Nhiều năm nay, việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đã được các cấp chính quyền thực hiện trong thời gian khá dài, nhưng cho đến nay, khi đi làm TTHC nhiều người dân cho rằng họ vẫn bị “hành …là chính”. Đó là nhận định của xuất phát từ thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm của cán bộ thực thi TTHC ở nhiều cơ sở địa phương.
Rất đông người dân tới làm TTHC tại bộ phận một cửa UBND phường Văn Quán
nhưng khi họ ra về đều không cảm thấy hài lòng.
Một cửa nhưng vẫn “chậm”
Chị Nguyễn Thị Minh Thúy, ở phường Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội đến UBND phường sở tại để làm công chứng Thẻ sinh viên, cán bộ ở bộ phận “một cửa” phường hẹn chị chiều đến lấy kết quả. Nhưng buổi chiều khi đến nơi, chị Thúy nhận được câu trả lời lạnh tanh: “Không công chứng vì không đúng quy định”, đơn giản chỉ vì Thẻ sinh viên không có chữ ký của chị và là thẻ cứng.
Còn chị Thu Hiền cũng ở KĐT Văn Quán sau khi được hướng dẫn viết lại Sơ yếu lí lịch, chị nộp lại cho cán bộ thì được trả lời hết giờ nhận hồ sơ và được biết bộ phận một cửa ở đây chỉ nhận hồ sơ từ 8-9h30 với lời giải thích hết sức đơn giản của cán bộ là“các sếp chỉ ký theo giờ”. Nếu chị chờ được thì mời chị 2 giờ chiều quay lại nộp và chờ đến 4 giờ chiều nhận kết quả.
Theo quy định hàng ngày, chủ tịch, hoặc phó chủ tịch phường luôn có lịch phân công trực tại phường để giải quyết các TTHC. Việc công chứng các giấy tờ như CMND, hộ khẩu, khai sinh, đăng ký kết hôn… là những việc đơn giản, người dân chỉ cần đợi ít phút là có thể giải quyết ngay. Nhưng vì thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm của cán bộ ở bộ phận “một cửa” của các phường, nên người dân đã bị “hành” từ thủ tục đơn giản nhất.
Chiều 23/8, khi chị Triệu Thị Hằng trú tại phường Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội đến UBND phường làm thủ tục về hộ tịch lúc này là 15h55’. Thế nhưng chị Hằng đành phải ra về vì cán bộ ở đây nói, hết giờ trình sếp ký!. Rút kinh nghiệm sáng hôm sau chị Hằng mang theo một số giấy tờ và đến từ 8h sáng ngồi đợi ở hàng ghế đầu tiên. Đợi cho đến 9 giờ, thêm một số người dân đến chờ công chứng giấy tờ, nhưng cán bộ làm nhiệm vụ vẫn chưa tới. Nhiều người vì không đợi được đã phải ra về. Khi chị Hằng định ra về thì một cán bộ của phường mới đến, lúc đó đã gần 10 giờ. Vị cán bộ phường không giải thích lý do tại sao mình đến muộn, mà chỉ nhận giấy tờ của mọi người rồi hẹn ngày đến lấy. Nhận xong hồ sơ của gần chục người dân, vị cán bộ này vội vàng đóng cửa…
Việc chính quyền vẫn phải thực hiện chứng nhận với những nội dung không nằm trong tầm kiểm soát của mình diễn ra phổ biến trong các giao dịch hành chính hiện nay. Thậm chí, ngay cả với những việc chưa có văn bản quy định đó là thủ tục cũng vẫn diễn ra thường xuyên giữa người dân với chính quyền. Cụ thể như bộ phận "một cửa" các xã, phường vẫn thường phải đóng dấu chứng nhận vào đơn xác nhận hoàn cảnh khó khăn để giảm học phí, đơn xác nhận thu nhập thấp, đơn xác nhận sinh hoạt hè, giấy ủy quyền, mua bán trao tay… Trong khi đó, việc chứng nhận của phường chỉ dừng lại ở việc kiểm tra hộ khẩu xem có đúng người đó thường trú tại địa chỉ đó hay không, còn tất cả các thông tin khác hầu như không thể kiểm soát được và chính quyền không phải chịu trách nhiệm về những thông tin đó.
Bên cạnh đó, việc photo hộ khẩu và sao y bản chính cũng đang được áp dụng tràn lan trong hầu hết các thủ tục. Đến bộ phận “một cửa” UBND phường Phúc La, Q. Hà Đông, bà Nguyễn Minh Tâm làm thủ tục tách sổ hộ khẩu, lúc đó cả phòng chỉ có 2-3 người dân có mặt. Vị cán bộ nữ nói với bà cần phải pho-to thêm mỗi bản 2 bộ để phường giữ một bản, bà giữ một bản. Pho-to xong xuôi, bà Tâm trở lại bộ phận một cửa, nộp đầy đủ giấy tờ nhưng vị cán bộ này lại hẹn bà tới sáng mai qua lấy vì ít người đến làm thủ tục quá…!
