Chợ Trời (hay chợ Giời) là một khu chợ ở trung tâm Thủ đô Hà Nội mà ngay cái tên nghe đã thấy lạ, vừa dân dã, vừa có tí chút "giang hồ". Có thể nói nó như một xã hội thu nhỏ, và có sự thích ứng cao với sự biến chuyển của xã hội. Những ngày đầu xuân năm mới chúng tôi đã dành thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu về một khu chợ đặc biệt, đã tồn tại đến hơn nửa thế kỷ ở Thủ đô…
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra một số cửa hàng buôn bán phụ tùng ôtô tại chợ Giời.
Nhiều năm nay, chợ Giời luôn được gắn với tiếng xấu là nơi tiêu thụ "của gian". Bên cạnh đó, cung cách bán hàng của một số chủ tiệm cũng không dành cho người "yếu tim". Nhiều ngày lang thang trong chợ, chúng tôi có thể cảm nhận được hơi thở của đường phố phả vào từng kiốt của chợ…
1. Sáng ngày 19-2 chúng tôi có mặt ở chợ Giời. Có thể dễ dàng nhận thấy không khí mua bán có phần "im ắng". Cũng phải thôi, cách đây mấy ngày lực lượng chức năng của TP Hà Nội gồm Phòng Cảnh sát hình sự, Chi cục Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra nhiều hộ kinh doanh ở đây, đồng thời lập biên bản thu giữ hàng ngàn phụ tùng ôtô xe máy không có nguồn gốc xuất xứ.
10 giờ sáng các gian hàng bán phụ tùng ôtô xe máy tại tuyến phố Đồng Nhân, Đỗ Ngọc Du đều chỉ lác đác người mua hàng- trái ngược với không khí mua sắm tấp nập như mọi năm. Tại một cửa hàng phụ tùng ở cuối phố Đỗ Ngọc Du, chúng tôi bắt gặp cảnh tượng mà ít nhiều đã góp phần tạo nên hiện trạng "đìu hiu" của cả dãy phố. Một tài xế của chiếc xe hạng sang Mercedes tấp vào lề để tìm mua một chiếc gương chiếu hậu.
Anh Phạm Văn Kiên (trú tại phố Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội) - chủ xe mang BKS 30A- 82… cho biết, đêm qua anh vừa bị kẻ gian cạy mất mặt gương bên phụ. Chiếc gương chính hãng báo giá đến gần 20 triệu đồng. Và theo chỉ dẫn của nhiều bạn bè, nay anh phải lượn ra chợ Giời để tìm mua lại. Người chủ tiệm, "dĩ nhiên" cho biết hiện cửa hàng không có sẵn loại gương để thay thế. Anh Kiên muốn thay thì phải "dùng tạm" một mặt gương hàng "fake".
Cũng theo anh Kiên, nếu không có cuộc "ra quân" rầm rộ mấy hôm trước thì việc tìm lại đồ mất trộm sẽ "dễ dàng" hơn. Năm ngoái, anh bị lấy mất chiếc mặt nạ xe máy. Lên chợ Giời chỉ cần nói thời gian và khu vực bị mất là chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ sau anh có thể tìm lại được đúng thứ đồ mình cần. Nhưng thời điểm này thì…
Tuy nhiên vẻ im ắng của phố phụ tùng ôtô chỉ là bề nổi. Theo anh D. (chủ cửa hàng phụ tùng ôtô H-D ở phố Đỗ Ngọc Du) cứ sau mỗi đợt "ra quân" của các ban ngành trong thành phố, thì tình trạng mua bán đồ không rõ nguồn gốc xuất xứ ở đây lại tạm thời lắng xuống. Mọi giao dịch không còn được công khai mà sẽ được tiến hành qua điện thoại, giao hàng tại một địa điểm khác. Và chỉ một vài tuần sau, khi mà "sóng" đã tạm yên, việc mua bán sẽ trở lại bình thường.
2. Trái ngược với cảnh đìu hiu tại khu bán phụ tùng ôtô, các gian hàng ở phố Thịnh Yên, Chùa Vua, Yên Bái II, Lê Gia Định… vẫn khá tấp nập. Phố Yên Bái II ngoài những cửa hàng hai bên dãy phố thì còn được "quy hoạch" cả lòng đường để buôn bán, chỉ chừa lại lối đi nhỏ mà hai xe máy tránh nhau cũng khó. Mặt hàng của phố chủ yếu là linh kiện điện tử, điện máy dân dụng… Phố Chùa Vua và phố Lê Gia Định chuyên bán phụ tùng xe máy. Những con phố này thông với nhau song vì hàng hóa đã chiếm mất phần lớn diện tích, lại trong cảnh tranh tối tranh sáng khiến cho khách hàng mới đi một hai lần dễ bị lạc như chơi.
Chiếc xe Mecerdes bị vặt gương và "khổ chủ" phải đi tìm mua lại ở chợ Giời.
