Việc bổ sung quy định Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo nguyên tắc "chọn - bỏ" tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư mới nhất sẽ phá bỏ những rào cản, vướng mắc cho nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam.
Ảnh minh họa
Cuối cùng, Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài đã xuất hiện trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện trình Chính phủ, sau khi được Bộ Tư pháp thông qua vào tuần trước.
Danh mục này gồm 2 nhóm: ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài chưa được tiếp cận thị trường và ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường có điều kiện. Căn cứ điều kiện phát triển kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ và các luật, pháp lệnh, Điều ước quốc tế về đầu tư, Chính phủ công bố Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện của nhà đầu tư nước ngoài. Đáng chú ý, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, danh mục này được xây dựng theo cách tiếp cận "chọn - bỏ".
"Điều này có nghĩa rằng, Luật chỉ quy định những ngành, nghề cấm hay hạn chế, những ngành, nghề còn lại nhà đầu tư nước ngoài được quyền làm", ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh giải thích.
Theo ông Tuấn, phương pháp tiếp cận này sẽ minh bạch, tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư so với các tiếp cận "chọn - cho" trước kia. Nghĩa là Nhà nước chỉ cho phép làm những ngành, nghề được quy định trong luật, ngoài những ngành nghề này, nhà đầu tư sẽ không được làm. Vì thế, ngoài danh mục 2 nhóm ngành trên, nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước.
Cụ thể hơn, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam phải tìm kiếm các thông tin về tiếp cận thị trường từ các văn bản pháp luật của Việt Nam liên quan đến đầu tư - kinh doanh, các cam kết song phương, đa phương của Việt Nam để xác định được cơ hội tiếp cận thị trường.
Qua đó, nhà đầu tư sẽ xác định ngành, nghề đầu tư - kinh doanh thuộc nhóm chưa được tiếp cận hay tiếp cận có điều kiện. Trong trường hợp tiếp cận thuộc nhóm ngành, nghề tiếp cận có điều kiện, nhà đầu tư sẽ tiếp tục căn cứ vào các quy định về điều kiện kinh doanh khác để tiến hành thực hiện các thủ tục đăng ký.
Việc lần đầu tiên công bố Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường, theo một số chuyên gia là bước tiến rất lớn liên quan tới đầu tư khi đã tổng hợp, rà soát toàn bộ các ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật và Điều ước quốc tế về đầu tư, đồng thời bổ sung đánh giá tác động của việc thực hiện chính sách này.
Bởi trên thực tế, việc tìm kiếm các thông tin về tiếp cận thị trường là rất khó khăn do các quy định nằm rải rác ở rất nhiều văn bản. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài thường phải thông qua các công ty luật để tư vấn đầu tư. Hơn thế, trong rất nhiều trường hợp, các cam kết song phương, đa phương của Việt Nam không ghi rõ những ngành, nghề cụ thể.
"Do đó, mới có chuyện nhà đầu tư xin đăng ký với sở kế hoạch và đầu tư ở địa phương nhưng vì không có những căn cứ cụ thể nên cơ quan quản lý lúng túng trong cấp phép. Sở phải gửi công văn đi hỏi ý kiến các bộ, ngành có liên quan. Thủ tục qua lại này thường không cố định, nhà đầu tư không nắm được quy trình và thời gian tuân thủ. Họ thường rất ngại", vị chuyên gia cho hay.
Từ đó, danh mục sẽ góp phần cụ thể hoá và minh bạch hoá các quy định trong hệ thống pháp luật, tạo sự an tâm và tin tưởng của nhà đầu tư ngoại vào môi trường đầu tư – kinh doanh của Việt Nam. Qua đó, sẽ giúp Việt Nam tăng thu hút dòng vốn ngoại trong thời gian tới.
Vì vậy, theo ông Tuấn, đây là một trong những cải cách quan trọng nhất, được đề xuất thực hiện trên cơ sở giải pháp trong Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Theo Đặng Hương/Vneconomy.vn