Chỉ trong vòng hơn 10 ngày, dải đất miền Trung phải đương đầu với hai đợt mưa lũ lớn nhất nhất trong lịch sử. Thiệt hại của đợt lũ trước chưa khắc phục xong, giờ lại phải đối phó đợt mưa lũ mới… Lũ chồng lên lũ, cuộc sống của hàng triệu người dân miền Trung đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết…
Nhiều nhà người dân tại huyện miền núi Vũ Quang, Hà Tĩnh bị ngập sâu từ 2 – 3m.
Hà Tĩnh: 178 phường, xã bị chia cắt, cô lập…
Liên tiếp từ ngày 14 đến ngày 17/10 mưa lớn liên tục diễn ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã khiến nhiều khu vực ở tĩnh Hà Tĩnh ngập chìm trong nước. Tại huyện miền núi Vũ Quang tính đến chiều 17/10 tất cả 12/12 xã trên địa bàn huyện bị nước lũ cô lập hoàn toàn. Đến trưa 17/10, huyện đã di dời được hơn 5.000 dân đến nơi trú ẩn an toàn hiện các lực lượng đang tìm cách tiếp cận các xã Đức Hương, Đức Giang, Đức Lĩnh, Hương Điền… để tiếp tục sơ tán dân và tải sản đến nơi trú ẩn. Còn tại huyện miền núi Hương Khê tình hình cũng không mấy khả quan hơn, khi hầu hết các xã đều bị ngập chìm trong nước lũ từ 1 - 3m. Tính đến trưa 17/10 huyện Hương Khê đã cứu nạn được hơn 3.000 người thoát khỏi nguy kịch, đồng thời đã tổ chức sơ tán được hơn 10.000 hộ dân đến nơi an toàn.
Mưa lớn không chỉ gây ngập lụt tại các huyện miền núi mà ở các khu vực đồng bằng như: Cẩm Xuyên, Can Lộc, Đức Thọ, TX Hồng Lĩnh, TP Hà Tĩnh… đều cũng chung thảm cảnh bị nước lũ nhấn chìm. Huyện Can Lộc có 23/23 xã bị ngập lũ, đặc biệt có 15 xã bị nước lũ cô lập hoàn toàn. Huyện Cẩm Xuyên vào thời điểm ngày 17/10 đã có 11/27 xã với 30.000 người đã bị nước lũ cô lập, hiện các lực lượng đã sơ tán được 5.000 người đến nơi an toàn.Tại huyện Thạch Hà có 27/31 xã với 10.938 hộ dân bị ngập và cô lập, hiện huyện đã sơ tán được gần 2.000 hộ dân đến nơi trú ẩn. Tại thị xã Hồng Lĩnh, có 1.630 hộ dân với hơn 6.000 nhân khẩu bị ngập nặng, trong đó 3 phường bị chia cắt. Còn tại TP Hà Tĩnh mưa lớn đã làm cho hàng ngàn ngôi nhà, tuyến đường trên địa bàn thành phố ngập từ 0,5 - 2m. Nhiều hộ dân ở các phường: Đại Nài, Văn Yên, Thạch Quý, Tân Giang… rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn do bị bị nước chia cắt. Ngoài ra, mưa lớn còn làm giao thông trên toàn tỉnh bị chia cắt, QL1A, QL8, đường Hồ Chí Minh và đường sắt nhiều đoạn bị hư hỏng nặng và ngập sau từ 0,5 - 1,5m khiến giao thông bị tê liệt. Tính đến chiều 17/10 toàn tỉnh Hà Tĩnh có 8 người chết, 178 xã, phường bị nước lũ chia cắt, cô lập.
Người dân TP. Hà Tĩnh đang khẩn trương đưa tài sản lên nơi khô ráo để tránh lũ.
Nhiều tuyến đường tại TP Vinh ngập sâu trong nước
TP Vinh ngập chìm trong biển nước
Trong những ngày từ 14 đến 17/10 trên địa bàn tỉnh Nghệ An xuất hiện mừa vừa, mưa to, lương mưa phổ biến từ 150 - 300mm, cá biệt ở một số nơi như ở TP.Vinh lượng mưa lên đến trên 600mm. Mưa lớn đã gây ngập úng nặng cho các huyện như Nghi Lộc, Thanh Chương, Diễn Châu, Hưng Nguyên… khiến nhiều xã ở các huyện này bị nước lũ cô lập hoàn toàn. Tại Hưng Nguyên mưa lớn kết hợp với lũ từ thượng nguồn đổ về đã khiến đê Tả Lam đoạn chạy qua xóm 8 xã Hưng Lam xuất hiện vết nứt và sạt lở kéo dài trên 40m. Trước sự cố nguy hiểm trên, để đảm bảo an toàn cho tuyến đê xung yếu này chiều 17/10 các lực lượng tiến hành khắc phục tại chỗ sự cố sạt lở.
