Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo điều chuyển nguyên trạng Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện Quốc gia (A0) về Bộ Công Thương trong tháng 6/2023.
Về vấn đề này, Bộ Công Thương đã có tờ trình đề xuất hai phương án tổ chức chuyển A0 thành: Đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện trực thuộc Bộ Công Thương; hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện 100% vốn nhà nước trực thuộc Bộ Công Thương.
Bộ Công Thương đề xuất mô hình đơn vị sự nghiệp công lập là phù hợp trong điều kiện hiện nay để đáp ứng mục tiêu chuyển nguyên trạng A0 về trực thuộc Bộ. Tuy nhiên, phương án này cần phải sửa đổi một số quy định hiện hành vì Bộ Công Thương không có chức năng thực hiện việc quản lý và điều hành trực tiếp A0.
Hơn nữa, Bộ này đề xuất cần phải có cơ chế đãi ngộ duy trì được mức lương và phụ cấp hiện tại (bình quân khoảng 40 triệu/người/tháng cho bộ phận trực tiếp sản xuất) để tránh xáo trộn về nhân lực trình độ cao của A0 có thể dẫn đến những rủi ro về vận hành ổn định, an toàn và hiệu quả hệ thống điện, đặc biệt trong thời gian chuyển giao và hoàn thiện mô hình tổ chức.
Các công trình điện gió triển khai trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu (Ảnh: Đức Thanh). |
Bộ Nội vụ đề xuất chọn mô hình công ty TNHH MTV với lập luận chính: Mô hình doanh nghiệp chỉ thay đổi về đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, lại phù hợp với lộ trình tái cơ cấu và thị trường hóa ngành điện lực tại Quyết định số 168/QĐ-TTg ngày 7/2/2017. Với mô hình doanh nghiệp, A0 sẽ có điều kiện thu hút nguồn nhân sự chất lượng cao trong khi điều này rất khó thực hiện với mô hình đơn vị sự nghiệp công lập.
Ngày 21/6, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang kết luận: Bộ Công Thương hoàn thiện đề án chuyển A0 thành Công ty TNHH MTV trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2023 và tăng cường giám sát A0 cho đến khi hoàn thành việc chuyển A0 về Bộ này.
Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng việc tách A0 khỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là chủ trương đúng đắn, phù hợp với lộ trình thực hiện thị trường điện (TTĐ) đã đề ra và với thông tin mới đây của Chính phủ về việc sớm triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Theo kinh nghiệm quốc tế về thiết kế TTĐ, với chức năng vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện, A0 cần độc lập và không vì lợi nhuận dù là đơn vị sự nghiệp công lập hay doanh nghiệp. A0 độc lập không trực thuộc thành viên tham gia thị trường là EVN và phi lợi nhuận sẽ giúp tránh được những xung đột lợi ích, hành xử không công bằng, không minh bạch cho tất cả những thành viên tham gia cạnh tranh trong thị trường điện.
Trong việc điều chuyển, giám sát A0, Chính phủ đề ra các mục tiêu là đảm bảo "hoạt động điều độ hệ thống điện quốc gia phải liên tục, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu vận hành an toàn, tin cậy, giữ vững an ninh năng lượng cho đất nước", cũng như "công khai, minh bạch, khai thác vận hành tối ưu, cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân". Các yêu cầu này là mục tiêu chung của một cơ cấu quản trị (governance) chuỗi cung ứng sản xuất truyền tải, phân phối và bán lẻ của ngành điện hay TTĐ.
Cụ thể hơn, quản trị TTĐ bao gồm hệ thống pháp quy, cơ cấu tổ chức quản trị và vận hành TTĐ để đảm bảo mục tiêu đã đề ra như minh họa trong sơ đồ dưới đây. Theo đó, các văn bản quy phạm pháp lý ngành điện lực bao gồm các luật và quy định điện lực, luật hóa và quy định cụ thể mục tiêu thị trường điện, cơ cấu tổ chức quản trị thị trường điện và nhiều quy định cụ thể liên quan đến các hoạt động điện lực và thị trường điện.
Cơ cấu tổ chức quản trị TTĐ thường tách bạch các quyết định về chính sách năng lượng nhà nước, điều tiết và vận hành TTĐ. Cơ cấu này thường gồm: cơ quan quản lý và lập quy định TTĐ, cơ quan điều tiết TTĐ, cơ quan vận hành TTĐ (thường kiêm cả vận hành hệ thống điện tùy theo thiết kế), các hội đồng và ủy ban chuyên môn, cố vấn khác.
