bền vững, có sự huy động tham gia, trao quyền, nâng cao năng lực cho khách hàng cũng như vì cộng đồng, vì lợi ích của người dân. Trên cơ sở đó, việc hợp tác, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa chính quyền, các tổ chức phi chính phủ, khu vực tư nhân bao gồm doanh nghiệp, các thiết chế tài chính, viện nghiên cứu, các trường đại học trong nước quốc tế đóng vai trò quan trọng đảm bảo thực hiện thành công mong mỏi của Đảng và Nhà nước,  đối với một chiến lược quốc gia rất nhân văn và đầy ý nghĩa” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đánh giá thêm.

Huyền Nhi

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load