(Xây dựng) – Tết Nguyên đán với người Việt không chỉ là dịp nghỉ ngơi, mà còn là dịp để mọi người ước vọng, chúc nhau những lời chúc may mắn và hướng đến tương lai tốt đẹp hơn. Và để chuyền tải những ước vọng trong khoảnh khắc xuân sang Tết đến, bên cạnh những lời chúc thân tình ấm áp thì người Việt còn trao nhau những bao lì xì đỏ. Đây là phong tục phổ biến của người Việt trong dịp Tết cổ truyền, với hy vọng có một năm mới bình an, may mắn.
Tục này bắt nguồn từ Trung Quốc, tương truyền ngày xưa ở Đông Hải có một cây đào to, có rất nhiều yêu quái sống trong bông cây, nào là hồ ly tinh, chuột tinh, sói già... Chúng luôn muốn ra ngoài để gây hại, nhưng bình thường luôn có các thần tiên ở hạ giới canh giữ chúng nên không con nào thoát ra ngoài được.
Nhưng hễ tới đêm giao thừa, tất cả thần tiên đều phải về trời để phân công lại nhiệm vụ, thế là lũ yêu tinh có cơ hội tự do nhân lúc chuyển giao nhiệm vụ của các vị thần. Nhân cơ hội đó, có một loại yêu quái thường xuất hiện vào đêm giao thừa để xoa đầu trẻ con đang ngủ khiến lũ trẻ giật mình, khóc thét lên và sẽ bị bệnh sốt cao hoặc ngớ ngẩn. Vì thế những gia đình có con nhỏ phải thức cả đêm để canh không cho con yêu quái hại con mình. Một lần, có mấy vị tiên đi ngang nhà kia, hóa thành những đồng tiền nằm bên chỗ đứa trẻ. Cha mẹ chúng đem gói những đồng tiền ấy vào vải đỏ. Khi yêu quái đến, những đồng tiền lóe sáng, nó sợ hãi bỏ chạy. Phép lạ này lan truyền ra, rồi cứ Tết đến, người ta lại bỏ tiền vào trong những chiếc túi màu đỏ tặng cho trẻ con. Tiền đó được gọi là tiền mừng tuổi.
Còn tại Việt Nam, đây cũng là tập tục có từ lây đời, và mừng tuổi trở thành thông lệ mỗi dịp đầu năm mới, là nét văn hóa độc đáo. Trong tài liệu Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính có nhắc tới: Cúng gia tiên xong thì con cháu mừng tuổi ông bà cha mẹ, lạy hai lạy. Ông bà cha mẹ mừng cho con cháu, mỗi đứa một vài xu hoặc một vài hào, gọi là tiền mừng tuổi.
Theo nghiên cứu của nhiều chuyên gia văn hóa, mừng tuổi không giới hạn trong ngày mùng Một Tết mà còn có thể kéo dài sang ngày mùng 2, 3 cho tới mùng 10. Trong suốt những ngày Tết này, có lẽ, điều mà những đứa trẻ luôn chờ đợi và háo hức nhất là được người lớn tặng cho một chiếc phong bao lì xì đỏ chót, bên trong chứa những đồng tiền xanh đỏ đẹp mắt khiến chúng vui vẻ và hạnh phúc hơn bao giờ hết.
Việc mừng tuổi ban đầu là những hiện vật thiết thực như: Quà, bánh, trái cây... Về sau việc mừng tuổi thường chuyển sang tiền (còn gọi là lì xì, hồng bao, phát vốn đầu năm). Cho đến ngày nay, việc mừng tuổi vẫn tồn tại dưới dạng lễ vật mặc dù đây không phải là cách thức phổ biến. Ý nghĩa và mục đích lớn nhất của việc mừng tuổi vẫn là mong muốn đem đến những điều tốt đẹp nhất, hạnh phúc, sức khỏe và may mắn cho người nhận. Tiền mừng tuổi thường được bỏ vào những phong bao màu đỏ bởi theo quan niệm của phương Đông, màu đỏ tượng trưng cho may mắn, hạnh phúc. Mẫu mã của phong bao lì xì ngày nay được thể hiện rất phong phú nhưng màu đỏ vẫn là màu chủ đạo và phổ biến nhất.
