(Xây dựng) – Báo điện tử Xây dựng đã có bài viết “Hà Nội: Thiếu trầm trọng không gian xanh điều hòa không khí” cảnh báo về tốc độ đô thị hóa, sự gia tăng dân số nhanh trong khi số lượng cây xanh, độ phủ xanh của thành phố đang ở mức thấp. Vì vậy, đã có nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học đề xuất, thảo luận nhằm tìm ra các giải pháp tối ưu bảo vệ, phục hồi và phát triển hệ thống cây xanh, để Hà Nội trở thành một “Thành phố cây xanh” đúng nghĩa.
Các mảng không gian xanh tạo nên bản sắc riêng cho đô thị.
Vấn đề lớn nhất của TP Hà Nội hiện là hiệu ứng đảo nhiệt đô thị - nguyên nhân chính là sự thay đổi bề mặt vật liệu trong quá trình phát triển đô thị. Chúng ta đang sử dụng quá nhiều vật liệu giữ nhiệt như nhựa đường, bê tông, nhà cao tầng mọc lên san sát… thay vì hấp thụ vào đất, nước, cây cối. Như vậy, đô thị hóa càng phát triển, nhiệt lượng thải ra và phát tán do quá trình sử dụng năng lượng càng tăng. Vì thế, cần có các biện pháp lâu dài, kịp thời để phát huy hiệu quả của cây xanh để bảo vệ môi trường đồng thời phát triển đô thị bền vững.
Singapore là quốc gia đi đầu với các biện pháp “mềm hóa bê tông” bằng cây xanh, hồ nước điều hòa không khí.
Từ những bài học kinh nghiệm ở các thành phố khác trên thế giới như Singapore, Portland, Copenhagen, Vancouver… các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã đề xuất một số nhóm giải pháp chính.
Cụ thể, TS.KTS Nguyễn Trúc Anh – Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội và ThS.KTS Trần Duy – Giám đốc trung tâm 5 chia sẻ trong tham luận tại Hội thảo Giải pháp bảo vệ, phục hồi và phát triển hệ thống cây xanh – mặt nước TP Hà Nội đáp ứng mục tiêu quy hoạch và tạo bản sắc đô thị: Do những hạn chế về quỹ đất tại khu vực nội đô lịch sử nên cần duy trì số lượng, đảm bảo quy mô diện tích các công viên, vườn hoa đang có. Từng ngôi nhà đều nên tận dụng hình thức vườn trên mái, vườn đứng, trồng cây giàn leo tại các tuyến phố có vỉa hè hẹp. Đối với những khu vực phát triển mới thì cần tăng thêm các công viên, tăng cường các loại hình công viên, trồng thêm nhiều cây xanh đô thị trên các tuyến đường vành đai, đường trên cao, đường sắt đô thị.
Các chuyên gia đánh giá, công tác quản lý, bảo tồn và phát triển cây xanh đô thị tại Hà Nội còn nhiều bất cập. Trong đó phải kể đến các rào cản thể chế, chính sách và văn bản pháp quy chưa hoàn chỉnh, công nghệ kỹ thuật lạc hậu, ý thức người dân chưa cao…
Để có thể quản lý tốt, phát huy hiệu quả công tác bảo tồn hệ thống cây xanh cần bắt đầu tư giải pháp về quản lý nhà nước: đảm bảo một hệ thống văn bản pháp quy thống nhất; thống nhất nguyên tắc quản lý, bảo tồn và phát triển cây xanh đô thị; hoàn chỉnh bộ máy các cấp; quản lý cây xanh bằng phần mềm và tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng.
Tránh trường hợp người xây, kẻ phá thì chính quyền, cơ quan chức năng và cả người dân cần vào cuộc, chung tay bảo vệ “lá phổi xanh” của thành phố. Mỗi cá nhân, tổ chức nên nhận thức rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, bảo vệ cây xanh cũng chính là bảo vệ không gian sống tương lai, góp phần giảm khói bụi, ô nhiễm môi trường.
Các loại cây hiện vẫn được trồng theo hướng rải rác, chưa tập trung và đem đến hiệu quả thiết thực.
Để Hà Nội là một thành phố đáng sống, hòa bình và văn minh, hiện đại thì những giải pháp về không gian kiến trúc cảnh quan cũng vô cùng quan trọng. Theo đó, các quy hoạch chi tiết và thiết kế không gian xanh cần quan tâm đến tính đặc thù về không gian, hoạt động của con người (chủng loại, kích thước, khoảng cách…). Từ đó góp phần hình thành các tuyến đường đặc trưng về cảnh quan, thay đổi vi khí hậu, nâng cao chất lượng môi trường. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến – Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), công tác quy hoạch cây xanh cần được thực hiện nghiêm túc, cẩn trọng bởi các chuyên gia thuộc lĩnh vực kiến trúc cảnh quan, cây xanh đô thị. Ngoài ra, với cách kết hợp các biện pháp khoa học kỹ thuật với công nghệ trí tuệ nhân tạo, các nghiên cứu ứng dụng đã thay đổi môi trường sinh thái, cải thiện khả năng thích ứng của cây xanh và hệ sinh thái với môi trường ô nhiễm, thời tiết bất thường.
Có thể khẳng định, từ “bê tông hóa” đến “xanh hóa” vẫn là một khoảng cách lớn và nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chỉ cần sự thay đổi nhận thức từ người dân cùng chính quyền với các chương trình, biện pháp hành động hiệu quả, thì mục tiêu phủ xanh thành phố, bảo vệ môi trường, giảm lượng khí thải, điều hòa khí hậu là hoàn toàn khả thi. Vì vậy, mỗi cá nhân, mỗi tổ chức cần chung tay, hãy hành động ngay hôm nay, ngay lúc này, để góp phần bảo vệ một Hà Nội – Thành phố vì hòa bình, thành phố đáng sống, thành phố của cây xanh.
Diệu Anh
Theo