(Xây dựng) - Xuân này, trời Hạ Long như sa xuống thấp hơn bởi những hạt sương mù đặc quánh bao phủ không gian. Phải chăng đất trời giao thoa để Ngọc Hoàng vi hành hạ giới, thực mục kỳ quan mà lâu nay loài người ngưỡng mộ.
Nói hài hước là vậy, thực tế Hạ Long đã 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Năm 2011 tổ chức quốc tế New7wonders công nhận nơi đây là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Và mới đây Tạp chí Huffington post, một báo điện tử uy tín của Mỹ lại bình chọn Hạ Long là 1 trong topten 10 địa danh có đường bờ biển đẹp nhất hành tinh.
Khai bút đầu Xuân chúng tôi dự kiến lấy đề tài trên làm tâm điểm trang Hạ Long du lịch ký. Nhóm phóng viên theo chân tốp người ngược xuôi thả bộ trên vỉa hè con đường bao biển cột 5, mới được cải tên là đường Trần Quốc Nghiễn. Bạn lộ hành trẻ già ai cũng vui tươi, người vùng biển đón sương mù trong tiết Xuân như đón thần lộc về nhà, bởi trời càng mù biển càng lắm tôm cá, nghề khai thác hải sản bội thu. Gặp ông Nguyễn Văn Thung - cán bộ chủ chốt của tỉnh hưu trí ở P.Bạch Đằng thả bộ dưỡng sinh. Là chỗ người quen cũ, tôi bạo mồm hỏi:
- Bác gặp điềm lành đầu năm gì mà vui vẻ vậy?
Ông Thung không nề hà trả lời:
- Xuân mới! Mỗi người có một niềm vui mới.
Đoạn ông chỉ sang người bạn cùng đi bộ dưỡng sinh:
- Đây bà Ái, người cùng khu phố vừa phấn khởi khoe Tết này giá cả chợ búa bình ổn. Bà vừa mua mớ cá mực tươi roi rói giá chỉ 120.000đ/kg, chợ Hạ Long “trên giời dưới mực”. Còn tôi bếp núc chả đến tay, con cá lá rau đắt rẻ không hay, Xuân này chỉ sướng nhất được bách bộ dưỡng sinh trên con đường này. Ông cười ha hả, đôi mắt nheo nheo nhìn ra xa, cánh tay già vung vẩy:
- Cậu thấy chửa có con đường nào ở đất nước này đẹp như vầy. Tớ đã gắm một số con đường được bộ này, ngành kia chọn là đường ven biển đẹp nhất Việt Nam. Bẻ thước mà đo, chắc gì đường ấy hơn đường này.
Tôi giật mình trước lời đánh giá thú vị của một cán bộ lão thành. Tự trách mình lâu nay mắc bệnh sính ngoại, thường quen để mắt sang nhà hàng xóm khen vợ người ta đẹp, còn vợ mình thì dửng dưng. Nên tôi không theo đuổi đề tài “du khách xông đất Hạ Long” nữa, chuyển hướng tìm hiểu con đường đẹp trong ánh mắt người dân địa phương này.
Quả thực đường ven biển Hạ Long ở TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; đường ven biển TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận so với đường Trần Quốc Nghiễn ở TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh mỗi con đường có nét đẹp riêng. Nhưng đường ven biển ở các tỉnh phía Nam hao hao giống nhau, nom như một dải lụa mềm nằm dưới những rặng dừa và phi lao xanh mát, nơi ẩn mình của hàng trăm khu resort, khu du lịch sinh thái. Phía biển là những dải cát vàng, cùng với những con sóng tung bọt trắng trong làn nước xanh thẳm xa tít tận chân trời. Còn đường ven biển Trần Quốc Nghiễn ở TP Hạ Long mặt tiền trên cạn là công viên, công trình văn hóa thể thao công cộng, đền chùa di tích văn hóa lịch sử, KĐTM biệt thự nhà cửa khang trang, vỉa hè là nơi hội tụ của hàng ngàn người đi bộ dưỡng sinh. Rặng cây khép tán ven đường, không chỉ có hàng dừa vi vu trong gió Xuân, mà còn có mầu xanh của cây hoa Anh đào, năm ngoái Chính phủ Nhật Bản mang 100 cây giống đến tặng. Một vườn bách thảo lớn mới trồng cây đang bén rễ, nẩy lộc xanh tươi. Nhiều thân cây to hai người ôm không xuể, do tập thể và cá nhân xa gần hảo tâm tự nguyện mang đến trồng lưu niệm. Phía dưới mặt nước sớm chiều thuyền bè neo đậu, ta có thể dễ dàng làm quen với cuộc sống du cư của cộng đồng ngư dân, hòa mình với sự mặn mòi của biển. Con đường cong cong tựa cánh cung ôm hàng trăm hòn non bộ khổng lồ, muôn hình vạn trạng nhô lên trên mặt biển lặng sóng. Nhìn ở góc này chúng như: Voi chầu, hổ phục. Nhìn ở góc kia chúng như: Long, ly, quy, phượng. Xa xa hòn núi đôi dập dờn trên sóng bạc đầu, mặt trước nom hình dáng đôi gà chọi, mặt sau tựa cá chép đớp trăng. Trong lòng những hòn non bộ khổng lồ, là thạch động với những nhũ đá lung linh huyền ảo. Rừng cây trên vách đá, nhiều loài thực vật quí, nhiều loài hoang thú. Đi bộ dừng bước bên đường, nhìn lên núi cao đôi khi nom thấy khỉ Vàng bầy đàn nhảy nhót. Mặt nước, núi đá đổi mầu theo ánh nắng mặt trời. Sớm mai mặt nước mầu xanh lục, chính đặc điểm này người xưa gọi là sông Cửa Lục, khác với Lục Đầu giang nơi hội tụ của 6 con sông. Đầu đường Trần Quốc Nghiễn là sông Cửu Lục, cuối đường là núi Hạm. Trời về chiều mặt nước và núi đá bóng đổ, nhìn đâu cũng ra bức ảnh phong cảnh 3D sống động. Hoàng hôn buông xuống mặt nước lao xao, lung linh như dát vàng dát bạc. Ngay rìa đường đoạn xây bệ phản áp cáy biển làm tổ, chúng sinh đẻ rất nhanh. Ông Nguyễn Văn Cưu lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Quảng Ninh nghỉ hưu, nhà ở khu 8 phường Hồng Hải nằm trên trục đường cho biết: Mùa cáy chỉ cần vài tiếng đồng hồ là câu được nồi riêu cáy, nhà năm bẩy miệng ăn túy lúy. Còn đoạn xây dựng theo công nghệ đóng cọc Cừ, tàu thuyền áp mạn tận lan can đường, cảnh trên bến dưới thuyền nhìn vui mắt.
