Năm 2019, Việt Nam tiếp tục nỗ lực tạo ra môi trường báo chí phát triển, trong sạch, lành mạnh. Để làm được điều đó, các đơn vị quản lý, cơ quan quản lý báo chí cần tích cực vào cuộc.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện Quy hoạch Báo chí; sơ kết thực hiện Quy hoạch Báo chí; lập kế hoạch sửa đổi, bổ sung Luật báo chí. Bộ cũng phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết tình trạng "báo hóa" tạp chí, trang tin điện tử tổng hợp, phóng viên làm phiền doanh nghiệp...
Đề cao đạo đức người làm báo
Việt Nam hiện có 844 cơ quan báo chí và tạp chí in với 184 báo in, 660 tạp chí in, 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập, có 189 giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp đã được cấp cho các cơ quan báo chí in, phát thanh, truyền hình. Cùng với đó là 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương... đang hoạt động.
Những năm qua, báo chí Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, tạo được hiệu ứng tích cực, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đã xuất hiện không ít những tấm gương nhà báo, hội viên Hội Nhà báo trong sáng về đạo đức, tinh thông về nghiệp vụ, lao động cần cù, sẵn sàng hi sinh, cống hiện vì lợi ích của nhân dân, đất nước.
Năm 2018, các cơ quan báo chí đã thông tin tuyên truyền kịp thời, chân thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế của xã hội trong nước và quốc tế; là cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước; là diễn đàn tin cậy của nhân dân; là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối vời đời sống xã hội.
Báo chí thực hiện ngày càng hiệu quả chức năng, giám sát, phản biện xã hội, góp phần phản ánh góc nhìn của đông đảo tầng lớp nhân dân đối với việc xây dựng, ban hành và thực thi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, báo chí đã nêu bật, khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước: “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai” trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí…
Báo chí đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về chính trị tư tưởng nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Báo chí đẩy mạnh các hoạt động thông tin đối ngoại, tổ chức tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước con người Việt Nam và thành tựu đổi mới của đất nước với bạn bè quốc tế và kiều bào sinh sống ở nước ngoài.
Bên cạnh những thành tựu, hoạt động báo chí vẫn còn một số tồn tại, bất cập. Trong đó, tiện tượng cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, thông tin sai sự thật, thổi phồng, bóp méo sự thật ngày càng gia tăng. Không ít sản phẩm báo chí sa vào giật gân, câu khách, miêu tả rùng rợn, li kỳ, dung tục, kích thích thị hiếu tầm thường. Vai trò của người đứng đầu một số cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí chưa phát huy đúng mực, thiếu sâu sát trong công tác giám sát, buông lỏng quản lý, để xảy ra sai phạm hoặc thiếu kiên quyết trong xử lý sai phạm. Không ít người làm báo sa ngã, thậm chí rơi vào vòng lao lý.
Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi khẳng định: Những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động báo chí tồn tại do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chủ quan cốt lõi nhất là sự thiếu bản lĩnh chính trị, thiếu sự tu dưỡng và rèn luyện đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận người làm báo. Bên cạnh đó, phông kiến thức nói chung và kiến thức cơ bản về nghiệp vụ báo chí của một bộ phận người làm báo còn hạn chế.
Năm 2018, một số vụ việc vi phạm đạo đức nghề báo bị phát hiện, đưa ra ánh sáng; không ít nhà báo vi phạm đã bị bắt, khởi tố, thậm chí lĩnh án tù. Đặc biệt, vụ việc một phóng viên Báo Thương hiệu và Công luận bị bắt khi đang nhận 70.000 USD của một công ty có trụ sở ở Bắc Giang đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động báo chí, đến những người làm báo chân chính. Có thể nói, chưa bao giờ vấn đề đạo đức người làm báo lại được đặt ra nóng bỏng, gay gắt như hiện nay bởi đạo đức nghề nghiệp là sự sống còn đối với báo chí.
Năm 2016, Việt Nam đã ban hành Luật báo chí 2016 gồm 6 chương, 61 điều, tăng 25 điều so với Luật báo chí năm 1999. Luật báo chí 2016 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 với nhiều điểm mới, trong đó có quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Bên cạnh đó, tháng 12/2016, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành 10 Điều quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Gần đây nhất, tháng 12/2018, Hội cũng công bố Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Những hoạt động này được đánh giá là tạo bước chuyển biến tích cực trong việc thúc đẩy, giữ gìn và phát huy đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Cùng vào cuộc
Để giải quyết những vấn đề tồn tại, bất cập trong hoạt động báo chí, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng trước hết bản thân người làm báo phải tự nêu cao đạo đức nghề nghiệp. Bộ trưởng cho rằng người Việt Nam đọc tin nhiều hơn đọc sách, do đó báo chí tác động, ảnh hưởng lớn đến nhận thức của người Việt. Vậy nên, ý thức trách nhiệm của người làm báo Việt Nam càng phải cao.
