Thứ hai 09/09/2024 16:40 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Một số điểm mới trong chính sách về phát triển và quản lý nhà ở xã hội của Nghị định số 49/2021

14:35 | 28/04/2021

(Xây dựng) - Ngày 01/4, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Nghị định số 49/2021/NĐ-CP được ban hành đã cơ bản giải quyết được một số khó khăn vướng mắc trong thực tiễn phát triển và quản lý nhà ở xã hội thời gian qua.

mot so diem moi trong chinh sach ve phat trien va quan ly nha o xa hoi cua nghi dinh so 492021
Nghị định 49/2021 sẽ tháo vỡ nhiều vướng mắc trong thực tiễn phát triển và quản lý nhà ở xã hội thời gian qua (Ảnh: T/L).

Bố trí quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội

Nghị định số 49/2021/ NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội được đánh giá là phù hợp, bởi có nhiều điểm mới đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra.

Theo đó, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung các quy định tại Điều 5 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP như sau:

Dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2 ha trở lên tại các đô thị loại đặc biệt và loại I hoặc từ 5ha trở lên tại các đô thị loại II và loại III phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dành để xây dựng nhà ở xã hội.

Trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất nhỏ hơn 2 ha tại các đô thị loại đặc biệt và loại I hoặc nhỏ hơn 5 ha tại các đô thị loại II và loại III thì chủ đầu tư không phải dành quỹ đất 20% và có nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất cho toàn bộ diện tích đất của dự án theo quy định của pháp luật về đất đai.

Trường hợp thuộc diện phải bố trí quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định nhưng không còn phù hợp thì UBND cấp tỉnh phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận. Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xác định rõ vị trí, diện tích đất bố trí thay thế tại địa điểm khác trên phạm vi địa bàn và thực hiện việc giao đất, cho thuê đất và xác định giá trị tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% của dự án theo đúng quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan; số tiền thu được phải bổ sung vào ngân sách địa phương dành để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn.

Như vậy, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP đã sửa đổi quy mô dự án phải dành quỹ đất nhà ở xã hội (dự án nhỏ hơn thì cho phép nộp tiền theo quy định pháp luật đất đai). Việc sửa đổi quy định dự án có quy mô từ 2 ha trở lên tại các đô thị loại đặc biệt và loại I hoặc từ 5 ha trở lên tại các đô thị loại II và loại III phải dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội nhằm giải quyết tình trạng thiếu quỹ đất 20% dành để phát triển nhà ở xã hội mà một trong những nguyên nhân chính đó là do hầu hết chủ đầu tư đều lựa chọn và các địa phương đều cho phép dự án dưới 10ha được thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền (Tp. Hồ Chí Minh không có dự án dưới 10ha dành quỹ đất, Hà Nội chỉ có 8/124 dự án…).

Đồng thời, quy định này cũng nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc đối với những dự án quy mô nhỏ trong việc lập quy hoạch và bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội do không đủ quỹ đất hoặc không phù hợp với quy hoạch để xây dựng nhà ở xã hội trong thời gian vừa qua.

Ngoài ra, Nghị định số 30/2021/NĐ-CP cũng bổ sung quy định về các tiêu chí để Thủ tướng Chính phủ có cơ sở xem xét, chấp thuận việc không bố trí quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội do không phù hợp với quy hoạch của địa phương hoặc có bố trí nhưng không đủ quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội; đồng thời bổ sung quy định về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong trường hợp Thủ tướng chấp thuận.

Đổi mới về lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội

Nghị định số 49/2021/NĐ-CP đã bổ sung quy định giao "Bộ Xây dựng hướng dẫn quy định về điều kiện, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội". Quy định này nhằm cụ thể hóa quy định tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành (điểm c khoản 1 Điều 1; khoản 1, khoản 3 Điều 16). Đồng thời, khắc phục tình trạng trong thời gian qua các địa phương gặp khó khăn vướng mắc khi thực hiện lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đối với trường hợp phải đấu thầu nhưng pháp luật về đấu thầu (Luật Đấu thầu, Nghị định số 30/2015/NĐ-CP, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP) lại không quy định trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang khẩn trương xây dựng Thông tư hướng dẫn các nội dung trên để ban hành trong thời gian sớm nhất.

