Thứ ba 14/01/2025 16:49 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Một chốn đi về

11:24 | 21/01/2012

Biên Hòa được biết đến như “miền đất hứa” của nhiều thanh niên thiếu việc làm ở các miền quê phía Bắc cũng như miền Trung. Vì lẽ đó, hàng năm làn sóng nhập cư đến vùng đất này tăng đến chóng mặt. Rồi cứ khi Tết đến, Xuân về mỗi người một nẻo, đùm đùm, gói gói trở về quê hương, thả lại sau lưng bao vất vả, lo toan giữa cuộc sống đời thường. Chẳng thế mà nhiều doanh nghiệp dùng chiêu thưởng lớn với hy vọng sau Tết công nhân sẽ đến đúng ngày. Năm nay thì không hẳn thế, nhiều người không có điều kiện đành ở lại đón Tết xa quê. Và một mùa Xuân nữa lại đến trong mong manh hy vọng.

Biên Hòa quả là một thành phố lạ. Lạ vì không giống trong suy luận hay tưởng tượng. Tiếng là thành phố công nghiệp nhưng nhịp sống của cư dân đô thị không ồn ã, xô bồ mà trái lại cứ dập dìu, từ từ, nhàn nhã kiểu như thị trấn vùng quê. Mỗi hàng cây, góc phố con đường chẳng đổi thay nhiều so với cả chục năm về trước, ngoại trừ tuyến bờ kè ven sông Đồng Nai  và một số tuyến đường được nâng cấp mở rộng điểm tô thêm vài khu đô thị mới. Cảm nhận hơi thở đô thị về đêm không phải khu dân cư hiệu hữu mà lại là 2 KCN Biên Hòa trong lòng thành phố. Đường rộng thênh thang, cây xanh mướt mát, mơ màng dưới đèn cao áp càng làm cho KCN Biên Hòa 2 giống một đô thị hơn là một KCN. Và từ cái vỏ bọc yên bình bên ngoài ấy, cách đấy không xa là những dãy nhà trọ bình dân - một chốn đi về của hàng ngàn công nhân.

Biên Hòa đêm nay bất chợt mưa, nước xối ào ào trên mái Fibro xi măng, hơi đất bốc lên ngột ngạt, mò mẫm dò đường nhờ chút ánh sáng nhợt nhạt từ chiếc bóng đèn “quả nhót”, tôi tìm đến những khu nhà trọ. “Em ơi, còn phòng cho thuê không?” - Bốn cặp mắt ngơ ngác nhìn tôi. Trong vài giây, tôi nhận ra mình bị hớ to. Ở trong phòng trọ của các hộ dân tự xây, đa phần là công nhân trẻ, có già cũng chỉ 25 tuổi chứ chưa già đến độ U40 như tôi, hơn nữa chiếc áo vét phẳng phiu đã “tố cáo” tôi rồi. Bắt đầu câu chuyện với gia đình người công nhân đầu tiên bằng giấc mơ về khu ký túc xá cho thuê có diện tích 20m2 một phòng, có giá khoảng 8 trăm ngàn một tháng, có nước máy để dùng và có nơi gửi con ngay trong các KCN. Tôi không nhớ hết mình đã nói những gì, chỉ thấy bốn cặp mắt chăm chú lắng nghe, chợt sáng rồi chợt buồn. Anh Hào - 23 tuổi quê ở Vũ Quang, Hà Tĩnh - người đàn ông lớn nhất trong gia đình 5 thành viên gồm một vợ, một con trai 10 tháng tuổi và 2 đứa em bùi ngùi: “3 năm rồi vợ chồng em chưa về, 2 thằng em cũng rứa. Năm ni định về nhưng cả năm lương bổng phập phù, gần Tết dài cổ chờ thưởng, lương vợ chồng em bình thường mỗi tháng được 4 triệu nhưng đợt này việc ít, có tháng nghỉ suốt nên chỉ nhận được gần 3 triệu, gửi con mất 6 trăm, thuê nhà 8 trăm…”. Hào cho biết cả dãy trọ có 8 phòng thì năm nay 7 phòng ở lại. Còn các thủ tục ngày Tết thì “vái vọng” thôi, mong ông bà tổ tiên đại xá chứ tất cả công trình chính phụ nằm gọn trong căn phòng 12m2 lại thêm cái gác xép, thu xếp mãi thì cái bàn thờ cũng chỉ bằng khổ giấy A3 là “tín” lắm rồi. 

