(Xây dựng) - Được mùa mất giá là câu chuyện muôn thủa của nông nghiệp Việt Nam. Thế nhưng, với việc tham gia thành lập liên doanh FLC& YAO Vietnam, CTCP Tập đoàn FLC đã tiên phong trong việc mở ra một hướng đi mới, không chỉ cho lĩnh vực đầu tư của chính Tập đoàn, mà còn có thể là cho cả một ngành nông nghiệp.
Bước khởi đầu của FLC – YAO Việt Nam
Ngày 23/10/2014, CTCP Tập đoàn FLC đã ký Thỏa thuận hợp tác toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp với YAO Group (Israel), dưới sự chứng kiến của Đại sứ Israel tại Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Nam Định.
Theo thỏa thuận này, hai bên sẽ cùng nhau góp vốn đầu tư để thành lập Công ty FLC&YAO Vietnam, hoạt động trong lĩnh vực triển khai các dự án về nông nghiệp theo công nghệ Israel ở Việt Nam. Tỉnh Nam Định được dự kiến sẽ là nơi triển khai dự án đầu tiên trong chương trình hợp tác này.
“Chúng tôi rất vui mừng khi hai bên đã đi đến ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện này. Là một doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp, chúng tôi cam kết mang những công nghệ tiên tiến nhất của Israel đến Việt Nam. Tôi tin rằng, thỏa thuận hợp tác này không chỉ có lợi cho YAO và FLC mà còn góp phần thay đổi diện mạo của nền nông nghiệp Việt Nam”, ông Omri Horowitz, Tổng giám đốc YAO Group nói.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Doãn Văn Phương, Tổng giám đốc FLC cho biết, cùng với việc một công ty thành viên là CTCP Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF tham gia đầu tư lớn vào CTCP Nông dược H.A.I, đánh dấu sự tham gia của Tập đoàn vào lĩnh vực này, liên doanh FLC & YAO Vietnam cùng với dự án đầu tư vào Nam Định sẽ là bước đầu tư sâu vào lĩnh vực này của Tập đoàn, trong chiến lược đa dạng hóa hoạt động, đảm bảo mục tiêu phát triển vền vững.
“Chúng tôi tin rằng, sự hợp tác giữa FLC và YAO sẽ đạt được kết quả tốt đẹp, phát triển nhiều dự án về nông nghiệp trong tương lai tại Việt Nam, đem lại lợi ích về nhiều mặt cho cả hai bên, đồng thời thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Israel”, ông Phương nói.
Tại buổi lễ, bà Meirav Eilon Shahar, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Israel tại Việt Nam cũng bày tỏ sự vui mừng khi chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa FLC và YAO, và cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ tối đa cho sự hợp tác giữa hai tập đoàn nói riêng và cho mối quan hệ hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Israel nói chung.
Tìm lối đi cho nông nghiệp Việt
Phát biểu tại buổi lễ, ông Bạch Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, Nam Định luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư nói chung, FLC và YAO nói riêng đến đầu tư kinh doanh tại tỉnh. “Tôi hiểu rằng công nghệ là một giải pháp chính đối với nông nghiệp của tỉnh Nam Định hiện nay. Vì vậy, chúng tôi cam kết tiếp tục ủng hộ và tạo điều kiện tối đa cho chương trình hợp tác này giữa FLC và YAO”, ông Chiến nói.
Trao đổi với báo chí, ông Chiến cho biết, 100 triệu đồng là mức doanh thu bình quân 1 năm cho 1 héc-ta đất nông nghiệp tại Nam Định. Con số này, nếu so sánh với thu nhập bình quân trên 1 héc-ta đất trồng nông nghiệp tại nhiều tỉnh của Việt Nam là khá cao, nhưng nếu chia ra bình quân diện tích đất nông nghiệp trên đầu người là hơn 1 sào ruộng, thì tính ra, mỗi năm, một người dân tại Nam Định chỉ thu về hơn 4 triệu đồng từ nông nghiệp, trong khi phải chịu rất nhiều chi phí như phân bón, giống, gặt… Lý giải cho tình trạng này, ông Chiến cho rằng, đó là hệ quả của 2 vấn đề: thiếu vốn, kỹ thuật và khó khăn đầu ra.
Dù là đất nước nông nghiệp, được ưu đãi nhiều về thiên nhiên, nhưng so sánh với hàng loạt quốc gia khác, kỹ thuật nông nghiệp của Việt Nam lạc hậu tới hàng chục năm. Không khó để lý giải vì sao năng suất thâm canh của Việt Nam rất thấp so với các nước khác, mặc dù được ưu đãi nhiều về thiên nhiên.
Thêm vấn đề khó khăn về đầu ra, bị thương lái ép giá, nông dân Việt Nam đã khó lại thêm khó trăm bề. Tìm hướng ra cho nông nghiệp Việt là phải giải quyết đồng thời bài toán: xây dựng cơ cấu chăn nuôi, trồng trọt con gì, cây gì hợp lý; nâng cao kỹ thuật, nguồn vốn; và xây dựng kênh phân phối đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Hướng đi mới nhìn từ liên doanh FLC & YAO Vietnam
Theo nội dung đã được ký kết, YAO là đối tác chịu trách nhiệm cung cấp kỹ thuật, giải pháp công nghệ nuôi trồng hàng đầu của Israel, cùng quy trình quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm nghiêm ngặt. Đồng thời, đối tác này thông qua hệ thống toàn cầu, cũng đảm bảo toàn bộ đầu ra cho sản phẩm.
Phía FLC chịu trách nhiệm góp vốn. Về địa điểm triển khai cũng như các hỗ trợ về mặt thủ tục hành chính… đã có sự cam kết hỗ trợ từ phía Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định. Trong thời gian ngắn nữa, FLC – YAO Vietnam sẽ chính thức đi vào hoạt động với dự án chăn nuôi lợn, bò thịt, bò sữa và trồng rau trong nhà kính.
Trong bối cảnh người dân cần tìm hướng ra để tăng thu nhập cho chính mình, doanh nghiệp có vốn, có kỹ thuật, đầu ra được đảm bảo… dự án dường như cầm chắc phần thắng. Cuối cùng chỉ là câu chuyện triển khai.
Rõ ràng, Liên doanh FLC – YAO Vietnam đã ngay lập tức giải quyết được rất nhiều vấn đề.
Nam Định có mô hình đầu tư mới giúp người dân tăng thu nhập trên chính mảnh đất của mình. Theo ông Chiến, Nam Định có 75.000 héc-ta đất quy hoạch nông nghiệp. Dự án này nếu triển khai thành công, sẽ là hình mẫu tốt để bà con nông dân tại đây học tập, để từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.
Về phía FLC, tham gia vào liên doanh là cách để đơn vị này bước chân sâu hơn vào lĩnh vực nông nghiệp. Có dự án tốt để triển khai, FLC không chỉ có lợi về mặt hiệu quả vốn đầu tư trực tiếp của dự án, mà một đơn vị thành viên khác của Tập đoàn là CTCP Nông dược H.A.I, đơn vị vốn đã công khai kế hoạch triển khai mô hình này cho khách hàng của mình, cũng sẽ được hưởng lợi nhờ học hỏi được kinh nghiệm, kỹ thuật từ đối tác Israel.
Sau dự án tại Nam Định, FLC tham vọng sẽ nhân rộng mô hình ra các địa phương khác. Điều này có nghĩa là, bước đi hiện nay của FLC sẽ không chỉ là mở lối đi cho chính mình, mà có thể là khởi đầu cho một hướng đi mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
Vân Phương
Theo