Hoàn lưu bão số 11 đã gây mưa lớn cho khu vực miền Trung. Trong ngày 16-10, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình có lũ lớn gây ngập lụt nghiêm trọng ở nhiều địa bàn dân cư, hàng chục nghìn hộ dân bị nước lũ bao vây, cô lập, giao thông bị chia cắt.
Theo thống kê sơ bộ từ các tỉnh miền Trung đến tối 16-10, bão số 11 đã làm 12 người chết, 7 người bị mất tích, gần 80 người bị thương; hơn 27.000 ngôi nhà bị sập, ngập, hư hỏng; hơn 70 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng; trên 60.000m3 đất đá giao thông bị sạt lở; 46.000m dây điện bị đứt; hơn 150.000 cây xanh, cây ăn quả bị gãy đổ… Ước tính tổng thiệt hại lên tới hơn 1.500 tỷ đồng. TP Đà Nẵng bị nặng nhất, khoảng 870 tỷ đồng, Quảng Nam khoảng 500 tỷ đồng, Quảng Ngãi trên 65 tỷ đồng và tỉnh Thừa Thiên Huế 75 tỷ đồng.
Nước trên sông Ngàn Phố nhấn chìm 19/32 xã của huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Trong ảnh: một cột điện bị nhấn chìm .
Trong ngày 16-10, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại và công tác khắc phục sau bão số 11 tại tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương trước mắt cần tập trung khắc phục hậu quả sau bão, không để người dân không có chỗ ở, thiếu ăn, thiếu mặc; bảo đảm vệ sinh môi trường, không để xảy ra dịch bệnh sau bão lũ. Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương huy động tối đa lực lượng công an, quân đội, đoàn thanh niên ra quân dọn dẹp sau bão, ưu tiên các địa điểm trường học, trạm y tế… giúp nhân dân sớm ổn định sản xuất, đời sống.
Trước những thiệt hại nặng nề do bão số 11 gây ra, ngày 16-10, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã quyết định cứu trợ khẩn cấp bước đầu bao gồm tiền và hàng trị giá hơn 2 tỷ đồng cho Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ngãi.
* Ngày 16-10, Bộ Y tế có công điện gửi tới Sở Y tế các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Kon Tum về việc triển khai công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 11. Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị y tế chủ động triển khai các phương án khắc phục hậu quả do mưa bão, chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm tại những nơi bão đi qua, đề phòng dịch bệnh có thể phát sinh sau mưa bão, lũ như đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, tiêu chảy…
* Ngày 16-10, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, cơn bão số 11 gây mất điện nhiều nơi trên địa bàn TP Đà Nẵng khiến khoảng 80 trạm thu phát sóng (BTS) bị mất liên lạc, nhưng không có trạm nào bị hư hỏng, mạng lưới vẫn hoạt động ổn định do VNPT Đà Nẵng điều động máy nổ hỗ trợ cho các trạm BTS. Ngoài ra, Vinaphone đã điều động cho VNPT Đà Nẵng 20 máy nổ để bảo đảm thông tin liên lạc…
* Ngày 16-10, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết đã khôi phục và duy trì lịch bay như thường lệ tại tất cả các sân bay. Trước đó, do ảnh hưởng của cơn bão số 11 (bão Nari), Vietnam Airlines đã phải hoãn, hủy tổng cộng 22 chuyến bay đến và đi từ sân bay Đà Nẵng và Huế trong ngày 15-10. Trước số lượng hành khách bị ảnh hưởng khá lớn do bão, ngay trong chiều tối 15-10, Vietnam Airlines đã tăng tải (đổi tàu bay lớn và tăng chuyến) trên các đường bay bị ảnh hưởng. Cụ thể, từ 21h30 ngày 15 đến 2h50 ngày 16-10, Vietnam Airlines đã khai thác 10 chuyến bay trên các đường bay giữa TP Hồ Chí Minh/Hà Nội và Đà Nẵng bằng máy bay B777 và A330 với tổng tải cung ứng trên 2.000 chỗ. Bên cạnh đó, Vietnam Airlines cũng bố trí thêm 6 chuyến bay trong ngày 16-10, toàn bộ hành khách đã đặt chỗ trên các chuyến bay bị ảnh hưởng do bão trong các ngày 14 và 15-10 đã được Vietnam Airlines tự động chuyển sang các chuyến nói trên.
* Ông Vũ Đình Rậu, Trưởng ga Hà Nội cho biết: Do ảnh hưởng của cơn bão số 11, gây ngập lụt ở khu vực Quảng Bình nên Đường sắt Việt Nam đã quyết định bãi bỏ chuyến tàu SE19 xuất phát tại ga Hà Nội lúc 19h30 ngày 16-10. Hành khách có vé tàu SE19 chuyển sang đi tàu SE1 chạy lúc 19h30 ngày 17-10; bãi bỏ tàu SE7 xuất phát tại ga Hà Nội lúc 6h15 ngày 17-10. Hành khách có vé tàu SE7 chuyển sang đi tàu SE5 chạy lúc 9h. Hành khách không đi các chuyến tàu trên đến các ga trả lại vé, không phải trừ lệ phí. Đường sắt Việt Nam sẽ tiếp tục thông báo kế hoạch tàu đi và đến các ga để hành khách biết.
Theo Hanoimoi
Theo