Tại TP Vinh mưa lớn gây ngập úng nhiều tuyến đường cũng như nhà dân, các tuyến đường lớn như: Nguyễn Văn Cừ, Lý Thường Kiệt, Trường Chinh, Lê Lợi… đều ngập sâu từ 0,5 - 1m. Nhiều nhà dân ở các phường xã như: Hưng Hoà, Vinh Tân, Đông Vĩnh, Hưng Đông…bị nước lũ cô lập. Các trung tâm thương mại lớn như: Chợ Vinh, Chợ Quang Trung, Chợ Quán Lau…đều bị ngập nước gây thiệt hại lớn về tài sản cho các bà con tiểu thương. Mưa lớn còn làm các hoạt động giao thông bị ngưng trệ, tuyến đường QL1A đoạn chạy qua xã Nghi Liên, TP Vinh bị ngập gần 1m, tỉnh lộ như 537 bi chia cắt hoàn toàn. Theo Thông tin từ văn phòng Ban phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An, tính đến chiều 17/10 tỉnh Nghệ An có 8 người chết, trong đó huyện Nghi Lộc có 3 người (2 người ở xã Nghi Xá, 1 người ở xã Nghi Trường), huyện Thanh Chương 2 người... Toàn tỉnh có 4.363 ha lúa bị ngập, 14.817 ha ngô vụ đông, 1.192 ha lạc, 2.265ha khoai lang 4.806 ha rau màu bị hư hỏng nặng, 3.970 ha thủy sản bị ngập. Thiệt hại ban đầu ước tính lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Khẩn trương khác phụ sự cố sạt lở tại đê Tả Lam, huyện Hưng Nguyên.
Hàng ngàn ngôi nhà ở Quang Bình ngập sâu trong nước lũ
Quảng Bình: Trên 42.000 hộ dân bị ngập
Từ ngày 14 đến ngày 17/10 trên địa bàn các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, TP Đồng Hới… lượng mưa đạt từ 200 - 700mm. Mưa lớn khiến nước sông Gianh, sông Kiến Giang đã vượt mức báo động 3, gây ngập lụt trên 42.0000 hộ dân, trong đó có gần một nửa tổng số hộ dân nói trên ngập sâu trong nước từ 1,5-2m. Đặc biệt tại huyện Lệ Thuỷ mưa lớn kéo dài đã làm ngập 20.000 hộ dân trong đó nhiều nhà hộ dân ngập từ 1 -2m. Mưa lớn còn làm hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Bình bị tê liệt, các tuyến đường tỉnh lộ, QL1A, đường Hồ Chí Minh đều bị hư hỏng nặng. Riêng tuyến đường sắt mưa lũ đã làm hỏng nhiều đoạn từ Ngân Sơn-Minh Lệ, Phúc Trạch-Hương Phố-Chu Lễ. Từ 14 giờ ngày 16/10 đến ngày 17/10 đã có 7 đoàn tàu gồm SE6, TN2, SE2, HN2, SE4, SE8 và VQ2 cùng với gần 2.000 hành khách đã mắc kẹt tại ga Đồng Hới. Để khắc phục tình trạng trên, ga Đồng Hới phối hợp với Sở GTVT Quảng Bình tổ chức chuyển tải hành khách bằng ôtô, mọi chi phí đều được ngành đường sắt miễn phí. Đến 11 giờ ngày 17/10, ga Đồng Hới đã tổ chức 19 xe ôtô vận chuyển hơn 1.300 hành khách từ Đồng Hới đi Vinh (Nghệ An), hơn 500 hành khách theo chiều ngược lại. Tính đến chiều ngày 17/10, tỉnh Quảng Bình có 4 người chết, trên 42.000 ngôi nhà bị ngập và hư hỏng, hàng ngàn ha hoà màu, diện tích nuôi trồng thuỷ sản bị mất trắng...
Sáng 17/10, Thủ tướng Chính phủ có Công điện khẩn số 1864/CDD-TTg, yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo cấp ngay khoản kinh phí do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã quyết định hỗ trợ hai tỉnh Quảng Bình: 100 tỷ đồng, Hà Tĩnh: 100 tỷ đồng. Đồng thời, Cục Dự trữ quốc gia xuất, cấp bổ sung ngay cho hai tỉnh: Quảng Bình 1.000 tấn gạo và Hà Tĩnh 1.000 tấn gạo để kịp thời khắc phục hậu quả mưa lũ. |
Vũ Ngọc Châu - Ảnh: ĐN
Theo baoxaydung.com.vn