(Xây dựng) - Thẩm quyền thẩm định dự án đầu tư, phân cấp công trình điện
Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai gửi tới kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XIII do Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến (văn bản số 208/BDN ngày 26/6/2015). Nội dung kiến nghị: “Tại điểm b, khoản 5, Điều 57 về thẩm quyền thẩm định dự án đầu tư quy định: Dự án đầu tư xây dựng chỉ cần lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật, trường hợp sử dụng vốn Nhà nước ngoài ngân sách thì cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp có trách nhiệm chủ trì thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình xây dựng. Tuy nhiên, tại điểm b, khoản 4, Điều 6 của Nghị định số 32/2015/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng quy định: Dự án đầu tư xây dựng chỉ cần lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật, trường hợp sử dụng vốn Nhà nước ngoài ngân sách do cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư chủ trì thẩm định. Do vậy, đề nghị Bộ Xây dựng sớm có văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện vấn đề trên”. Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng trả lời như sau:
Dự án đầu tư xây dựng chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng (Nghị định 59/CP) là dự án nhóm C. Theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định số 59/CP thì thẩm quyền thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng đối với trường hợp lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật sử dụng vốn Nhà nước ngoài ngân sách được thực hiện như thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở theo phân cấp tại khoản 3 Điều 10 Nghị định 59/CP.
Quy hoạch cấp nước Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL.
Đồng thời Bộ Xây dựng cũng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai gửi tới kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII do Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến (văn bản số 208/BDN ngày 26/6/2015). Nội dung kiến nghị: Để chấn chỉnh công tác quản lý chất lượng công trình điện, đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, quy định phân cấp lại cấp công trình, cụ thể: Đối với công trình cấp III có cấp điện áp từ 1-3KV, cấp IV có điện áp dưới 1KV đang bỏ ngỏ, không có đơn vị quản lý, kiểm tra. Nếu không thì cần phân định trách nhiệm trong tác quản lý chất lượng công trình. Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng trả lời như sau:
Để đảm bảo yêu cầu về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng theo yêu cầu của Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng đã quy định tại Điểm đ khoản 1 Điều 32 “riêng đối với công trình đường dây, trạm biến áp có cấp điện áp từ 35KV trở xuống, công trình cấp IV sử dụng vốn Nhà nước ngoài ngân sách, chủ đầu tự tổ chức nghiệm thu theo quy định của Nghị định này. Chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo về kết quả nghiệm thu nêu trên cho cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp tại Điểm c khoản 2 Điều này để tổng hợp, theo dõi”.
Theo quy định này, đối với công trình đường dây, trạm biến áp từ 35KV trở xuống sẽ do chủ đầu tư tự tổ chức quản lý, kiểm tra và báo cáo kết quả nghiệm thu về Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành (Sở Công Thương) để tổng hợp theo dõi.
Cấy phép xây dựng công trình
Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang gửi tới kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XIII do Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến (văn bản số 208/BDN ngày 26/6/2015). Nội dung kiến nghị: “Việc cấp phép xây cất nhà có ký tứ cận mới đủ điều kiện cấp phép, nhưng trên thực tế có nhiều trường hợp do mâu thuẫn cá nhân nên không ký tứ cận, thì không được cấp giấy phép đã gây khó khăn cho người xin cấp giấy phép. Đề nghị xem xét và có giải pháp phù hợp”. Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng trả lời như sau:
Hiện nay Luật Xây dựng năm 2014 và căn cứ văn bản hướng dẫn không có quy định khi đề cập giấy phép xây dựng chủ công trình phải xin ký tứ cận chủ các công trình lân cận. Việc xem xét những yếu tố liên quan đến các công trình lân cận là thuộc trách nhiệm của cơ quan cấp giấy phép xây dựng.
Quy hoạch cấp nước Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL
Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Cà Mau gửi tới kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII do Văn phòng Chính phủ gửi tới (theo Công văn số 5586/VPCP-V.III ngày 17/7/2015). Nội dung kiến nghị: “Đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng hồ dự trữ nước ngọt tại huyện U Minh hiện đang chờ Chính phủ xem xét kết luận. Theo được biết đang có dự án triển khai dự kiến đưa nước sạch từ sông Hậu về, tỉnh đề nghị Chính phủ xem xét, đầu tư cho tỉnh xây dựng nhà máy xử lý nước sạch tại tỉnh, để xử lý nước thô được dẫn từ sông Hậu về, một phần cung cấp sử dụng nước thô cho sản xuất, một phần sẽ xử lý làm sạch để phục vụ cho nhân dân trong sinh hoạt. Cách làm này giảm chi phí đầu tư so với việc xây dựng Nhà máy xử lý nước sạch tại tỉnh Hậu Giang rồi xây dựng đường ống dẫn về tỉnh Cà Mau cung cấp cho dân sử dụng, đồng thời cũng tránh được các rò rỉ lãng phí và rủi ro khác”. Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng trả lời như sau:
Cà Mau là một trong những tỉnh chịu tác động của biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, ảnh hưởng xấu đến việc đáp ứng nhu cầu cấp nước của địa phương. Liên quan đến lĩnh vực cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bao gồm: Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1581/QĐ-TTg ngày 09/10/2009), Quy hoạch cấp nước Vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL đến năm 2020 (Quyết định số 2065/QĐ-TTg ngày 12/11/2010). Tại các quy hoạch nêu trên đã xác định vị trí, quy mô công suất các nhà máy nước cùng với hệ thống truyền tải nước nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của vùng tỉnh và vùng liên tỉnh, trong đó có tỉnh Cà Mau.
Theo kiến nghị của cử tri tỉnh Cà Mau, đề xuất xây dựng nhà máy nước trên địa bàn mỗi tỉnh và các tuyến ống truyền tải nước thô từ sông Hậu có ưu điểm tạo chủ động cho địa phương về đầu tư phát triển cấp nước và vận hành công trình nhưng có một số hạn chế như sau:
Lưu lượng nước thô phải bao gồm lượng nước theo công suất xử lý của nhà máy nước và phát sinh thêm lượng nước dùng cho bản thân nhà máy; do vậy, nếu xây dựng nhà máy nước tại các tỉnh thì đường ống truyền tải nước phải có đường kính lớn hơn, dẫn đến tăng chi phí đầu tư xây dựng; Hàm lượng cặn của nước thô lớn, gây lắng cặn đường ống, dẫn đến tăng chi phí quản lý vận hành do phải xúc xả, bảo dưỡng thường xuyên. Bên cạnh đó, các thành phần tạp chất trong nước thô khi tiếp xúc với đường ống sẽ dễ gây ra hiện tượng ăn mòn, làm giảm tuổi thọ ống; Nếu dẫn nước thô từ sông Hậu về các tỉnh thì phải xây dựng nhiều nhà máy xử lý nước dẫn đến chi phí quản lý vận hành lớn hơn khi tập trung đầu tư xây dựng nhà máy nước với quy mô vùng liên tỉnh.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang tổ chức lập Quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Báo cáo nghiên cứu khả thi “Dự án cấp nước an toàn vùng ĐBSCL”. Bộ Xây dựng sẽ rà soát, đánh giá hiệu quả về đầu tư, xã hội, môi trường của các giải pháp cấp nước, đồng thời nghiên cứu, xem xét các đề xuất của cử tri tỉnh Cà Mau trong Quy hoạch và Dự án nêu trên.
Báo Xây dựng
Theo