Theo ông Phạm Hoàng Châu, Phó Chánh văn phòng UBND quận Hoàn Kiếm thì, công tác tiếp nhận hồ sơ hành chính và trả kết quả hầu hết đều được thực hiện đúng giấy hẹn với dân. Tuy nhiên, có một số trường hợp chậm một vài ngày là do hồ sơ có vấn đề hoặc do lỗi của các ngành chuyên môn.
Ví dụ việc cấp phép xây dựng, khi phòng chuyên môn xuống khảo sát hiện trường, kiểm tra thực tế nếu nhà nào không có vấn đề gì thì cấp phép xây dựng tương đối nhanh, còn có vấn đề thì phải yêu cầu chủ nhà có biên bản thỏa thuận với các hộ xung quanh hoặc có cam kết bồi thường nếu xảy ra nứt, nghiêng cho các hộ bên cạnh…
Dân khổ vì vênh chính sách
Cơ chế "một cửa, một cửa liên thông" trong giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân tại các cơ quan quản lý hành chính áp dụng theo Quyết định 93/2007/QĐ-TTg của Chính phủ sau 5 năm thực hiện đã cho thấy không ít bất cập nảy sinh do các quy định chưa phù hợp, mà cán bộ và người dân "kêu" hoài vẫn chưa có chuyển biến. Như thủ tục đăng ký kết hôn, khai sinh có quy định ký sổ hộ tịch, trong khi đó, sổ này phải được bộ phận tư pháp lưu trữ, bảo quản để sử dụng lâu dài. Nếu thực hiện theo cơ chế "một cửa" thì việc ký sổ sẽ theo hai hướng: Hướng thứ nhất là sổ hộ tịch để ở bộ phận "một cửa" để công dân nhận kết quả và ký sổ hộ tịch tại đó, nhưng như vậy không đúng quy định về lưu trữ sổ, đồng thời kéo theo bất cập trong việc ghi sổ, tra cứu, giải quyết việc cấp các giấy tờ liên quan đến hộ tịch. Hướng thứ hai là để sổ hộ tịch tại bộ phận tư pháp, công dân sẽ phải nhận kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận "một cửa" rồi quay lại nơi lưu trữ để thực hiện việc ký sổ, song như vậy lại không còn là "một cửa" nữa.
Tương tự thủ tục chứng thực chữ ký, chữ ký người dịch cũng gặp "khó" khi áp dụng cơ chế "một cửa". Theo quy định của NĐ 79/2007/NĐ-CP, "người yêu cầu chứng thực phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực", nên khi áp dụng cơ chế "một cửa" sẽ không đáp ứng đúng quy định của nghị định trên (vì không có cán bộ thực hiện chứng thực ở bộ phận "một cửa"), còn thực hiện đúng quy định (của NĐ 79/2007/NĐ-CP) thì người dân sẽ phải qua "hai cửa": nộp hồ sơ và nhận ở "một cửa" rồi đến bộ phận tư pháp để chứng thực. Với công tác chứng thực, quy định phải giải quyết hồ sơ ngay sau khi tiếp nhận. Song, trên thực tế bộ phận "một cửa" tiếp nhận xong còn phải chuyển giao cho phòng chuyên môn thực hiện nên khó bảo đảm thời gian giải quyết như quy định. Nếu giải quyết ngay thì sau khi tiếp nhận, cán bộ sẽ liên tục phải đi lại chuyển hồ sơ từ bộ phận "một cửa" sang phòng chuyên môn. Như vậy sẽ dẫn đến sự ùn tắc ở "một cửa" do công dân phải chờ cán bộ đi chuyển giao hồ sơ.
Từ thực tế này, đã có những đề xuất cử cán bộ tư pháp ra bộ phận "một cửa" để thuận tiện giải quyết các công việc liên quan đến mảng tư pháp. Tuy nhiên, do Quyết định 84/2009/QĐ-UBND của UBND TP.Hà Nội quy định bộ phận "một cửa" sử dụng cán bộ công chức ở chức danh văn phòng - thống kê làm chuyên trách, nên nếu bố trí cán bộ tư pháp ra đó ngồi cũng không đúng quy định. Bên cạnh đó, đối với các thủ tục cấp lại bản chính giấy khai sinh, cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch quy định thời gian giải quyết là ngay sau khi tiếp nhận một ngày, nhưng như hiện nay cũng không hợp lý vì giải quyết thủ tục này cần thời gian xác minh.
Vũ Quang
Theo baoxaydung.com.vn