Chợ Giời mang tiếng xấu, chẳng riêng ở chuyện tiêu thụ hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Không ít khách hàng có ấn tượng không tốt, thậm chí "một đi không trở lại" với khu chợ này bởi cung cách bán hàng "kinh dị" của một bộ phận chủ cửa hàng.
"Đi chợ nhớ mang theo… mũ bảo hiểm" - đó là câu mà người sống lâu ở Hà Nội, có kinh nghiệm dặn dò cho những người lần đầu đi mua hàng ở chợ Giời. Anh Phạm Văn Toàn (quê Bắc Ninh, sinh viên Trường đại học Thủy lợi) kể lại phi vụ "nhớ đời" của anh chàng. Hai năm trước vừa thi đỗ đại học, Toàn được bố mẹ mua cho chiếc xe máy đi học. Muốn chiếc xe đẹp hơn, Toàn có ý định mua một bộ đèn cho xe Exciter. Nghe bạn bè mách ra chợ Giời là có ngay, Toàn liền mò ra sau buổi học.
Khi thấy cậu sinh viên mặt non choẹt ngó nghiêng lập tức bà chủ kiốt tại phố Lê Gia Định phi ra chặn đầu xe ngọt nhạt: "Chú em cần mua gì?". Toàn lắp bắp: "Chị có đèn led cho xe Exciter không ạ?". "Có ngay" - bà chủ trả lời ngay tắp lự. Tìm kiếm bới móc đống đồ của mình mà không thấy, bà ta vội chạy sang hàng bên cạnh lấy rồi quay lại đưa cho Toàn: "Bộ này 250 ngàn em ạ". "Sao bạn em bảo có 70-80 ngàn thôi chị" - Toàn thắc mắc. "Em không mua nữa đâu".
Toàn vừa dứt lời, bà chủ liền trừng mắt: "Mày ở trại tâm thần ra à? Làm gì có giá ấy. Thôi mua đi chị bớt cho 50 ngàn". Toàn vẫn chần chừ chưa mua liền thấy xuất hiện mấy tay thanh niên bặm trợn lò dò đi đến. Toàn vội quay xe chạy, phía sau vẫn còn nghe thấy lời chửi bới: "Chém chết cha thằng nhà quê đó đi…".
Bản thân người viết cũng có kỷ niệm không mấy đẹp đẽ khi đi mua hàng ở chợ Giời. Thời sinh viên, cuối tuần tôi thường lượn chợ để tìm mua CD nhạc hoặc DVD phim chiếu rạp. Lần nào khi phóng xe vào ngõ Yên Bái II cũng "được" nhiều chị chèo kéo: "Mua đĩa sex không em?". Thậm chí có người còn chặn xe, ấn cho mấy chiếc đĩa bắt mua!
Bên cạnh lối bán hàng kiểu "bắt chẹt" khách, không ít người còn phải "ngậm đắng nuốt cay" khi mua đồ điện tử giá rẻ ở đây. Anh Nguyễn Văn Thắng, từng có nhiều năm bán quà sáng ở khu vực chợ Giời kể lại. Thời điểm những năm 2000 chợ Giời khét tiếng là địa điểm kinh doanh phức tạp nhất của thành phố. Dân tứ xứ: những kẻ lưu manh, trộm cắp, lừa đảo… đều tụ tập ở đây, sẵn sàng chầu chực và đôi khi "nuốt sống" những con mồi béo bở (cả người bán lẫn người mua).
Nhất là cánh "ngú ngớ ù ờ" ở quê ra, mang theo máy móc, vật dụng hay đại loại thứ sản phẩm nào với ý định bán, hiếm ai không bị các chủ hàng bắt chẹt, bị ép bán giá rẻ mạt, bị lừa lọc…; ngược lại người mua, do ham đồ rẻ, lại không sành sỏi, chẳng biết mô tê gì nên dễ bị lừa như bỡn. Vớ được khách "sộp", thì không chỉ kẻ lưu manh, mà ngay cả những người bán hàng (vốn dĩ đều lanh lợi) cũng ra sức lừa bịp bằng cách "bán đồ rởm lấy tiền thật" và "mua đồ thật trả tiền… rởm"!
3. Theo dòng lịch sử, chợ Giời vốn là chợ tạm lâu đời nhất Thủ đô. Trước ngày Pháp rút quân khỏi Hà Nội năm 1954, nhiều gia đình người Pháp, các gia đình người Việt di cư vào Nam đã mang đồ cũ ra bán quanh hồ Thiền Quang làm nên chợ bán đồ cũ.
Khi miền Bắc hòa bình, cuộc sống khó khăn nên nhiều gia đình ở Hà Nội muốn bán đồ cũ để kiếm thêm chút tiền sinh hoạt (và cũng tránh cái tiếng tư sản). Trước nhu cầu đó chính quyền đưa chợ về phố Thịnh Yên và gọi là chợ Hòa Bình. Chợ khi đó bán chủ yếu đồ cũ gồm: xe đạp, quạt máy, bàn là, đài, giày tây, quần áo cũ còn tốt.
