Không giống như các biến thể MiG-29 khác, MiG-29SMT là máy bay đã được Nga cải tiến triệt để với sức mạnh chiến đấu mới.
Nga gần đây vừa ký kết một hợp đồng với Hiệp hội Hàng không MiG (RAC MiG) để mua thêm 16 máy bay chiến đấu đa năng MiG-29SMT Fulcrum để trang bị cho lực lượng không quân vào năm 2016.
Theo giới truyền thông Nga, thỏa thuận này có giá trị vào khoảng 473 triệu USD, bao gồm cả việc hỗ trợ và thử nghiệm thiết bị trên mặt đất.
Việc đặt hàng mua thêm 16 chiến đấu cơ MiG-29SMT lần đầu tiên được Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yuri Borisov đề xuất hồi tháng 8/2013 để kịp bổ sung cho hợp đồng mua các máy bay chiến đấu MiG-35S Fulcrum-F mới hơn. Mà theo như tuyên bố của Hiệp hội Máy bay Quốc gia Nga (UAC) thì những chiến đấu cơ MiG-29SMT mới sẽ cho phép Không quân Nga duy trì được hoạt động cho các máy bay chiến đấu hạng nhẹ trong kho.
MiG-29SMT - tiêm kích mới trên nền tảng máy bay cũ.
Trong một tuyên bố, ông Borisov nói rằng, thỏa thuận này sẽ cho phép công ty MiG có một tương lai tươi sáng hơn, cũng như tạo ra một điểm khởi đầu tốt hơn cho việc sản xuất các máy bay chiến đấu mới, còn được biết đến là MiG-35S.
Theo UAC, đơn hàng mua máy bay MiG-35S cho lực lượng Không quân Nga hiện nay đã được lên kế hoạch cho năm 2016. Công ty này dự kiến sẽ sản xuất khoảng 100 chiếc MiG-35S trong một thời gian ngắn để cung cấp cho lực lượng không quân trong nước.
Mặc dù MiG-29SMT đã phục vụ trong Không quân Nga, nhưng đó là những máy bay trong hợp đồng đầu tiên. Họ đã nhận được tổng cộng 28 chiếc như vậy trong giai đoạn 2009 - 2010, tất cả các máy bay này ban đầu được sản xuất cho Algeria nhưng sau khi chúng bị từ chối đã được chuyển lại cho Không quân Nga.
Theo ông Sergei Korotkov, Tổng Giám đốc RAC MiG cho biết, so với các biến thể Fulcrum trước đây, MiG-29SMT đã chứng minh được khả năng hoạt động tốt và được trang bị những hệ thống vũ khí có tầm xa đáng kể để có thể tấn công chính xác cả các mục tiêu trên không cũng như dưới đất.
Sự khác biệt chủ yếu nằm ở bên trong MiG-29SMT và các máy bay họ MiG-29 khác là MiG-29SMT đã được thiết kế mở rộng khoang chứa nhiên liên bên trong, do đó nhìn hình dáng bên ngoài ở vị trí lưng (nơi đặt thùng nhiên liệu) của máy bay bị "gù" lên và rất dễ phân biệt với các biến thể Fulcrum khác. Việc mở rộng thùng nhiên liệu bên trong giúp máy bay tăng gấp đôi bán kính hoạt động (tới 1.550km).
Các hệ thống thiết bị bên trong máy bay cũng đã được cải tiến đáng kể, bao gồm một radar nâng cấp, động cơ nâng cấp, hệ thống điện tử hàng không mới, một buồng lái số hóa, hệ thống định vị cải tiến và hàng loạt vũ khí mới có tầm bắn xa. Theo như các thông tin đáng tin cậy thì lô 16 máy bay MiG-29SMT vừa được đặt hàng hôm 15/4 đều sẽ được chế tạo mới hoàn toàn chứ không phải là đi nâng cấp từ khung thân những máy bay cũ.
Theo baodatviet.vn
Theo