Thứ năm 28/03/2024 22:44 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Một năm thắng lợi kép…

15:17 | 29/12/2020

(Xây dựng) - 2020 là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm (2016 - 2020), năm kết thúc thập kỷ thứ 2 của kỷ nguyên thứ 3 trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Việt Nam tiếp tục đi vào công cuộc đổi mới, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII trong điều kiện đặc thù, bất khả kháng, không thuận lợi là sự xuất hiện đại dịch Covid-19 và thiên tai nghiêm trọng gây thiệt hại rất nặng nề.

mot nam thang loi kep

Với quyết tâm chiến lược của cả hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, táo bạo và kiên quyết của Chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu kép là phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, tạo điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế, nỗ lực phấn đấu cho 15 mục tiêu kinh tế - xã hội, duy trì tốc độ tăng trưởng. Bởi vậy, mặc dù GDP đạt mức thấp nhất trong hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, song trong khi hầu hết các nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng âm thì nước ta đạt mức tăng trưởng từ 2,8 - 3% như các tổ chức kinh tế thế giới nhận định, là một trong hai quốc gia ở châu Á đạt tăng trưởng dương (Việt Nam và Trung Quốc). Đó là thành tựu nổi bật của nước ta năm 2020.

Về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 thì thế giới thừa nhận Việt Nam là quốc gia thành công số 1. Trong cuộc chiến mang tầm thời đại, với hào khí “chống dịch như chống giặc”, Việt Nam làm nên kì tích đem lại kinh nghiệm độc đáo và bài học thiết thực cho nhiều quốc gia. Trải qua hai giai đoạn bùng phát, nước ta tập trung dập, kiểm soát dịch rất tốt, ngăn chặn kịp thời sự lây lan một cách triệt để, thể hiện tính quyết liệt, bản lĩnh và sáng tạo Việt Nam.

Mặc dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhưng nhờ sự điều hành, chỉ đạo vừa bình tĩnh, vừa quyết liệt, táo bạo, lấy mục tiêu chống dịch làm tiền đề để giữ tăng trưởng, ưu tiên chống dịch trước là giải pháp thông minh, quyết sách hàng đầu để thực hiện mục tiêu kép thành công phục hồi kinh tế. Trong các tháng đầu năm, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng có phần chững lại, ngưng trệ. Các ngành Hàng không, Du lịch đình đốn nhưng khi cơ hội đến đồng loạt trỗi dậy, bứt phá. Nhờ vậy, các chỉ số xuất nhập khẩu, thu ngân sách đều tăng. Tính đến hết tháng 11, kinh tế đối ngoại ước tính đạt 490 tỷ USD (tăng 3,5%), trong đó xuất khẩu đạt 255 tỷ USD (tăng 5,3%), cao hơn nhập khẩu 20 tỷ USD. Lạm phát kiềm chế ở 1 con số (chỉ tăng 2,43% so với 2019, riêng tháng 11 chỉ tăng 0,03%). Vốn đầu tư ngân sách Nhà nước đạt 405,8 nghìn tỷ đồng. Công nghiệp được duy trì, ổn định. Nông nghiệp trở thành bệ đỡ nâng tầm cho cả nền kinh tế. Hơn 50 triệu công nhân, người lao động và 800.000 DN phát huy khả năng ứng phó, vượt lên thách thức, duy trì sản xuất kinh doanh, dịch vụ, đặc biệt sự lên ngôi của thương mại điện tử và kinh tế số. Đây cũng là năm khởi sắc về tăng trưởng xanh, tăng trưởng sáng tạo, điểm sáng về năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng… làm nên thành tựu vượt trội.

Những thắng lợi đó là kết quả của công cuộc đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện 3 đột phá chiến lược là cải cách thể chế, phát triển nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng.

Năm 2020 kinh tế đối ngoại vẫn giữ vững và có điểm nhấn ngoạn mục. Việt Nam kí kết thành công Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ Thái Bình Dương (CPTPP) cam kết hội nhập, cải cách trong nước. Đồng thời, kí kết Hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA) mở ra triển vọng và cơ hội to lớn. Từ đó, Việt Nam là miền đất tốt cho các nhà đầu tư quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đứng đầu các nước ASEAN, 11 tháng đạt 25,43 tỷ USD, có 1.051 dự án điều chỉnh bổ sung vốn (6,3 tỷ USD), tăng 7,8% so với năm 2019.

Chiến thắng nổi bật của mục tiêu kép là duy trì tăng trưởng GDP đạt 340, 6 tỷ USD (bình quân đầu người 3.500 USD) cao hơn Singapore (337,5 tỷ USD), Malaysia (336, 3 tỷ USD), cũng là năm xuất khẩu lớn nhất, dự trữ ngoại tệ cao nhất từ trước đến nay… nên đời sống nhân dân ổn định, xã hội không bị xáo trộn. Trong đại dịch Covid-19 và bão lũ miền Trung, Chính phủ quyết định chi 62 nghìn tỷ đồng ngân sách, cấp 733.600 tấn gạo cứu trợ DN, người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại. Số công nhân, người lao động mất việc làm thấp. Ngành Y tế giành thắng lợi huy hoàng trong công cuộc phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh. Giáo dục có lúc gian nan nhưng các cấp học vẫn bảo đảm dạy và học đầy đủ, không bị đứt quãng.

Năm 2020 cũng là năm đại đoàn kết toàn dân dấy lên cao trào “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách” sáng chói. Trong hoạn nạn, những phẩm chất nhân ái của toàn dân, toàn quân trở thành một trào lưu tối thượng. Phong trào quyên góp và cứu trợ những nơi có ổ dịch, hỗ trợ ngành Y tế và các lực lượng chống dịch, đồng bào miền Trung bị thiên tai xâm hại, tình tương thân tương ái phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, trong bức tranh tổng thể kinh tế - xã hội còn có nhiều bức xúc. Đó là có lúc gần 20 nghìn lượt hộ thiếu đói, tai nạn giao thông còn xảy ra nghiêm trọng, nhiều nơi môi trường bị ô nhiễm nặng nề, nạn phá rừng, cháy nổ, khai thác tài nguyên bừa bãi, buôn lậu, gian lận thương mại… xảy ra hàng ngày, cần được khắc phục, hạn chế.

Với đà thắng lợi năm 2020, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bước vào năm Tân Sửu - 2021, Việt Nam hướng tới những mục tiêu cao cả, đủ năng lực, nguồn lực, trí tuệ và bản lĩnh để tiếp tục bứt phá, đi lên. Nếu không có gì bất khả kháng thì nước ta có nhiều khả năng đạt mức tăng trưởng 6 - 7% vào năm 2021, vươn tới là quốc gia có mức thu nhập cao ở Đông Nam Á…

Kim Quốc Hoa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load