Tính đến ngày 20/10 mưa trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An đã giảm, tuy nhiên vẫn còn có hàng trăm xã, phường vẫn ngập sâu trong nước. Thông tin từ Văn phòng Ban chỉ huy (BCH) Phòng chống lụt bão Nghệ An cho biết số người chết trên toàn tỉnh hiện nay đã lên đến 16 người, thiệt hại về kinh tế là 1.570 tỷ đồng.
Nhiều nhà dân vẫn ngập sâu trong biển nước.
35 xã vẫn bị nước lũ cô lập
Liên tiếp từ ngày 14 - 20/10 trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có mưa to kéo dài, mưa lớn đã gây ngập lụt trên diện rộng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Theo báo cáo mới nhất vào sáng 20/10 của BCH phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An thì tới thời điểm hiện nay địa bàn toàn tỉnh Nghệ An có 120 xã phường của 13 huyện, thành thị (Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, TP Vinh, TX Cửa Lò, Tân Kỳ, Kỳ Sơn, Đô Lương, Nghĩa Đàn) với 38.029 hộ/139.667 người bị ngập sâu. Đặc biệt có 35 xã bị nước lũ cô lập và chia cắt hoàn toàn. Hiện công tác cứu hộ cứu trợ cũng như đời sống của người dân tại các xã này gặp rất nhiều khó khăn. Có mặt tại các xã như: Nghi Quang, Nghi Vạn… huyện Nghi Lộc, Hưng Yên Nam, Hưng Nhân, Hưng Xá, Hưng Lam… huyện Hưng Nguyên chúng tôi chứng kiến hàng nghìn ngôi nhà vẫn ngập chìm trong biển nước từ 1 - 2m. Lương thực, nước uống của người dân đều đã cạn kiệt, hiện người dân đang sống cầm cự qua ngày bằng mỳ tôm cứu trợ được đưa đến từ các xuồng cứu hộ.
Mưa lớn đã gây hư hỏng nặng các công trình thuỷ lợi, cụ thể đã làm sạt lở 235m đê, 3.335m kênh mương, cuốn trôi 423 cống, 52 trạm bơm, phá hỏng 22 đập lớn nhỏ. Ngoài ra, mưa lớn đã làm hư hỏng, mất trắng 5.397ha lúa, trên 30.000ha hoa màu, rau, làm ngập 13.515ha nuôi trồng thuỷ sản. Đặc biệt do mưa lớn kéo dài liên tục kết hợp với lũ lớn ở thượng nguồn đổ về đã làm sạt lở 12.700m đường giao thông, các tuyến đường huyến mạch trên chạy qua địa bàn tỉnh như: QL1A, QL7, QL48, các tuyến đường tỉnh lộ đều ngập sâu và hư hỏng nặng. Tính đến sáng 20/10 mưa lớn đã làm 16 người chết (Thanh Chương 2 người, Nghi Lộc 5 người, Đô Lương 1 người, Nam Đàn 3 người, Kỳ Sơn 1 người, Nghĩa Đàn 1 người, TX Cửa Lò 1 người). Ông Nguyễn Đình Chi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Mưa lớn đã gây thiệt hại ban đầu cho tỉnh Nghệ An 1.570 tỷ đồng. Hiện để người dân vượt qua những ngày khó khăn trong đợt mưa lũ lịch sử này tỉnh Nghệ An đã cứu trợ 250 suất quà với tổng trị giá 250 triệu đồng, 3.700 thùng mì tôm, 300 két nước uống, 400 thùng hàng gia đình, 50 nhà bạt cho các xã bị cô lập. Bên cạnh việc cứu trợ đến nay tỉnh Nghệ An đã sơ tán được 11.911hộ/54.716 người của 10 huyện thành thị bị ngập sâu đến nơi an toàn…
Các lực lượng chức năng khẩn trương khắc phục sạt lở ở núi Quyết.