Các Tổng biên tập, phóng viên phải thấy trách nhiệm này để không dễ dãi với bài viết, sản phẩm thông tin của mình, của tòa soạn. Bên cạnh đó, trong thời đại truyền thông số hiện nay, cơ quan báo chí cần tận dụng lợi thế của mạng xã hội để thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội; sử dụng công nghệ để cạnh tranh với mạng xã hội.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu kết luận Hội nghị Báo chí toàn quốc 2018. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019, ông Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ năm 2019 là năm quan trọng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, cũng là năm Đảng khẩn trương triển khai những công tác quan trọng chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, hướng tới Đại hội XIII của Đảng. Trong tình hình mới này, đòi hỏi những người làm công tác báo chí phải nỗ lực để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Các cơ quan báo chí cần tiếp tục giữ vững vai trò tiên phong về thông tin, tuyên truyền thành tựu của sự nghiệp đổi mới, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tăng cường sự thống nhất về tư tưởng, hành động của cán bộ, đảng viên, niềm tin của các tầng lớp nhân dân.
Để báo chí truyền thông phát triển trong môi trường lành mạnh vào năm 2019 và những năm tiếp theo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi đưa ra nhiều nhóm giải pháp. Trong đó có việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực của công tác phối hợp chỉ đạo, định hướng báo chí; tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản của Nhà nước về tổ chức và hoạt động báo chí; thực hiện tốt công tác quy hoạch báo chí, rà soát các cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích, có nhiều sai phạm để xử lý theo quy định của Luật Báo chí.
Đặc biệt, Hội đẩy mạnh đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ báo chí, ý thức trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ người làm báo, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, các cơ quan báo chí.
Gửi thông điệp đến báo chí trong năm mới “Báo chí phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội hiện nay, tạo đồng thuận, tạo niềm tin xã hội và khát vọng về một Việt Nam hùng cường,” Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng với sự phát triển của mạng xã hội, hàng chục triệu người đều có thể đưa tin thì việc quản lý báo chí cũng cần có thay đổi căn bản.
Theo Bộ trưởng, muốn hoạt động quản lý báo chí được hiệu quả, hướng báo chí phát triển lành mạnh, đầu tiên phải thấy được toàn bộ bức tranh hàng trăm triệu thông tin mỗi ngày trên không gian mạng. Song song với đó là phải giám sát, đo lường được, phân tích, dự báo được các xu thế phát triển của thông tin, phát hiện các sai phạm để kịp thời nhắc nhở, xử lý; đồng thời, hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo vệ người dân, doanh nghiệp, nhà nước trên không gian mạng.
Đây là những thách thức Bộ Thông tin và Truyền thông cần phải vượt qua và cũng là việc làm mang tính chất chiến lược lâu dài của Bộ trong thời gian tới. Trước mắt, việc xây dựng Trung tâm lưu chiểu dữ liệu truyền thông số quốc gia, Trung tâm quốc gia về giám sát an toàn thông tin trên không gian mạng; đánh giá được xu thế thông tin theo từng báo, từng diễn đàn, từng phóng viên cần được quan tâm.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông cho biết thêm: Nhiều cơ quan báo chí hiện nay không nhận được sự hỗ trợ của nhà nước, tự "bươn chải" trong khi thị trường quảng cáo bị chia sẻ gần 40% với mạng xã hội và con số này có xu hướng ngày càng tăng.
Từ thực tế này, Bộ sẽ sớm hoàn thiện cơ chế đặt hàng báo chí; đề xuất cơ chế thuế, cơ chế tự chủ tài chính thuận lợi cho báo chí phát triển, có nguồn thu ổn định sẽ giúp báo chí phụng sự Tổ quốc tốt hơn. Bên cạnh đó, Bộ sẽ nghiên cứu, đánh giá mô hình tổ hợp truyền thông đa phương tiện của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và một số địa phương; xây dựng, ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; quy định về tin sai (Fake News); đảm bảo sự tuân thủ pháp luật Việt Nam của các mạng xã hội nước ngoài.
Theo MỸ BÌNH (TTXVN/VIETNAM+)