Thứ sáu 19/04/2024 17:45 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Mục tiêu trọng tâm của Đề án Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng đến năm 2021

14:14 | 22/11/2020

(Xây dựng) – Quyết định số 198/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 09/02/2018 phê duyệt Đề án Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng đã nêu rõ mục tiêu cụ thể của Đề án đến năm 2021. Theo đó, yêu cầu hoàn thành quy hoạch, biên soạn và công bố “Bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ngành Xây dựng” bao gồm 15-20 QCVN để phục vụ hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an toàn xây dựng; lợi ích, an ninh quốc gia; bảo vệ tài nguyên, môi trường; tiết kiệm năng lượng; phù hợp với các công nghệ xây dựng tiên tiến trong nước và quốc tế. Đồng thời, hoàn thành biên soạn các quy chuẩn kỹ thuật địa phương phù hợp điều kiện đặc thù về địa hình, địa chất, khí hậu của các địa phương…

muc tieu trong tam cua de an hoan thien he thong tieu chuan quy chuan ky thuat xay dung den nam 2021
Đến năm 2021 sẽ hoàn thành quy hoạch, biên soạn và công bố “Bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ngành Xây dựng” (Ảnh: TL).

Như Báo điện tử Xây dựng đã thông tin, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn là hành lang kỹ thuật, đóng vai trò quan trọng định hình sự tồn tại, phát triển của công trình xây dựng, đồng thời góp phần quan trọng trong việc đảm bảo hiệu quả đầu tư công trình xây dựng.

Phạm vi của Đề án Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng bao gồm: Quy hoạch xây dựng, vật liệu xây dựng, cơ khí xây dựng và khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, nghiệm thu, kiểm định, bảo trì, sửa chữa các công trình xây dựng (công trình dân dụng, công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình công nghiệp, công trình giao thông, công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, công trình an ninh, công trình quốc phòng và các công trình xây dựng khác).

Phạm vi của Đề án liên quan đến toàn bộ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng đang áp dụng trên lãnh thổ Việt Nam bao gồm: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), quy chuẩn kỹ thuật địa phương (QCĐP), tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), tiêu chuẩn cơ sở (TCCS), tiêu chuẩn nước ngoài (TCNN), tiêu chuẩn quốc tế (TCQT), tiêu chuẩn khu vực (TCKV).

Theo Quyết định số 198/QĐ-TTg, mục tiêu tổng quát của Đề án là hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng đồng bộ, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước và các hoạt động trong xây dựng; đảm bảo an toàn trong xây dựng; khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất lao động, chống thất thoát lãng phí; hướng tới các tiêu chí xanh, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo vệ an ninh quốc gia.

Quyết định cũng nêu rõ mục tiêu cụ thể, theo đó, đến năm 2021 sẽ hoàn thành quy hoạch, biên soạn và công bố “Bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ngành Xây dựng” bao gồm 15-20 QCVN để phục vụ hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an toàn xây dựng; lợi ích, an ninh quốc gia; bảo vệ tài nguyên, môi trường; tiết kiệm năng lượng; phù hợp với các công nghệ xây dựng tiên tiến trong nước và quốc tế. Đồng thời, hoàn thành biên soạn các QCĐP phù hợp điều kiện đặc thù về địa hình, địa chất, khí hậu của các địa phương.

Hoàn thành quy hoạch và định hướng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng. Xác định danh mục, biên soạn và công bố “Bộ tiêu chuẩn cốt lõi ngành Xây dựng” (khoảng 15 - 20% số lượng tiêu chuẩn quốc gia lĩnh vực xây dựng) theo định hướng mới, đảm bảo tính đồng bộ, tiên tiến, phục vụ hiệu quả các hoạt động xây dựng.

Hoàn thiện quy trình kiểm soát việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong các công tác thẩm tra, cấp phép, nghiệm thu, giám định chất lượng các công trình xây dựng; kiểm soát chất lượng các tiêu chuẩn cơ sở; kiểm soát, định hướng áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài trong hoạt động xây dựng.

Hoàn thiện quy trình phổ biến thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, tạo điều kiện tiếp cận dễ dàng và nhanh nhất cho mọi đối tượng tham gia hoạt động xây dựng.

Đổi mới hệ thống tài liệu giảng dạy có lồng ghép các nội dung mới trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng cho các trường đào tạo nguồn nhân lực ngành Xây dựng.

