Thứ bảy 20/04/2024 09:25 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Mô hình thị trưởng cho chính quyền đô thị?

11:07 | 05/12/2022

Hồi tháng 6 khi thành phố Hà Nội trong giai đoạn chờ có Chủ tịch mới, trên truyền thông và mạng xã hội có nhiều ý kiến bàn luận, nêu mong đợi về những công việc ưu tiên của "tân thị trưởng". Đó đa phần là những việc dân sinh như cải tạo sông Tô Lịch, giảm ùn tắc giao thông, xử lý rác, trồng cây xanh, đảm bảo an ninh trật tự…

Rõ ràng là những vấn đề mà người dân đô thị trông đợi ở lãnh đạo thành phố sẽ khác với người dân nông thôn. Người dân nông thôn sẽ không cần ông chủ tịch tỉnh giải quyết ùn tắc giao thông, mà đó sẽ là những vấn đề như đầu tư hệ thống thủy lợi, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản.v.v…

Dù những vấn đề đặt ra là rất khác nhau, mô hình tổ chức bộ máy hành chính nông thôn và đô thị ở ta lâu nay cơ bản giống nhau. Gần đây, một số thành phố lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM) áp dụng mô hình chính quyền đô thị, nghĩa là có bước cải cách so với trước đó, còn lại các đơn vị hành chính đô thị khác trên toàn quốc vẫn duy trì như cũ.

Mô hình chính quyền đô thị hiện nay đang mang đến làn gió mới và những kết quả bước đầu khi áp dụng tại một số thành phố lớn. Tuy nhiên về cơ chế, chính sách và cách thức quản trị thì các thành phố vẫn tiếp tục có những kiến nghị; đơn cử như TPHCM vừa đưa ra hàng loạt đề xuất mới trong Dự thảo nghị quyết chính sách thí điểm tạo động lực phát triển thành phố (thay Nghị quyết 54/2017 về cơ chế đặc thù).

Trong Dự thảo nghị quyết, TPHCM đề nghị được phân cấp nhiều nội dung về quản lý đô thị, tài nguyên môi trường thuộc thẩm quyền của Trung ương; về tổ chức bộ máy, thành phố xin tự quyết việc tổ chức lại, giải thể, thành lập đơn vị sự nghiệp công; lập Sở An toàn thực phẩm; quyết định số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại xã, phường…

Tại hội nghị đô thị toàn quốc mới đây, đại diện Bộ Nội vụ cho rằng, hiện nay việc phân quyền, phân cấp vẫn chủ yếu "từ trên xuống" theo cấp chính quyền. Mối quan hệ quản lý ngành và quản lý địa bàn lãnh thổ giữa bộ, ngành Trung ương và chính quyền đô thị vẫn chưa rõ về thẩm quyền, trách nhiệm, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền đô thị.

Nhiệm vụ, quyền hạn của quản lý đô thị còn chưa cụ thể và chưa rõ chế độ trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền, của mỗi cơ quan và mỗi cá nhân trong bộ máy chính quyền.

Ngoài ra, cơ chế vận hành bộ máy hành chính đô thị còn bị "cắt khúc" theo từng cấp hành chính trong nội bộ đô thị. Cơ chế điều hành hành chính mang tính tập thể của ủy ban ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của chính quyền đô thị; vai trò, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu (Chủ tịch UBND) chưa rõ ràng.

Mô hình thị trưởng cho chính quyền đô thị?
Bộ Nội vụ đề xuất nghiên cứu kinh nghiệm của các nước về mô hình "Tòa thị chính", "Thị trưởng" ở đô thị cho phù hợp với đặc thù ở Việt Nam (Ảnh minh họa: T.K)

Những vấn đề nêu trên cho thấy sự cần thiết tiếp tục nghiên cứu, đổi mới tổ chức và hoạt động, đề cao vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị.

Đáng chú ý, một trong những giải pháp được lãnh đạo Bộ Nội vụ đưa ra là nghiên cứu kinh nghiệm của các nước về mô hình "Tòa thị chính", "Thị trưởng" ở đô thị cho phù hợp với đặc thù ở Việt Nam.

Nhìn ra thế giới thì mô hình "Tòa thị chính", "Thị trưởng" khá đa dạng, do vậy vấn đề quan trọng nhất là làm sao để "phù hợp với đặc thù Việt Nam".

Ở Trung Quốc, người đứng đầu bộ máy hành chính các thành phố lớn được gọi là thị trưởng, ví dụ như thị trưởng Bắc Kinh, thị trưởng Thượng Hải. Lãnh đạo cao nhất của địa phương là bí thư, còn thị trưởng đồng thời là phó bí thư. Mô hình về cơ bản có những điểm tương tự chúng ta, do vậy việc đi sâu vào nghiên cứu hành lang pháp lý, cơ chế hoạt động… chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề đáng tham khảo.

Ở Mỹ có một số mô hình khác nhau. Thời gian học tại đây, tôi có vài lần ghé thăm tòa thị chính thành phố Portland, bang Oregon, và tìm hiểu về mô hình Ủy ban điều hành của thành phố này.

Có thể hình dung hệ thống chính quyền ở Mỹ gồm bốn cấp độ: Liên bang, Bang, Quận/Hạt, Cơ sở (thành phố, thị xã, thị trấn, làng). Thị trưởng là người đứng đầu các chính quyền đô thị, với ba mô hình tổ chức khác nhau.

