Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Thăng Long - Hà Nội vẫn luôn là trung tâm chính trị, văn hoá, kinh tế lớn của đất nước. Nổi bật là các kiến trúc văn hoá vô cùng đa dạng và phong phú như kiến trúc dân gian, những khu phố nằm trong một đô thị hiện đại đang chuyển mình mạnh mẽ.
Báo Điện tử Chính phủ xin giới thiệu đến bạn đọc chùm ảnh của một Hà Nội như thế.
Ô Quan Chưởng (Ô Đông Hà) – Cửa ô duy nhất còn lại của kinh thành Thăng Long xưa.
Ô Quan Chưởng nằm đầu phố Hàng Chiếu, tuy không còn giữ nguyên được nét cổ kính ngày nào nhưng vẫn luôn là biểu tượng của kinh thành xưa cũ, vẫn hiên ngang giữa lòng Hà Nội như một bằng chứng sống cho tinh thần đấu tranh kiên cường của nhân dân ta.
Hà Nội của một phố cổ, im lìm, cổ kính và bình yên len lỏi đến từng nếp nhà, từng góc phố.
Phố cổ có 36 phố, mỗi con phố tập trung bán một loại mặt hàng nhất định. Chính vì vậy mà người Việt quen gọi thủ đô với cái tên quen thuộc, đầy thân thương là Hà Nội 36 phố phường.
Phố cổ Hà Nội luôn gắn liền với lịch sử phát triển hàng ngàn năm của mảnh đất kinh kì ngàn năm văn hiến. Trải qua nhiều thăng trầm biến cố của thời gian, có nhiều thứ đã đổi thay nhưng tên gọi của các con phố này vẫn vậy.
Phố Lãn Ông là một trong những con phố nghề ít ỏi của Thăng Long còn lưu giữ đến nay.
Chỉ cần đến đầu phố đã ngửi thấy ngay mùi thơm đặc trưng, quyến rũ của các loại hương liệu, thảo mộc khô dùng làm thuốc… được bào chế và bày bán ngay trên phố.
Khu Phố cổ Hà Nội là một bảo tàng sống về quá trình hình thành và phát triển.
Người Hà Nội sinh sống trong không gian ấy, làm ăn buôn bán, tham gia các hoạt động sinh hoạt cộng đồng với các thói quen tập tục, nền nếp rất “văn hoá Hà Nội”.
Nhưng cũng có một Hà Nội có nhịp sống nhộn nhịp với những con đường, ngã tư với dòng xe cộ nối đuôi nhau vào những giờ cao điểm cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ của Thủ đô.
Đường vành đai 3 trên cao có tổng chiều dài 8.912 m, trong đó có 8.527 m cầu trên cao, được thiết kế với 4 làn xe chạy tốc độ thiết kế 100 km/h
Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với những công trình đồ sộ, các toà nhà hành chính, khu đô thị, khu cao ốc tổ hợp văn phòng, những đại lộ thênh thang Thăng Long, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, ngắm những cây cầu hiện đại Nhật Tân, Đông Trù vươn mình qua sông Hồng.
Những khu đô thị văn minh Cipucha, Times City, những tòa cao ốc nổi bật… đem lại cảm nhận sâu sắc về những đổi thay kỳ diệu đã tạo nên tầm vóc mới cho Thủ đô yêu dấu.
Khởi công vào tháng 10/2009, tòa nhà Quốc hội mới tọa lạc trên đường Độc Lập, được đánh giá quy mô, phức tạp nhất từ trước đến nay được các nhà thầu Việt Nam xây dựng.
Trung tâm Hội nghị Quốc gia là công trình cấp đặc biệt được thiết kế dựa trên ý tưởng cảnh quan Di sản văn hoá Vịnh Hạ Long với phương án thiết kế mang tên “Lượn sóng biển Ðông”.
Khởi công từ tháng 11/2004 và hoàn thành vào tháng 11/2006. Trung tâm Hội nghị Quốc gia được đánh giá là 1 trong số 3 trung tâm Hội nghị lớn nhất khu vực Ðông Nam Á.
Tòa nhà Lotte Center Hà Nội, một điểm nhấn kiến trúc độc đáo thu hút khách du lịch tại Thủ đô và cũng là biểu tượng mới của kinh tế Hà Nội.
Tọa lạc tại vị trí giao thoa giữa khu vực trung tâm cũ và mới của Hà Nội, tòa nhà Lotte Center Hà Nội là một trong những tổ hợp nhà ở cao cấp, văn phòng hạng A, khách sạn 5 sao và trung tâm mua sắm hiện đại nhất của Hà Nội với tổng số vốn đầu tư lên tới hơn 400 triệu USD.
Cầu Nhật Tân Hà Nội là cây cầu dây văng dài và hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, với 5 nhịp chính hình trụ tháp và 6 nhịp dây văng.
Cầu được khởi công xây dựng vào ngày 7/3/2009 và được khánh thành ngày 4/1/2015. Cây cầu nằm trong tổng thể quy hoạch dự án đường vành đai 2 của thành phố Hà Nội.
Cầu Đông Trù dài 1.140 m, thiết kế 8 làn xe cơ giới, bề rộng mặt cầu rộng nhất Việt Nam hiện nay và 2 làn đường sắt đô thị.
Với chiều dài toàn tuyến lên tới 29,2 km, đại lộ Thăng Long đi qua địa bàn 4 huyện: Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai và Thạch Thất.
Đường Võ Nguyên Giáp là tuyến đường huyết mạch nối trung tâm Thủ đô với Sân bay quốc tế Nội Bài
Trong tương lai đường Võ Nguyên Giáp là trục động lực phát triển kinh tế quan trọng của khu vực, nhằm liên kết phát triển tổ hợp hệ thống các trung tâm tài chính ngân hàng, trung tâm thương mại, khách sạn, bệnh viện cao cấp, công trình văn hóa, khu nhà ở chất lượng cao.
Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông là tuyến số 3 trong hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và là một trong 8 tuyến đường sắt đô thị được quy hoạch.
Tuyến Metro số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội có tổng chiều dài 12,5 km (trong đó đoạn đi trên cao 8,5 km và đoạn đi ngầm 4,5 km), được khởi công vào ngày 10/10/2010 và dự kiến hoàn thành vào năm 2021.
Theo Nhật Bắc (tổng hợp)/Baochinhphu.vn