Đến dãy nhà trọ khác, cô gái 20 tuổi tên Bích quê Thạch Thành, Thanh Hóa khóc thút thít “cháu vào đây theo mấy anh chị cùng làng độ gần Tết năm ngoái, đợt trước không về vì nghĩ dồn đến năm nay về một thể, nhưng mà về thì tốn lắm. Nhắc Tết cháu nhớ nhà quá nhưng ở đây không có mùa đông nên đỡ nhớ hơn”. Mới sụt sùi một tí, Bích lại toe toét cười khoe cái sự may mắn của mình: “Buồn thì buồn thật nhưng còn may chán cô ạ, cháu đi làm ở Cty nhang của Trung Quốc, hơn một năm dồn được 4 triệu rồi nhé, mua được chỉ vàng cô nhỉ”. Nói về đời sống và mọi khoản chi phí, Thanh - 21 tuổi ở cùng phòng với Bích nhanh nhẩu: “Trước khi đi Bích đã có mối tình đầu ở quê nhưng thằng đó dọa năm nay không về thì năm sau nó đi lấy vợ. Ở đây cũng chả có ai hơn, em có người yêu nhưng chỉ yêu thế thôi. Cũng làm công nhân như bọn em, thi thoảng lại cà phê quán xá, đợt này việc ít chán đời đâm rượu chè, em nói mãi không được. Bọn em xác định rồi, đi làm kiếm ít tiền về quê lấy chồng thôi”.

Chưa đến 10 giờ đêm, dòng người trên đường phố đã thưa thớt lắm rồi, điện thoại của anh Liêm - Phó phòng quy hoạch Sở Xây dựng Đồng Nai, người đưa chúng tôi dạo một vòng khắp Biên Hòa đổ chuông 5 lần. “Bà xã gọi” - Anh mỉm cười hạnh phúc rồi tạt vội vào cửa hàng bánh ven đường mua 4 cái, 2 cái đưa tôi và đồng nghiệp đi cùng. Đồng nghiệp của tôi thì thào: “Chu đáo quá ha, chắc mua về nịnh vợ đấy, lấy được chồng như thế cũng sướng”. Qua một lớp giấy chiếc bánh vẫn nóng hổi trên tay, tôi miên man nghĩ về hạnh phúc… Gia đình nghèo nên Bích muốn đi làm, dành ít tiền khi về nhà chồng có chỉ vàng làm của hồi môn cho bằng bạn bằng bè. Nhưng cô vẫn sống trong cảnh thấp thỏm giữ tình yêu và trong căn phòng chưa đầy 16m2. 5 cô gái xứ Thanh đong đếm thời gian, toan tính cho riêng mình sợ tuổi xuân vuột mất. Gia đình Hào mong kiếm tiền về quê cất lại căn nhà xiêu vẹo qua bao mùa lũ mà Vũ Quang quê anh nằm trong danh sách một trong những huyện nghèo nhất Việt Nam. Tôi và đồng nghiệp chỉ mong được chiếc bánh nóng hổi do đích thân ông xã mua sau bao đêm đợi chồng bù khú bạn bè về khuya. Trong giấc mơ đêm ở Biên Hòa, những khu phố mới với nhà liên kế, sạch đẹp, rộng rãi, những khu chung cư cao tầng do Sonadezi xây dựng luôn rất gần mà không thực; chung cư cao 18 tầng là nhà ở xã hội do Cty Sơn An xây dựng đang dở dang vì thiếu vốn; đề án nhà ở cho công nhân ở Đồng Nai bắt đầu khởi động; mơ về căn phòng 20m2 có nơi trông trẻ cho thuê với giá 8 trăm ngàn trong KCN để cho những công nhân gắn bó và yên tâm hơn với công việc của mình. Tôi mơ đang ngồi bờ kè ven sông Đồng Nai bên một bờ vai rắn chắc và trong giấc mơ mùi bánh thơm thoang thoảng vẫn lẫn trong mùi đất ẩm ướt…

  

Đang mơ màng, tôi bật tỉnh bởi chuông điện thoại réo vang. Đầu máy bên kia, giọng Bích phấn khởi: “Anh ấy vừa gọi điện cho cháu cô ạ. Anh ấy bảo Tết này khó khăn quá không về cũng được, anh ấy vẫn sẽ chờ!”.

Trung Kiên

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load