Ủy ban điều hành (Commission) là thiết chế do người dân bầu chọn, không chỉ có quyền ban hành chính sách, phê chuẩn ngân sách, mà còn quản lý và giám sát hoạt động của các cơ quan chính quyền. Thị trưởng vừa là thành viên Ban điều hành vừa là người đứng đầu chính quyền thành phố.

Mô hình thứ hai, Hội đồng và Nhà quản lý (Council and Manager). Trong mô hình này, thị trưởng cũng có vị thế ngang với các thành viên hội đồng, là người đứng đầu chính quyền thành phố, và đều do người dân bầu chọn. Thị trưởng có quyền chủ trì các cuộc họp hội đồng, đặt ra nghị trình chính sách nhưng không trực tiếp điều hành hoạt động của chính quyền. Để điều hành mọi hoạt động hàng ngày của chính quyền, hội đồng sẽ thuê một nhà quản lý, thường thông qua hình thức thi tuyển cạnh tranh.

Mô hình thứ ba, phổ biến nhất, là thị trưởng và hội đồng (Mayor and Council). Với mô hình này, thị trưởng được người dân bầu chọn riêng, chịu trách nhiệm điều hành mọi hoạt động của chính quyền. Thị trưởng không được tham gia hoạch định chính sách nhưng có thể phủ quyết chính sách do hội đồng thông qua. Đây là căn nguyên cho những bất đồng giữa thị trưởng và hội đồng, có thể ảnh hưởng đến mức độ thành công của các chính sách.

Xét tổng thể, thị trưởng ở Mỹ là người đứng đầu bộ máy chính quyền địa phương ở cấp thấp nhất, có nhiệm vụ giải quyết các vấn đề dân sinh hàng ngày như giao thông, y tế, giáo dục, vệ sinh... Họ cũng quản lý các chương trình sử dụng ngân sách được cấp bởi chính quyền Bang hoặc Liên bang, như: phát triển kinh tế, an ninh nội địa, nhà ở... Đặc biệt, thị trưởng được quản lý các loại thuế và lệ phí thu tại địa bàn như: thuế tài sản, thuế thu nhập, thuế kinh doanh, thuế du lịch, và sử dụng để phục vụ các chương trình kinh tế - xã hội tại địa phương.

Sự tập trung quyền lực vào vị trí Thị trưởng giúp họ có thể tập trung cho các ưu tiên chính sách, kết nối được các đơn vị hành chính để cùng giải quyết vấn đề có liên quan đến nhau. Các chương trình, nhất là chương trình Liên bang, chẳng hạn như giáo dục, nhà ở, y tế vốn được thực hiện bởi các đơn vị riêng rẽ thì có thể kết hợp với nhau theo hướng tối ưu nhất.

Kết quả giải quyết công việc cụ thể là cơ sở để đánh giá hiệu quả hoạt động của thị trưởng. Có nghĩa, thị trưởng phải đối diện và nhanh chóng xử lý các vấn đề nóng bỏng nảy sinh hàng ngày, chứ không chỉ quan tâm đến các vấn đề chính sách mà họ đề ra. Thực tế này đòi hỏi thị trưởng phải có khả năng quản trị, tức là huy động và phát huy được nguồn lực từ các chủ thể khác nhau trong cộng đồng để ứng phó với các vấn đề dân sinh hàng ngày.

Trên góc độ nghiên cứu khoa học, có thể nói "Tòa thị chính", "Thị trưởng" là mô hình quản trị hiện đại, coi trọng sự tham gia và đối thoại tích cực với người dân; giúp tinh gọn bộ máy, gia tăng trách nhiệm giải trình, và phản ứng nhanh hơn, chính xác hơn với những vấn đề dân sinh hàng ngày.

Mô hình thị trưởng nhấn mạnh hơn tính tự chủ, tự quyết, và tự chịu trách nhiệm với hoạt động của người đứng đầu. Điều này khi áp dụng vào bối cảnh nước ta hiện nay thì cần nghiên cứu mối quan hệ giữa thị trưởng với các cấp có thẩm quyền và các tổ chức chính trị - xã hội theo quy định hiện hành; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và thiết lập cơ chế tương tác hữu hiệu hơn giữa thị trưởng và người dân.

Khi phạm vi thẩm quyền của thị trưởng được quy định rõ ràng sẽ giúp họ có khả năng linh hoạt tự quyết định trong địa bàn phụ trách.

Như đã nêu ở trên, các mô hình "Tòa thị chính", "Thị trưởng" rất đa dạng, vấn đề của chúng ta là nghiên cứu mô hình phù hợp với đặc thù Việt Nam. Trong quá trình này, rất nhiều vấn đề sẽ phải làm rõ, ví dụ như tiêu chí với thị trưởng, hình thức bầu cử, bổ nhiệm hay tuyển chọn, nhiệm kỳ và thay thế ra sao…

Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền đã nêu chủ trương hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với các địa bàn đô thị, nông thôn, miền núi, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; giảm cấp chính quyền phù hợp ở một số địa phương; xây dựng mô hình quản trị chính quyền địa phương phù hợp với từng địa bàn, gắn với yêu cầu phát triển các vùng, khu kinh tế… Thiết nghĩ việc nghiên cứu kinh nghiệm của các nước về mô hình "Tòa thị chính", "Thị trưởng" sẽ góp phần tích cực vào quá trình hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với nước ta.

Theo TS Nguyễn Văn Đáng/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load