Thứ sáu 29/03/2024 15:10 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Mua đất phân lô trên đất nông nghiệp – thiệt hại chính là người dân!

10:39 | 23/07/2019

(Xây dựng) – Không xây dựng được nhà, không sang nhượng lại được, không được thế chấp ngân hàng… Đây là những rủi ro được các chuyên gia cảnh báo đến người dân khi mua đất cần tìm hiểu kỹ pháp lý.


Việc phân lô trái phép trên đất nông nghiệp đã bị cưỡng chế sáng 22/7 tại TX Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Thủ phạm là các doanh nghiệp bất động sản “bất lương”

Theo Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), trong những năm gần đây đã tái xuất hiện tình trạng phân lô bán nền tràn lan kéo theo các đợt sốt ảo giá đất tại một số địa phương, trong đó có nhiều khu đất nông nghiệp, đất trồng cây cao su, đất không được quy hoạch là đất ở, nhưng đã bị phân lô tách thửa trái pháp luật để bán đất nền, dẫn đến nhiều người bị lừa đảo, bị thiệt hại rất lớn, gây mất an ninh trật tự, phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị của địa phương và làm trở ngại trong việc thu hút các nhà đầu tư dự án lớn do giá đất đã bị đẩy lên quá cao.

“Thủ phạm của các đợt sốt ảo giá đất và tình trạng phân lô bán nền trái phép chủ yếu là giới đầu nậu, cò đất và một số ít doanh nghiệp bất động sản “bất lương” (gọi chung là đầu nậu -PV), đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết hoặc thiếu thông tin của khách hàng và trong một số trường hợp đã câu kết với một số cán bộ chính quyền cấp cơ sở, hoặc có trường hợp do chính quyền cấp cơ sở buông lỏng công tác quản lý nhà nước trên địa bàn”, HoREA chỉ rõ.

Như phân tích của HoREA, với tình hình thị trường bất động sản “nóng sốt” như hiện nay đã kéo theo 1 vài doanh nghiệp bất động sản “bất lương” can tâm lừa đảo những người dân hám lợi, không có thông tin. Cụ thể, tại tỉnh Long An, hàng loạt các dự án khu vực giáp ranh TP Hồ Chí Minh như: huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Cần Giuộc… nhiều doanh nghiệp còn “bê” cả đất được cấp làm Khu Công nghiệp (Dự án Khu Công nghiệp là đất giao có thời hạn) mang đi phân lô rồi bán. Vậy mà không ít người cũng đã mua, thậm chí, đa số khách hàng tại TP Hồ Chí Minh “bị dụ” mua khá nhiều.

Tại khu vực Long Thành, tỉnh Đồng Nai hay Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, các cá nhân đứng tên hàng loạt lô đất lớn, xong phân lô, làm đường, rồi Cty CP Địa ốc Alibaba (Cty Alibaba) đã “làm mưa làm gió” đổi nó thành 1 dự án chuyên nghiệp, gán cho nó 1 cái tên rất “mỹ miều” rồi đưa hàng trăm, hàng ngàn người “vào rọ”.

Tại khu vực TP Vũng Tàu, thời gian gần đây chính quyền thành phố cũng đã liên tục phát hiện ra hàng loạt các vụ san lấp nhằm phân lô trên đất nông nghiệp chủ yếu tập trung tại khu vực Phước Thắng.

Cụ thể đầu tháng 6, chính quyền Vũng Tàu đã ngăn chặn vụ việc chủ đầu tư 1 một khu đất nông nghiệp rộng 14.000 m2 của bà Đào Thị Thanh Hà đã tự ý san lấp mặt bằng làm đường, vỉa hè nhằm lừa gạt người dân, tuy nhiên, lực lượng chức năng  đã phát hiện và ngay lập tức cưỡng chế khi sự việc chưa đi quá xa.

Hay mới đây (ngày 18/7), cũng chính tại địa phương này, chính quyền thành phố đã “ra tay” ngăn chặn hành vi đổ xà bần làm đường trên đất công do Nhà nước quản lý tại hẻm 97 và hẻm 15 Phước Thắng. Được biết, con đường này dẫn vào khu đất nông nghiệp của bà Nguyễn Thị Bé Tư - ngụ tại 13 Nguyễn Văn Trỗi, phường 4, TP Vũng Tàu làm chủ có diện tích trên 5.600m2.