Rút ngắn thời gian xét duyệt đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội

Đây là một trong những điểm mới đáng ghi nhận của Nghị định sửa đổi lần này. Theo đó, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 23, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về nguyên tắc xét duyệt đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội đầu tư xây dựng theo dự án như sau:

Trường hợp tổng số hồ sơ đăng ký mua, thuê, thuê mua (hợp lệ) bằng hoặc ít hơn tổng số căn hộ do chủ đầu tư công bố cho từng loại sản phẩm thì việc lựa chọn căn hộ thực hiện theo hình thức thỏa thuận giữa chủ đầu tư và khách hàng;

Trường hợp tổng số hồ sơ đăng ký mua, thuê, thuê mua (hợp lệ) nhiều hơn tổng số căn hộ do chủ đầu tư công bố cho từng loại sản phẩm thì việc xét duyệt, lựa chọn đối tượng thực hiện theo hình thức bốc thăm do chủ đầu tư tổ chức, có đại diện Sở Xây dựng địa phương nơi có dự án được phê duyệt tham gia giám sát.

Trường hợp các đối tượng đủ điều kiện là người có công với cách mạng và người khuyết tật thì được ưu tiên mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội mà không phải bốc thăm với tỷ lệ nhất định.

Như vậy, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP đã bỏ tiêu chí chấm điểm còn phức tạp, chưa rõ ràng, trùng lặp gây nhiều khó khăn khi thực hiện. Do đó, rút ngắn được thời gian xét duyệt xét duyệt đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Gỡ vướng về thủ tục hành chính cho người dân và bổ sung cơ chế ưu đãi cho chủ đầu tư.

Bên cạnh những điểm mới nêu trên, Nghị định 49/2021/NĐ-CP cũng đã sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người dân được tiếp cận với nhà ở xã hội, rút gọn thủ tục hành chính và bổ sung một số cơ chế ưu đãi khuyến khích cho chủ đầu tư nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, cụ thể là:

Về điều kiện và quy định về mức cho vay vốn ưu đãi để xây dựng mới và cải tạo, sửa chữa nhà ở: Trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội thì mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà; trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay, tối đa không quá 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay. Thời hạn vay do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng và tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên.

Về trình tự, thủ tục đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội: Sở Xây dựng có trách nhiệm cập nhật Danh sách các đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội lên Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng và Bộ Xây dựng nhằm loại trừ việc người được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội được hỗ trợ nhiều lần hoặc đã có nhà ở, đất ở; đã được Nhà nước hỗ trợ về nhà ở, đất ở; có phát sinh nộp thuế thu nhập cá nhân tại địa phương.

Về tiền đặt cọc của người thuê nhà ở xã hội: Giảm thời gian người thuê nhà ở xã hội phải nộp trước tiền đặt cọc cho bên cho thuê nhà từ 12 tháng giảm xuống còn 3 tháng, và tối thiểu giảm từ 3 tháng xuống còn 1 tháng nhằm tạo điều kiện cho người dân có thu nhập thấp có điều kiện được tiếp cận quỹ nhà ở xã hội cho thuê tại các dự án.

Về hồ sơ chứng minh đối tượng, điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội: Quy định rõ cơ quan xác nhận cho từng loại đối tượng và cơ quan xác nhận về điều kiện nhà ở đảm bảo đúng chức năng, nhiệm vụ. Bổ sung quy định kể từ ngày Luật Cư trú có hiệu lực (01/7/2021) thì việc xác nhận đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú thực hiện theo quy định của Luật Cư trú; trường hợp đã được cấp Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022.

Về quy định ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án nhà ở xã hội cũng như góp phần làm tăng nguồn cung nhà ở xã hội như: Được dành 20% tổng diện tích đất ở để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; cho phép khấu trừ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khi chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với địa phương; được UBND cấp tỉnh hỗ trợ đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong dự án với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực trong trường hợp hoàn thành việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội trong vòng 12 tháng kể từ ngày được giao đất, cho thuê đất.

Nghị định 49/2021 cũng cho phép dự án nhà ở xã hội loại hình chung cư được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng hoặc hệ số sử dụng đất nhưng phải đảm bảo sự phù hợp với chỉ tiêu dân số, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, không gian, kiến trúc cảnh quan trong phạm vi đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt và phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch đó phê duyệt điều chỉnh.

Mai Thu

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load