Khủng hoảng kinh tế toàn cầu là căn dịch tài chính mà các quốc gia trên thế giới đều bị tác động. Việt Nam cũng không ngoài các quốc gia bị tác động về tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu hàng hóa, việc làm cho người lao động và kể cả thu hút đầu tư… Vậy các DN Việt Nam cần làm gì để ứng phó với thực trạng đó?
Việc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ tác động rất lớn đến các ngành hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như thủy sản. |
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu như một cơn đại dịch sẽ ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Vì vậy, việc các DN rút ra những điều nên làm để vượt qua khủng hoảng là cần kíp không chỉ cho lúc này. Ví như cuộc khủng hoảng kinh tế những tháng cuối năm 2008 xuất phát từ một đất nước kinh tế hùng mạnh như Mỹ. Tác động bởi sự suy thoái toàn cầu, đã đảo lộn và ảnh hưởng đến các nước, rõ nhất vẫn là hệ thống tài chính, ngân hàng của mỗi nước. Tại Việt Nam, điều đó ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế bị sụt giảm. Theo thông báo của Tổng cục Thống kê cuối tháng 12/2009, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ mức 8,48% năm 2007 xuống còn 6,23% năm 2008 và chỉ còn 5,32% năm 2009. Từ xuất khẩu cho đến nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đều giảm, gây rất nhiều khó khăn cho các DN.
Điều đáng mừng là trước tình hình khó khăn đó các DN Việt Nam đã xích lại gần nhau để cùng hợp tác liên kết kinh doanh và tận dụng cơ hội khai thác thị trường mới, trong thời kỳ khủng hoảng toàn cầu các DN đều cố gắng thắt lưng, buộc bụng, tiết kiệm, kết hợp với nhau vượt qua thời điểm khó khăn. Trong cái “nguy” luôn có cái “cơ”. Và trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn luôn có những cơ hội nếu các DN nhanh chân mở rộng, tìm kiếm thị trường mới như Trung Đông, Ai Cập… Các mặt hàng chủ lực của chúng ta như gạo, chè, thủy sản… đang xâm nhập vào thị trường này nhưng vẫn còn rất yếu, các DN cần nắm bắt các thông tin, nhanh chóng, kịp thời giải quyết thông tin, đây là thị trường tiềm năng cho các DN. Và để làm tốt điều đó, việc đầu tư công nghệ tham gia vào khâu chế biến, bảo quản và phân phối sau thu hoạch tại những vùng sản xuất trọng điểm của đất nước là điều tối quan trọng. Đây cũng là thời cơ lớn để DN chiếm lĩnh thị trường nội địa, một thị trường được đánh giá thiếu tính ổn định nhiều năm qua. Như vậy sau cơn khủng hoảng các DN vừa có thị trường truyền thống vừa mở rộng thị trường mới quốc tế.
Bên cạnh sự tự thân của các DN thì sự quan tâm, theo dõi và đưa ra những định hướng kịp thời của Nhà nước luôn là yếu tố tối quan trọng giúp DN vượt qua khủng hoảng. Nhà nước chú trọng đa dạng hóa các hình thức xuất khẩu, quan tâm hơn các kênh phân phối tại nước nhập khẩu, tổ chức hội chợ, quảng bá thương hiệu, quảng bá hình ảnh của các DN Việt Nam. Bên cạnh đó hỗ trợ cho các DN lớn mở các văn phòng đại diện ở những thị trường lớn và tốt nhằm dễ nắm thông tin, xác định khách hàng và tìm kiếm khách hàng, theo dõi tình hình thị trường, giảm thiểu rủi ro cho nhà xuất khẩu, tiếp cận thị trường nhanh, khai thác các lợi thế mà các DN Việt Nam có lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu lợi thế cạnh tranh đó đến nước sở tại có lợi thế cạnh tranh hơn.
Thông qua lãnh sự quán các nước, Nhà nước tìm kiếm các đối tác tạo điều kiện để các DN dễ dàng tiếp xúc và xúc tiến đàm phán thương mại nhằm tìm thị trường mới, trong lúc các DN đang lúng túng trong việc xuất khẩu hàng hóa với thị trường truyền thống.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng thì chính sách thắt lưng, buộc bụng để vượt khó là yêu cầu cấp thiết và phù hợp. Những khó khăn mà khủng hoảng toàn cầu mang lại đã làm cho hoạt động xuất khẩu bị khó khăn, một số DN co cụm sản xuất hoặc đóng cửa ngừng hoạt động khiến công nhân mất việc. Do đó, việc Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ và tiếp tục cho vay là “bình ô-xi” cần kíp giúp DN vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó Nhà nước áp dụng hàng loạt biện pháp quyết liệt nhằm kiềm chế lạm phát với chính sách tài khóa, giảm hạn mức cho vay đầu tư BĐS và chứng khoán, hạn chế lưu thông tiền mặt, cho tạm hoãn, giãn tiến độ thi công một số công trình đầu tư xây dựng cơ bản kém hiệu quả, tập trung vốn cho các công trình mang lại hiệu quả kinh tế thấy được như nhà máy điện, nhà máy lọc dầu… đồng thời hạn chế thất thu thuế, tích cực thu thuế, nợ tồn đọng.
Thực tế chỉ ra rằng, việc Chính phủ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả đã tạo điều kiện cho các DN tiếp cận nguồn vốn, điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu, cũng như thuế suất thuế nhập khẩu một số mặt hàng nhằm tránh những hiện tượng tiêu cực đổ bể mang tính dây chuyền với thị trường trong nước và có giải pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời không để chúng xuất hiện.
Và một điều tối quan trọng trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng là các DN nên tranh thủ khai thác thị trường nội địa. Với chủ trương “người Việt dùng hàng Việt” quả là cơ hội lớn để các DN khai thác sâu hơn, hiệu quả hơn thị trường nội địa đầy tiềm năng.
Ở tầm vĩ mô thì việc tạo thông thoáng môi trường đầu tư cũng sẽ kích thích và hỗ trợ DN phát triển trong thời điểm suy thoái, khủng hoảng kinh tế. Việc tạo thuận lợi cho nhà đầu tư bên cạnh đó chính sách địa phương cũng thông thoáng từ khâu thủ tục ban đầu, hệ thống hạ tầng phải được đầu tư nâng cấp và sửa chữa, hoàn thiện, địa phương phải tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao trước khi kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực mà địa phương có thế mạnh, có chính sách hấp dẫn khuyến khích các nhà đầu tư vào.
ThS Trần Minh Cường - ThS Trần Khắc Xin
Theo baoxaydung.com.vn