Phong tục mừng tuổi ngày Tết xuất hiện khá lâu đời ở nhiều nước khu vực Đông Á. Do đặc thù và quan niệm văn hóa khác nhau nên cách thức thể hiện, tên gọi có thể khác nhau, nhưng ý nghĩa và mục đích của việc mừng tuổi thì tương đồng. Chẳng hạn, ở Nhật Bản, lì xì ngày Tết được gọi là Otoshidama, phong bao lì xì thường có màu trắng và ghi rõ tên người được nhận, thể hiện sự tôn trọng, trân trọng của người tặng với người nhận cùng với lời chúc năm mới nhiều may mắn và hạnh phúc. Ở Hàn Quốc, tiền mừng tuổi gọi là Sabae với thông điệp người nhận được mạnh khỏe, bình an trong năm mới. Ngoài mừng tuổi bằng tiền, người Hàn Quốc có thể mừng tuổi bằng vàng, bạc, đá quý... Phong tục mừng tuổi ngày Tết cũng phổ biến ở một số quốc gia như: Malaysia, Singapore, Trung Quốc...
Về nguồn gốc của mừng tuổi ngày Tết, theo một số tài liệu, thời gian xuất hiện sớm nhất của tục lệ này là ở Trung Quốc nên các nhà nghiên cứu đặt giả thiết tục lệ này bắt nguồn từ quốc gia này. Với ý nghĩa tốt đẹp của nó vào đầu năm mới, tục lệ mừng tuổi được nhiều quốc gia học hỏi, tiếp biến văn hóa. Thậm chí đến ngày nay, mặc dù không phải phong tục văn hóa riêng nhưng một số quốc gia vẫn hiểu ý nghĩa của việc mừng tuổi ngày Tết, chẳng hạn, trong tiếng Anh, người ta gọi tiền mừng tuổi là “lucky money”...
Mừng tuổi đầu năm vốn là một mỹ tục. Một nét đẹp văn hóa của người Việt, và đã trở thành một tục lệ không thể thiếu trong những ngày Tết. Theo đúng phong tục, tiền mừng tuổi ngày Tết không tính theo giá trị nhưng phải mới, phẳng phiu không một nếp gấp nhỏ. Những phong bao lì xì tượng trưng cho sự kín đáo, không muốn có sự so bì về số tiền bao nhiêu ở trong dẫn đến những sự không vui trong ngày Tết. Số tiền trong mỗi bao lì xì dù ít hay nhiều đều được coi là món quà tinh thần trong dịp đầu năm mới, có ý nghĩa biểu trưng cho một năm mới tốt đẹp và sung túc. Ý nghĩa của một chiếc bao lì xì không nằm ở số lượng là bao nhiêu mà chính là ở những thông điệp mà nó muốn gửi gắm tới người được nhận. Con cháu chúc ông bà, bố mẹ sức khỏe, bách niên giai lão. Còn ông bà mong con cháu làm ăn phát đạt, ăn nên làm ra, trẻ em thì hay ăn chóng lớn, ngoan ngoãn và học hành giỏi giang…
Những năm gần đây, tập tục này đã thay đổi theo nhiều cách thức, với hy vọng trao tặng nguồn tri thức, nhiều người đã lựa chọn mừng tuổi bằng sách, trao tặng sách - trao tặng tri thức đầu năm đã trở thành nét đẹp văn hóa của cộng đồng, là sự kết hợp giữa nét đẹp của phong tục tập quán dân tộc với nguồn tri thức văn minh, hiện đại. Tết đến Xuân về mừng tuổi nhau bằng sách để bồi đắp tri thức, mở mang tâm trí, sẵn sàng đón nhận thách thức cũng là tặng nhau cơ hội để vươn tới thành công trong cuộc sống.
Tục mừng tuổi đầu năm đã lưu truyền như thế từ năm này qua năm khác và cho đến tận bây giờ vẫn được gìn giữ. Song mừng tuổi thế nào cho phù hợp vẫn là nỗi băn khoăn của nhiều người. Vấn đề mừng bao nhiêu là đủ được đem ra bàn luận với nhiều ý kiến khác nhau. Tiền mừng tuổi trong nhiều trường hợp cũng không đơn thuần thay cho những lời chúc tốt đẹp đầu năm, mà mừng tuổi còn ngầm chứa nhiều mục đích, toan tính cá nhân khác... Làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp vốn có của phong tục mừng tuổi đầu năm mới.
Mừng tuổi đầu năm mới là phong tục đẹp, thể hiện sự kính già, yêu trẻ và ước mong một năm mới thuận lợi, may mắn. Để giữ mãi nét đẹp văn hóa vốn có phong tục mừng tuổi, rất cần cởi bỏ đi những đắn đo nặng nhẹ về vật chất mà chú ý đến tính biểu trưng của nó, để người tặng và người nhận đều cảm thấy thoải mái, vui vẻ trong năm mới.
Thu Hằng
Theo