Nói về việc cần thiết phải sửa đổi hoàn thiện, bổ sung mới hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, PGS.TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng), Thường trực Tổ giúp việc của Đề án cho biết:

Cùng với sự phát triển của ngành Xây dựng trong hơn 60 năm qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), bao gồm cả hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng ngày càng được đổi mới, đóng vai trò quan trọng vào những thành tựu của ngành.

Đến nay, Việt Nam hình thành được một hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng tương đối đầy đủ, do Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan ban hành. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn này là công cụ đắc lực để quản lý, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng, quản lý an toàn trong thi công và sử dụng công trình xây dựng, góp phần nâng cao năng suất chất lượng của ngành, đảm bảo hiệu quả đầu tư xây dựng.

Bên cạnh những ưu điểm, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng còn tồn tại một số bất cập như số lượng quy chuẩn liên quan đến lĩnh vực xây dựng của Việt Nam so với các nước nhiều nhưng vẫn chưa phủ hết các đối tượng cần quản lý, chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội; thiếu quy hoạch tổng thể, thiếu liên kết giữa các bộ chuyên ngành nên đã gây khó khăn trong quá trình áp dụng vào các hoạt động sản xuất; có sự mâu thuẫn, trùng lặp do các Bộ, ngành cùng ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn để điều tiết cùng một đối tượng; một số tiêu chuẩn, quy chuẩn được xây dựng trên nền tảng khoa học, công nghệ lạc hậu, chuyển dịch cứng nhắc từ tiêu chuẩn, quy chuẩn nước ngoài gây lãng phí và cản trở trong việc áp dụng công nghệ mới, đôi khi không phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam.

Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng khóa XII và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng. Ngày 09/02/2018, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt Đề án Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, tại Quyết định số 198/2018/QĐ-TTg.

PGS.TS Vũ Ngọc Anh cũng nhấn mạnh, về mặt kỹ thuật, quan điểm xuyên suốt trong quá trình triển khai Đề án là xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn tiên tiến (dựa trên hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc), đồng bộ và mang tính hội nhập. Số lượng các tiêu chuẩn, quy chuẩn tinh gọn nhưng vẫn bảo đảm bao quát toàn bộ mọi lĩnh vực xây dựng.

Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn phải tạo điều kiện cho việc áp dụng các công nghệ xây dựng mới, tiên tiến, phù hợp với các yêu cầu chất lượng công trình xây dựng, góp phần tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả đầu tư, thúc đẩy phát triển. Đồng thời đảm bảo tiết kiệm tài nguyên đất đai, tiết kiệm thời gian trong thiết kế, thi công công trình; loại bỏ các thủ tục hành chính không liên quan đến kỹ thuật (các rào cản hành chính), giúp rút ngắn thời gian lập dự án…

Theo tìm hiểu được biết, hiện các Bộ, ngành đã thống nhất rút gọn 29 quy chuẩn xây dựng hiện hành xuống còn khoảng 13 quy chuẩn (QCVN). Trong đó, Bộ Xây dựng chủ trì biên soạn và ban hành 10 quy chuẩn, bao gồm: QCVN 01 về Quy hoạch xây dựng; QCVN 02 về Số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng; QCVN 03 về phân cấp, phân loại công trình xây dựng; QCVN 04 về Nhà ở và công trình công cộng; QCVN 05 về Sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng; QCVN 06 về An toàn cháy cho nhà và công trình; QCVN 07 về Công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị; QCVN 08 về An toàn trong thi công xây dựng; QCVN 09 về Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả và QCVN 10 về Xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng.

Bộ Công Thương chủ trì biên soạn 2 quy chuẩn, nhưng Bộ Xây dựng ban hành là QCVN 11 về Công trình công nghiệp và QCVN 12 về Công trình thủy điện. Cuối cùng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ chủ trì biên soạn và ban hành QCVN 13 về Công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai.

Về hệ thống tiêu chuẩn có khoảng 1.504 tiêu chuẩn nhưng qua rà soát phát hiện 256 tiêu chuẩn trùng lặp nên rút lại còn 1.248 tiêu chuẩn. Trong đó, Bộ Xây dựng sẽ chịu trách nhiệm biên soạn khoảng 1.068 tiêu chuẩn. Các Bộ, ngành khác sẽ biên soạn khoảng 180 tiêu chuẩn còn lại.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.

Kim Thoa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load