Thứ sáu 19/04/2024 16:00 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

CAO TỐC ĐÀ NẴNG - QUẢNG NGÃI:

Mượn đường để thi công, làm hư hỏng không hoàn trả

10:02 | 21/02/2020

Dù tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã đi vào hoạt động gần 2 năm, nhưng hàng loạt đường dân sinh ở hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi mà Ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mượn để thi công và gây hư hỏng thì đến nay vẫn chưa được hoàn trả. Điều này gây bức xúc cho người dân và chính quyền các địa phương.

muon duong de thi cong lam hu hong khong hoan tra

Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mượn đường để thi công nhưng đến nay chưa hoàn trả. Ảnh: Thanh Chung

Đường hư hỏng ngày càng nghiêm trọng

Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài gần 140km, đi qua thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi với tổng vốn đầu tư hơn 34.500 tỉ đồng, do Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, khởi công từ năm 2013 và thông xe toàn tuyến ngày 2.9.2018.

Quá trình xây dựng, các nhà thầu đã mượn tất cả 46 đường dân sinh để chở vật liệu với cam kết sẽ hoàn trả sau khi dự án hoàn thành. Trong đó, đoạn đi qua Quảng Nam có 21 tuyến, mới được trả 17. Khu vực Quảng Ngãi mượn 25 tuyến thì chỉ mới trả 8 tuyến, 17 đường dân sinh còn lại vẫn tình trạng hư hỏng nặng.

Ông Đoàn Hà Yên - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi - cho biết, toàn huyện có 7 tuyến đường dân sinh để phục vụ gói thầu A3 thuộc Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được nhà thầu Trung Quốc mượn để làm đường cao tốc nhưng cho đến nay vẫn chưa hoàn trả.

Trước đó, ngày 12.12.2019, UBND huyện đã làm việc với đại diện Công ty TNHH Tập đoàn công trình giao thông tỉnh Giang Tô đề nghị phải đưa ra kế hoạch hoàn trả toàn bộ các tuyến đường đã mượn của địa phương trong tháng 3.2020. Nhưng đến nay, vẫn chưa thấy động tĩnh gì. “Nhà thầu hứa hẹn sẽ hoàn trả các đường lại trong vòng tháng 3 sắp tới. Tuy nhiên, vì dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nên nhà thầu này chưa trở lại tỉnh để hoàn trả đường cho người dân” - ông Yên nói.

Tại Quảng Nam, nhiều tuyến đường bị “băm nát” khi cho các nhà thầu mượn thi công cao tốc này. UBND tỉnh Quảng Nam đã nhiều văn bản đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) sớm giải quyết các tồn tại của Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Tuy nhiên, hơn 1 năm thông xe toàn tuyến, rất nhiều vướng mắc liên quan đến cuộc sống của người dân chưa được giải quyết, khiến người dân bức xúc.

5 năm bị ám ảnh bởi con đường “nát như tương”

Hơn 5 năm nay, người dân xã Tam Mỹ Đông không ngớt lo lắng trước những hậu quả của việc cho mượn đường dân sinh để thi công cao tốc.

Ông Nguyễn Văn Cường (xã Tam Mỹ Đông) hằng ngày chứng kiến cảnh nắng bụi, mưa ngập, nói rằng: “Chúng tôi chịu hết nổi cảnh như thế này rồi. Đường ổ gà chằng chịt, mưa tí thì nước ngập trắng, người sơ ý là sập ổ gà tai nạn ngay”.

Ông Châu Ngọc Phúc - Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Đông - cho hay, những năm qua xã nhận được nhiều sự phản ánh của người dân về việc hư đường, hỗ trợ tiền trượt giá đền bù cho 17 hộ nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết.

Ngoài ra, thị xã Điện Bàn hiện có 34 hộ nằm kẹp giữa đường cao tốc và đường ray xe lửa. Mỗi khi lũ về thì tạo thành dòng chảy rất lớn song song với đường này. Các hộ này đã gửi đơn khiếu kiện nhiều nơi nhưng cũng chưa được giải quyết. TCty đầu tư đường cao tốc VN - VEC cho rằng, đang phải đánh giá một cách cặn kẽ để có hướng giải quyết.

Và 7 hộ dân ở huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam nhà cửa bị rung nứt, đất canh tác bị bồi lấp cũng chưa được nhận tiền đền bù do chưa thống nhất mức bồi thường và nhiều tuyến thi công dang dở...

Ông Hoàng Việt Hưng - Giám đốc Ban quản lý Dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi - thừa nhận, việc mượn đường dân sinh của dân nhưng chưa kịp hoàn trả lại là có. “Hiện chúng tôi đã yêu cầu các nhà thầu tiến hành sửa chữa đường dân sinh để hoàn trả lại cho dân. Tuy nhiên, cái khó khăn nhất hiện nay là nguồn vốn chưa có vẫn phải chờ cấp trên rót về. Đơn vị hiện làm một kế hoạch tổng thể để làm cho bền vững như kết cấu yêu cầu công trình và đang đợi cơ quan chức năng có kết luận cuối cùng rồi mới tiến hành làm luôn một lần”.

Theo THANH CHUNG/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load