Chung cư mi ni hiện nay đang là giải pháp với nhiều gia đình trẻ tại Hà Nội. Bỏ ra hàng tỉ đồng để mua nhà nhưng người sở hữu lại phải đối diện với nhiều "không": không ban quản lý, không phòng cháy chữa cháy, không thang máy và điều quan trọng là không sổ hồng, sổ đỏ…
Mua nhà mà giống… đi thuê
Trên một số trang diễn đàn câu chuyện mua chung cư mini được nhiều người tham gia bình luận rôm rả. Cũng dễ hiểu vì chung cư mini là một giải pháp phù hợp với điều kiện của nhiều gia đình. Nắm được tâm lý này, trên một số trang tin rao vặt bất động sản, nhiều người bán nhà còn tung ra mức giá khá hấp dẫn, thậm chí chỉ có hơn 300 triệu đồng một căn hộ.
Hầu hết các chung cư mi ni đều ở sâu trong những ngõ nhỏ.
Chị Hoài Anh, sống tại một căn hộ chung cư mi ni trên phố Nguyễn Lương Bằng chia sẻ: “Mình chẳng ngờ lại có thể mua được nhà nhanh đến thế. Vợ chồng mình tuy ở Hà Nội nhưng nhà hai bên nội ngoại đều chật chội nên với một số tiền không quá lớn (850 triệu đồng/45m2) lại được ở khu trung tâm, gần gia đình là mình thấy hạnh phúc lắm rồi. Ngõ vào hơi chật một chút và tất nhiên chi phí điện nước cũng chịu mức giá cao gấp đôi. Nhìn chung, ngoài vấn đề sổ đỏ còn phải kiên trì, mình thấy không có gì phải phàn nàn”…
Cùng quan điểm ở góc độ người khó khăn về nhà ở, chị Kim Chi, quận Thanh Xuân, cho rằng: “Với khoảng một tỷ, một gia đình có thể sống ở đó trong vài chục năm thì cũng giống như mình đi… thuê nhà (vì không có sổ đỏ), mà lại ổn định, không phải lo nay đây mai đó khi chủ nhà tăng giá hay bắt chẹt. Điều quan trọng là mình có thể sống trên phố thuận tiện cho vợ chồng con cái đi học, đi làm…”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có một cái nhìn “màu hồng” trong “niềm vui về những căn nhà mới” như chị Hoài Anh bởi phía sau niềm vui là những hệ lụy...
Sống cùng lo lắng
Khoản 3, Điều 43, Nghị định 71 quy định: “Trường hợp hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở tại đô thị từ hai tầng trở lên mà tại mỗi tầng có từ hai căn hộ trở lên và mỗi căn hộ được thiết kế, xây dựng theo kiểu khép kín (có phòng ở riêng, khu bếp riêng, nhà vệ sinh, nhà tắm riêng) thì diện tích sàn xây dựng mỗi căn hộ tối thiểu là 30m2 và phải đáp ứng các quy định về nhà chung cư theo quy định tại Điều 70 Luật Nhà ở thì cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho từng căn hộ trong khu nhà nếu có yêu cầu”. |
Khi đến khu chung cư 6 tầng ở phố Triều Khúc, Thanh Xuân, chúng tôi đã được mọi người chỉ cho tòa nhà chỉ cách chỗ đứng khoảng trăm mét nhưng phải tìm mỏi mắt mới thấy lối vào.
Đó cũng là hiện tượng phổ biến của chung cư mini tại Hà Nội như phố Trần Cung, Cổ Nhuế… Chị Nguyễn Thị Hiền, chung cư mini ở phố Triều Khúc tâm sự: “Tiền ít lại muốn an cư nhanh thì phải chấp nhận ở chung cư mini thôi. Chứ những bất cập mà chung cư mini mang lại thì ai mà chẳng biết: chưa có sổ đỏ, không có cầu thang thoát hiểm, không hệ thống PCCC, không thang máy, cầu thang bộ thì nhỏ hai người tránh nhau còn khó, nhà để xe thì chật mà an ninh cũng không đảm bảo…”.
Chị An Na sống tại một chung cư mini ở Cổ Nhuế cho hay: “Tôi đã mua căn hộ này từ năm 2010 để giải quyết khó khăn về nhà ở trước mắt. Tất nhiên, khi mua căn hộ này, chủ nhà cũng đã cam kết là sẽ làm giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà vì pháp luật đã có quy định, đồng thời chủ nhà còn để tụi mình giữ lại 10 triệu đồng, khi nào hoàn tất giấy tờ mới lấy hết tiền.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thấy động tĩnh gì, nên vợ chồng tôi cũng sốt ruột...”.
Khá nhiều chung cư không phép hoặc xây vượt tầng tại một số khu như Mễ Trì nhưng đều đã được bán hết bởi giá cả khá "mềm", khoảng 500- 600 triệu đồng/căn hộ. Và nhiều người ở trên các tầng cao mà không hay biết mình đang ở trái phép…
Vô gia cư lúc nào không hay
Khi lang thang trong vai tìm mua chung cư mini, Nguyễn Kỉ, một chủ đầu tư cho thuê chung cư khuyên chúng tôi không nên “đánh bạc với trời” như vậy. Bởi lẽ ngoài những chi phí cao, an ninh không đảm bảo, sổ đỏ không có trong tay, trong trường hợp xảy ra tranh chấp chắc chắn người mua sẽ chịu thiệt bởi họ không có giấy tờ hợp pháp nào để được pháp luật bảo vệ.
Vì người mua chỉ có quyền sở hữu tài sản trên khu đất đã được cấp sổ đỏ, còn quyền sở hữu mảnh đất đó vẫn thuộc chủ đầu tư. Ví dụ 10 năm, 20 năm nữa, chủ nhà cần tiền, thế chấp nhà cho ngân hàng, thì các chủ hộ chung cư mini này biết bấu víu vào đâu?. Chưa kể, sau vài năm căn hộ quá tải, xuống cấp hoặc chủ căn hộ muốn bán lại thì có còn đủ chừng đó chủ hộ từ ban đầu để xác nhận hay không?...
Để xây dựng khu nhà chung cư mini, chủ đầu tư phải được các cơ quan chủ quản như Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Xây dựng… cùng các cơ quan liên quan khác cấp phép. Trong giấy phép phải nêu rõ được phương án kinh doanh, nghĩa vụ nộp thuế cũng như phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về xây dựng, an toàn, phòng chống cháy nổ, an ninh…
Thế nhưng, hầu hết chủ đầu tư các công trình chung cư mini chỉ làm các thủ tục giống như xin giấy phép xây nhà để ở. Bởi thế, dù đã hơn 2 năm có quy định về cấp sổ hồng cho căn hộ mini nhưng theo các các chuyên gia xây dựng, sẽ rất khó để thực hiện khi mà các khu chung cư kiểu này đều nằm ngoài tầm kiểm soát của hệ thống văn bản pháp luật. Và người mua nhà chung cư mini sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi…
Theo PLVN
Theo baoxaydung.com.vn