Hàn Quốc cho rằng quá trình đàm phán sửa đổi Điều 232 Đạo luật mở rộng thương mại của Mỹ áp dụng với mặt hàng thép của Seoul đang diễn ra rất chậm, gây nhiều ý kiến lo ngại trong nước.
Thép được sản xuất tại một nhà máy ở Incheon, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Chánh Văn phòng đàm phán thương mại Bộ Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên Hàn Quốc Yeo Han-koo đang ở thăm Washington (Mỹ) ngày 27/1 (giờ địa phương) đã có cuộc gặp với Trưởng đại diện Văn phòng thương mại Mỹ (USTR) Katherine Tai để thảo luận về phương án tăng cường hợp tác song phương, bao gồm cả việc sửa đổi Điều 232 Đạo luật mở rộng thương mại Mỹ.
Ông Yeo chỉ ra rằng quá trình đàm phán sửa đổi Điều 232 Đạo luật mở rộng thương mại của Mỹ áp dụng với mặt hàng thép của Hàn Quốc đang diễn ra rất chậm, gây nhiều ý kiến lo ngại trong nước, đồng thời hối thúc Washington tiến hành đàm phán một cách nhanh chóng.
Trong khi đó, USTR cũng ra thông cáo báo chí cho biết bà Katherine Tai đã nhấn mạnh mối lo ngại của doanh nghiệp Mỹ về những thách thức liên quan tới tình trạng dư thừa nguồn cung toàn cầu do các hành vi phi thị trường.
Theo đó, Mỹ sẽ tập trung vào các cuộc đối thoại hiện tại để sắp xếp lại trật tự quốc tế, giải quyết vấn đề thu hồi khí thải carbon trong ngành công nghiệp thép.
Theo giới quan sát, điều này cho thấy Mỹ vẫn tiếp tục nêu ra vấn đề thép của Trung Quốc.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ hạn chế "thép bẩn" từ các quốc gia như Trung Quốc, không cho tiếp cận thị trường Mỹ, bán phá giá, giây thiệt hại cho môi trường, ngành công nghiệp và người lao động Mỹ.
Trong buổi họp báo cùng ngày tại Washington, khi phóng viên đặt câu hỏi lập trường của USTR về việc dư thừa nguồn cung toàn cầu có phải là mang hàm ý từ chối tái đàm phán với Hàn Quốc hay không, ông Yeo cho rằng mặc dù không mang ý từ chối, nhưng quan điểm cơ bản của Mỹ vẫn là tình trạng dư thừa nguồn cung thép từ châu Á đang khiến ngành công nghiệp thép nước này gặp khó khăn. Đây cũng là một vấn đề đan xen lợi ích phức tạp tại Mỹ.
Trước đó, chính phủ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trích dẫn Điều 232 Đạo luật mở rộng thương mại để đánh thuế suất cao với mặt hàng thép nhập khẩu, với danh nghĩa nhằm bảo hộ ngành công nghiệp thép nội địa, đồng thời quy định về hạn ngạch nhập khẩu.
Tuy nhiên, đến thời chính phủ Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã xóa bỏ thuế suất cao với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu từ châu Âu, đồng thời tái đàm phán với Nhật Bản.
Hiện, chính phủ Hàn Quốc đang liên tục yêu cầu Mỹ đàm phán mở rộng hạn ngạch thép với nước này./.
Theo Đoàn Hùng/TTXVN/Vietnam+