Đặc biệt sáng 22/7, chính quyền TX Phú Mỹ tiếp tục cưỡng chế “dự án” trên đất nông nghiệp của Cty Alibaba. Công trình bị cưỡng chế có diện tích 24.500m2 là đất nông nghiệp (do ông Nguyễn Ngọc Sự sống tại Hà Nội đứng tên), tọa lạc tại xã Châu Pha được Cty CP Địa ốc Alibaba phân phối dưới tên “Dự án Alibaba Tân Thành Center City 1”.

Thực trạng nhức nhối

Tại Báo cáo Kết quả về công tác quản lý quy hoạch về đất đai đối với các trường hợp phân lô, bán nền trên địa bàn tỉnh của HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho thấy, tình trạng phân lô, bán nền, xây dựng trái phép, không phép trên đất nông nghiệp vẫn đang diễn biến phức tạp; tăng cả về số lượng và ngày càng công khai (việc san lắp đất nông nghiệp, phân lô, rao bán, xây dựng không phép, sai phép trên đất nông nghiệp tại một số địa phương đang diễn ra công khai vào cả những ngày làm việc).

“Theo báo cáo của UBND các huyện, thị xã, thành phố, trên địa bàn tỉnh hiện có 192 trường hợp thực hiện phân lô, tách thửa. Trong 192 trường hợp này, có 62 trường hợp có văn bản chấp thuận chủ trương của UBND huyện, thị xã, thành phố, 130 trường hợp đầu tư không phép.

Trong 130 trường hợp đầu tư không phép, thì có 94 đã thực hiện cưỡng chế, còn lại 36 đang tiếp tục thực hiện cưỡng chế (thuộc địa bàn thị xã Phú Mỹ). Trong 192 trường hợp phân lô, tách thửa thì trường hợp có diện tích lớn nhất là 13 ha (trường hợp của ông Nguyễn Ngọc Sự, ở xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ), trường hợp nhỏ nhất khoảng 01 ha”, Báo cáo của HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết.

Chia sẻ vấn đề này, lãnh đạo TP Vũng Tàu cho biết: “Đây là một vấn đề hết sức nhức nhối trên nhiều địa bàn trong đó có Vũng Tàu, tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của tập thể lãnh đạo thành phố, chính quyền thành phố đã vào cuộc và xử lý triệt để. Như đã biết,  thành phố đã cho cưỡng chế ngay 2 trường hợp có dấu hiệu phân lô trái phép trên đất nông nghiệp và làm đường trái phép dẫn vào lô đất. Cho đến nay, trên địa bàn không xảy ra tình trạng bát nháo phân lô trên đất nông nghiệp”.

“Việc người dân khi mua đất phân lô cũng cần tìm hiểu kỹ về pháp lý, vì nếu mua phải đất nông nghiệp bị phân lô sẽ rất thiệt thòi vì sẽ không thể xây cất”, lãnh đạo TP Vũng Tàu chia sẻ thêm về những thiệt thòi của người dân khi mua phải đất nông nghiệp phân lô.

Tư lệnh ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dũng cảm nhận lỗi

Trả lời chất vấn của Đại biểu về vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, Sở ban, ngành trong việc trong việc phát hiện, xử lý tình trạng phân lô, bán nền trái phép trên đất nông nghiệp tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mới đây, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đã nhận trách nhiệm về mình khi để tình trạng này xảy ra trong thời gian dài. 

Theo ông Lê Ngọc Linh – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: “Thời gian qua, thị trường bất động sản có sự biến động đột biến, nhu cầu giao dịch về đất đai tăng bất thường, một số cá nhân, doanh nghiệp đã lợi dụng quy định để thực hiện tách thửa với quy mô lớn và tách các thửa đất nông nghiệp có hình dạng định hướng là đường giao thông, sau đó thực hiện thi công hạ tầng, làm đường giao thông trái phép trên đất nông nghiệp trá hình với nhiều hình thức như: Làm đường nội bộ phục vụ sản xuất nông nghiệp, làm nhà kho...”.

Ông Linh cho rằng: “Sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và chính quyền các địa phương là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Sở Tài nguyên và Môi trường nhận thấy cũng có trách nhiệm, dù chúng tôi đã có văn bản, kiểm tra nhưng cũng còn thiếu sự phối hợp với chính quyền các địa phương trong việc tách thửa đất nông nghiệp, dẫn đến chính quyền địa phương thiếu thông tin về việc tách thửa của người dân và khó khăn trong việc quản lý sử dụng đất”.

Mạnh Cường

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load