Hàng hóa tràn xuống đường, chỉ để lại một lối đi nhỏ trên phố Trần Cao Vân.
Đến thập niên 70 và nhất là từ 1975 trở về sau chợ lan ra các phố Yên Bái, Đồng Nhân, Trần Cao Vân, Chùa Vua, Thịnh Yên, Nguyễn Công Trứ... hàng hóa nhiều hơn, đa dạng hơn do hàng cũ từ miền Nam theo chân cán bộ, bộ đội ra Bắc. Ngoài đồ cũ chợ còn bán cả hàng mới. Cũng từ đây chợ bắt đầu phức tạp, xuất hiện đồ ăn cắp và thêm đám ăn cắp, móc túi người đi chợ.
Những người sống lâu năm ở chợ Giời kể lại khoảng những năm 1990 - 1991, các mặt hàng chính của chợ Giời là mũ cối và quần áo quân nhân. Vì người bán kẻ mua đều thuộc dạng "có máu mặt" nên rất dễ xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn. Chỉ cần không vừa ý nhau một câu nói hay một câu đùa cũng có thể có hậu quả là… cầm dao đuổi nhau khắp chợ. Rồi đến cơn lốc hàng điện tử như radio cassette, dàn máy CD, loa nghe nhạc, ampli, kể cả máy nghe nhạc bằng đĩa than… từ nước ngoài đổ về cũng góp phần làm nên thương hiệu chợ Giời.
Từ năm 1998 đến 2005 là thời kỳ hoàng kim của đĩa CD lậu. Một đĩa trắng giá chỉ từ 1.000 - 2.000 đồng, sau khi đã chép đầy nhạc, phim hoặc games được bán với giá 8.000 - 10.000 đồng. Chủ kinh doanh bật mí, có tháng cơ sở của anh ta bán ra đến cả ngàn đĩa phim, trong đó phân nửa là phim "người lớn". Chỉ thấy bóng nam thanh niên, trung niên rà rà xe là có mấy chị sồn sồn nháy mắt: "Phim mát mẻ không em ơi…".
Khoảng năm 2006, Hà Nội rộ lên nạn ăn trộm biển kiểm soát ôtô, xe máy. Nhiều người phải tìm đến chợ Giời để tìm mua lại. Thì nay lại tiếp tục rộ lên nạn vặt gương, logo…
Nhưng chợ Giời không hẳn là chỉ mang toàn tiếng xấu…
Sáng 14-2 vừa qua, Đội QLTT số 5 phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an TP Hà Nội và Công an quận Hai Bà Trưng đã kiểm tra các cửa hàng kinh doanh phụ tùng ôtô tại khu vực quanh chợ Giời (chợ Hòa Bình), nơi được coi là điểm nóng về hàng gian, hàng giả, như phố Nguyễn Công Trứ, Đỗ Ngọc Du, Lê Gia Định và Đồng Nhân. Qua kiểm tra, đến sáng 15-2, lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 1.000 sản phẩm phụ tùng ôtô các loại như: vòng bi, cần gạt nước, logo, logo ốp bánh, lazăng… Toàn bộ số hàng bị thu giữ đều không có giấy tờ, hóa đơn chứng từ hợp pháp. Chiều ngày 19-2, cơ quan chức năng tiếp tục tiến hành kiểm tra 11 điểm kinh doanh phụ tùng ôtô cũ trên phố Đỗ Ngọc Du, phường Đồng Nhân. Tổ công tác liên ngành đã thu giữ nhiều mặt hàng liên quan đến ôtô như logo, cản trước, đèn hậu, đèn pha, gạt nước, mặt nạ xe... Vào thời điểm thu giữ, các chủ kinh doanh chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của các loại hàng trên. Toàn bộ số linh kiện, phụ tùng thu giữ được bàn giao cho Đội QLTT số 5 để phân loại, xác minh, làm rõ. Nếu phát hiện những cá nhân nào có dấu hiệu liên quan đến phạm pháp hình sự, lực lượng QLTT sẽ phối hợp với cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật. Theo thông tin từ Phòng PC45 Công an TP Hà Nội, trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân vừa qua, Phòng PC45 đã nhận được 3 vụ trình báo mất trộm gương ôtô. Trong đó, một vụ được người dân trình báo vào ngày 28 Tết và 2 vụ trong những ngày Tết. Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng PC45 cho chúng tôi biết, có thể có các trường hợp bị mất cắp phụ tùng ôtô nhưng do người dân ngại nên đã không trình báo Công an. Đại tá Giáp khuyến cáo, trường hợp người dân bị mất trộm các loại phụ tùng xe ôtô cần phải trình báo cho Công an phường nơi gần nhất để được hỗ trợ và giải quyết. |
Theo Nhóm PV/Cand.com.vn
Theo