Người khởi sự chủ trương xây dựng con đường này là ông Hà Văn Hiền - nguyên Trưởng ban Kinh tế Quốc hội khi ấy là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh. Ông sớm đưa cơ chế “đổi đất lấy công trình” về địa phương, vừa thu được 49,960 tỷ đồng, đầu tư vào làm con đường hai chiều thảm nhựa kiên cố dài 4.580m, lòng đường mỗi bên rộng 7,5m, dải phân cách cứng ở giữa rộng 2m trồng hoa, vỉa hè phía trong rộng 5m phía ngoài rộng 9m. Vừa khẩn hoang bãi triều sình lầy thành quỹ đất ở, mở mang đô thị. Đường sá - nhà cửa quy hoạch hài hòa, con đường có thêm hơi thở cuộc sống. Chủ đầu tư là Cty LICOGI số 2 có bề dầy kinh nghiệm xây dựng đường sá, làm đường ven biển theo công nghệ đắp bệ phản áp, mặt đường không rạn nứt, không lún thụt mà vẫn giữ được bãi biển tạo môi trường cho thủy sản hoang dã sinh sôi, nẩy nở. Đoạn kế tiếp do BQLDA công trình trọng điểm của tỉnh làm chủ đầu tư nối dài con đường này thêm trên 1.488m, có 2 cây cầu, tổng mức đầu tư 339 tỷ đồng. Cầu ngay dưới chân núi Bài Thơ, đặt tên cầu theo tên núi: cầu Bài Thơ 1, cầu Bài Thơ 2. Cầu uốn lượn dưới vách đá dựng đứng, cao vút vừa tăng nét duyên dáng cho tuyến đường, vừa nối nhịp cho khách thập phương chiêm ngưỡng danh lam, chảy hội cụm di tích văn hóa lịch sử núi Bài Thơ trong đó có lễ hội dâng hương đền đức ông Trần Quốc Nghiễn vào ngày 25/4, thăm bài thơ tạc trên vách núi của vua Lê Thánh Tông, của chúa Trịnh Cương, lễ hội thả thơ ngày thơ Quảng Ninh 29/3 hằng năm. Như vậy là con đường ven biển ở TP Hạ Long mang tên Trần Quốc Nghiễn, vị tướng tài ba của nhà Trần 3 lần đánh thắng quân Nguyên - Mông này dài trên 6.000m, tổng mức đầu tư trên 500 tỷ đồng. Con đường như còn ẩn tích, những chắc chắn khách du lịch thập phương đến Hạ Long du Xuân Giáp Ngọ, phải ngỡ ngàng trước nét đẹp của một công trình xây dựng hài hòa với cảnh quan thiên nhiên mà chưa nổi danh này.
Song cũng phải lưu ý, đường Trần Quốc Nghiễn nhìn xa thì đẹp, lại gần còn có vết nhọ. Đó là vỉa hè ốp lát bằng vật liệu rẻ tiền, đôi chỗ nom xộc xệch. Môi trường chưa đạt như mong muốn. Mặt đường đoạn làm sau dài 1.488,49m đôi chỗ chưa phẳng phiu, như đoạn qua công viên Lán Bè và đoạn đối diện với Quảng trường lớn nắp cống thoát nước ra biển, gồ sống, trâu cắt ngang mặt đường. Cơ quan chức năng ở đây cầm vàng tưởng thau chưa cảm nhận hết giá trị của con đường bao bờ biển đẹp nhất hành tinh này, đến tít tận bây giờ vẫn còn nợ Cty LICOGI số 2 chủ đầu tư 46,027 tỷ đồng, hẳn chưa thể nghĩ đến chuyện chỉnh trang, đầu tư “thẩm mỹ viện” cho con đường này.
Đón Xuân mới chúng tôi chia sẻ niềm vui với ông Thung, với bao người dân đang tự hào về quê hương mình có con đường bao bờ biển đẹp nhất hành tinh trong nghĩ suy của họ. Mong một ngày kia nó được quan tâm hơn để nâng vị thế đường Trần Quốc Nghiễn lên đẳng cấp quốc gia và quốc tế.
Vũ Phong Cầm
Theo