Không có mô hình tổ chức quản trị TTĐ duy nhất nào có thể áp dụng cho mọi TTĐ. Mô hình quản trị có thể áp dụng cho mỗi nước tùy thuộc vào hoàn cảnh, đặc điểm cụ thể của hệ thống điện, năng lực quản lý và nhiều yếu tố khác. Chẳng hạn, với thị trường điện Singapore có quy mô sản lượng điện tiêu thụ hàng năm bằng khoảng một phần tư so với Việt Nam, các chức năng quản trị nêu trên hầu như được tập trung quản lý thực hiện bởi một đơn vị công lập là Cơ quan Quản trị Thị trường năng lượng EMA (Energy Market Authority), thuộc Bộ Công Thương.
Thị trường điện quốc gia Úc (NEM) với quy mô tương đồng như Việt Nam tách bạch các chức năng quản trị này thành các đơn vị độc lập và phi lợi nhuận. Cơ quan vận hành thị trường năng lượng Úc AEMO (có các chức năng chính tương đồng như A0) là công ty TNHH có cấu trúc sở hữu: 60% nhà nước gồm chính phủ liên bang, các bang, và 40% từ các thành viên là các công ty, tổ chức thuộc các khâu chức năng sản xuất, truyền tải, phân phối, bán lẻ. AEMO vận hành trên cơ sở "người dùng trả phí", phục hồi chi phí hoạt động thông qua việc thu phí từ các thành viên tham gia của ngành công nghiệp năng lượng.
Đối với ngành điện Việt Nam hiện tại, ngoài A0 các chức năng quản trị còn lại được phân công cho các cơ quan khác nhau thuộc Bộ Công Thương. Trong đó, Cục Điều tiết Điện lực đóng vai trò then chốt trong việc hoàn thiện hệ thống quy định thị trường điện cạnh tranh, thiết kế phát triển các cấp độ thị trường điện, cải cách hành chính như bãi bỏ thủ tục, cắt giảm điều kiện kinh doanh cho hoạt động kinh doanh điện lực, xây dựng biểu giá bán lẻ điện và các hoạt động điều tiết điện lực khác.
Như vậy, nếu hiểu mục tiêu "an ninh năng lượng", tức tin cậy theo thuật ngữ ngành điện là giữ cho nguồn cung liên tục, ổn định, tránh cắt điện trong ngắn hạn và đảm bảo an ninh năng lượng, đủ nguồn cung ứng cả về công suất lẫn sản lượng trong dài hạn, một mình A0 với chức năng "vận hành" ngắn hạn của mình không thể hoàn thành mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng. Đây phải là trách nhiệm chung của toàn bộ cơ cấu quản trị TTĐ.
Trong đề xuất phương án điều chuyển A0 nêu trên, Bộ Công Thương và Bộ Nội vụ đồng thuận cần có cơ chế tạo điều kiện thu hút nguồn nhân sự chất lượng cao. Tôi cho rằng Chính phủ cần rà soát để có giải pháp đồng bộ cho toàn bộ cơ cấu quản trị thị trường điện và phân bổ các nguồn lực cần thiết như thẩm quyền, tài chính, chính sách đãi ngộ về nguồn nhân lực cho các cơ quan này để đảm bảo an ninh năng lượng cũng như các mục tiêu quan trọng khác của ngành điện.
Bởi lẽ, nếu không có cơ cấu tổ chức quản trị phù hợp và nguồn nhân lực đảm bảo đủ nguồn cung ứng dài hạn, bao gồm quy hoạch, thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch nguồn và lưới điện thì câu chuyện thiếu điện sẽ vẫn còn đó.
Nếu không có đội ngũ chuyên viên, chuyên gia am hiểu để thiết kế, thực hiện thị trường điện; xây dựng, cập nhật luật và quy định điện lực cho phù hợp với nhiều thay đổi sâu sắc, thách thức khi chuyển dịch tới một tương lai năng lượng bền vững, ít phát thải khí carbon sắp tới, Việt Nam sẽ khó có được một thị trường điện xứng tầm với quy mô rất lớn vào năm 2030, đó là đứng thứ hai trong Đông Nam Á và gấp đôi Úc hiện nay.
Theo Thái Doãn Hoàng Cầu/Dantri.com.vn