Gần 1.000 trường phải nghỉ học
Đợt mưa lũ lịch sử tại Nghệ An từ ngày 14 - 20/10 đã làm cho gần 1.000 trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An học sinh phải nghỉ học, đặc biệt 226 trường với 3.296 phòng học bị ngập sâu và hư hỏng nặng. Hiện tại, ở nhiều xã phường học sinh chưa thể đến trường do bị nước lũ chia cắt. Trao đổi với Phóng viên Báo Xây dựng ông Lê Văn Ngọ - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho biết: “Mưa lớn kéo dài gây ngập úng nặng để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên gần 1.000 trường trên địa bàn tỉnh học sinh phải nghỉ học. Hiện nay, Sở đang chỉ đạo các trường nhanh chóng khắc phục nhưng thiệt hại do mưa lũ gây ra, ở các trường nào nước rút, việc đi lại và học của học sinh an toàn sẽ tổ chức học tập lại cho các em…”.
Di dời khẩn cấp các hộ dân trong vùng sạt lở núi Quyết
Có mặt tại khu vực đường Ngô Thị Nhậm, P.Trung Đô, TP Vinh trong cơn mưa tầm tã chúng tôi chứng kiến một cảnh tượng hết sức tan hoang. Hàng trăm khối đất đá từ trên lưng chừng núi đổ sập xuống gây hư hỏng nhà của nhiều hộ dân. Chưa hết bàng hoàng anh Hồ Sỹ Oanh, nhà 109, đường Ngô Thị Nhậm, P.Trung Đô cho biết: “Năm nào mùa mưa ở đây cũng xảy ra tình trạng sạt lở cả. Thế nhưng chưa năm nào mưa to, tình trạng sạt lở diễn ra nguy hiểm như mùa mưa năm nay. Từ ngày 15 - 18/10 mưa lớn đã khiến đất đá từ trên núi đổ sập xuống nhà dân. Chính quyền yêu cầu di dời khẩn cấp nhưng do không có chỗ ở dân đành phải quay lại ở tạm. Giờ cả khối đất đá hàng nghìn tấn nằm treo lơ lửng ngay trên nhà đang chờ sập. Sống ở đây chẳng biết chết lúc nào cả, biết nguy hiểm nhưng không nơi ở đành liều ở lại thôi…”. Nhà anh Oanh còn đỡ vì chưa bị đất đá lấp kín còn gia đình ông Nhữ nhà 107 đường Ngô Thị Nhậm, hàng xóm của anh thì bi đát hơn nhiều. Phần lớn ngôi nhà cùng toàn bộ tài sản đã bị vùi sâu trong lớp đất đá ngổn ngang, may mắn với gia đình này là khi đất đá sập xuống cả gia đình đã kịp chạy thoát ra ngoài. Giờ cả gia đình phải đi ở nhờ nơi khác. Dọc theo chân núi Quyết chúng tôi bắt gặp nhiều gia đình đang phải chung sống với đất đá từ trên núi sạt xuống. Lúc đó trời đang mưa rất to, thế nhưng nhiều gia đình vẫn còn bám trụ ở lại nhà bất chấp hiểm hoạ lở núi diễn ra bất cứ khi nào. Không chỉ uy hiếp đến tài sản, tính mạng của dân sống dọc theo chân núi mà việc núi Quyết có nguy cơ sạt lở còn đe doạ trực tiếp tới sự an toàn của đền vua Quang Trung, một di tích lịch sử văn hoá, tâm linh lớn tại Nghệ An. Sáng ngày 18/10 các cơ quan chức năng tại TP Vinh và tỉnh Nghệ An đã lên kiểm tra và tổ chức khắc phục việc sạt lở tại tuyến đường lên đền Quang Trung, đồng thời có những biện pháp bảo vệ đền.
Trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Văn Huân - Chủ tịch UBND P.Trung Đô, TP Vinh cho biết: “Mưa lớn từ ngày 14 - 18/10 đã gây sạt lở lớn tại khu vực núi Quyết. Trước mắt để đảm bảo sự an toàn về tính mạng cũng như tài sản của người dân trong phường, TP đã tổ chức di dời khẩn cấp 13 hộ nằm trong khu vực nguy hiểm. Về lâu dài sẽ tổ chức bố trí tái định cư cho 13 hộ dân này sang nơi ở khác an toàn hơn”.
Đức Ngọc
Theo baoxaydung.com.vn