Thứ bảy 14/09/2024 08:38 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Miền Trung, 26 người chết và mất tích vì lũ dữ

10:10 | 06/10/2010

Quảng Bình chìm trong nước lũ

Đến 17 giờ chiều 5/10, TP Đồng Hới, Quảng Bình, địa phương cuối cùng của vùng cát bị lũ dữ chia cắt. Nhiều địa bàn ở Minh Hoá, Tuyên Hoá bị chia cắt nhiều ngày qua. 137 xã bị cô lập hoàn toàn, hơn 10.000 người dân nghèo đành phó mặc nhà cửa, tài sản cho mưa lũ, một cuộc di tản tránh lũ chưa từng xảy ra ở mảnh đất này.

Tìm mọi cách, cuối cùng chúng tôi cũng thuê được con đò của một ngư dân để về rốn lũ Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh nơi hơn 1.000 người dân bên bờ sông Nhật Lệ đang chờ từng gói mì tôm cứu đói...

Trong khi đó, thống kê ban đầu đến chiều tối ngày 5/10, mưa lũ khu vực Bắc Trung bộ đã làm 26 người chết và mất tích, trong đó, Quảng Bình: 12 người, Quảng Trị: 3 người, Nghệ An: 7 người, Hà Tĩnh: 4 người. Thiệt hại ban đầu ước tính trên 353 tỉ đồng. Đến chiều tối 5/10, vẫn còn khoảng 1.700 khách đi tàu bị mắc kẹt tại hai đầu Đồng Hới và Vinh.

Hiện vùng áp thấp ở phía nam đảo Hải Nam(Trung Quốc) đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới hầu như ít dịch chuyển hoặc dịch chuyển rất chậm về phía bắc nhưng có khả năng mạnh lên. Ngày 5/10, ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Trung ương - Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có công điện gửi ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi yêu cầu các địa phương chủ động đối phó với áp thấp nhiệt đới.

Dọc đường Hồ Chí Minh, nhiều lều bạt của người dân dựng lên chấp nhận cảnh “màn trời chiếu đất” cầm cự với thiên tai. Tìm mọi cách, cuối cùng chúng tôi cũng thuê được con đò của một ngư dân để về rốn lũ Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh nơi hơn 1.000 người dân bên bờ sông Nhật Lệ đang chờ từng gói mì tôm cứu đói.

Những thiệt hại không thể tính bằng con số; hồ ao tôm cá, gạo lúa hè thu vừa thu hoạch, heo, gà… những tài sản đong đầy mồ hôi và nước mắt của người dân nghèo Quảng Bình bỗng chốc trôi ra biển. “Trắng tay rồi”, Chủ tịch UBND xã Hàm Ninh - ông Hà Xuân Tập nói vậy rồi giấu nước mắt trong mưa lũ. Cầm thùng mì tôm cứu trợ, ông Trần Nhật Quang nghẹn lời: “Gần 80 tuổi rồi, nhưng có khi mô tui gặp cảnh lụt như ri”. Lũ lên quá nhanh lại xảy ra trong đêm tối, nên người dân chẳng biết kêu ai, chẳng biết chạy đi đâu. “Nước vô nhà, mạ con lên giường ngồi, nước lên giường thì kê thêm bàn, nước ngập bàn… cuối cùng ba mạ con leo lên nóc nhà ngồi giữa mưa gió mịt mùng”, bà Nguyễn Thị Hoa ở Hàm Ninh cho biết vậy.

Trời vẫn mưa xối xả, lượng mưa nhiều nơi ở Quảng Bình lên đến 1.500mm, trong lúc đó lượng mưa cả năm ở mảnh đất này chỉ 2.200 đến 2.700mm, vì vậy không lũ lớn mới là chuyện lạ. Suốt hai ngày qua, nhiều người dân Quảng Bình nói rằng: khách đi tàu, đi xe kẹt lại ở đây đông như bộ đội, thanh niên xung phong tập kết ở mảnh đất này những năm đánh giặc, khi Quảng Bình là hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam. Một sự ví von nghe thật lạ.

Mọi tuyến đường qua Quảng Bình đều đã tê liệt; hàng ngàn xe ôtô lưu thông hai chiều Bắc - Nam nối đuôi nằm dài trên QL1A; đường Hồ Chí Minh bị sạt lở và ngập lụt; nhiều đoạn đường sắt qua cung đường Lệ Sơn - Minh Lệ và Thọ Lộc - Ngân Sơn đã bị lũ cuốn trôi mất nền đường, có đoạn ngập sâu hơn 1m trong nước lũ. Vì vậy ba đoàn tàu gồm SE2, SE4, SE8 bị nghẽn tại ga Đồng Hới. Do giao thông tê liệt như trên, nên hàng ngàn nhà dân ở Minh Hoá, Tuyên Hoá, hai huyện miền núi Quảng Bình bị lụt cô lập hoàn toàn. Tại nhiều thôn, bản năm ngày qua, người dân đã phải chấp nhận ngồi trên nóc nhà tránh lũ. Do nước khe suối chảy xiết, nên bo bo, canô, tàu thuyền… của cơ quan chức năng Quảng Bình không thể vào tiếp cận người dân.

Sáng 5/10, UBND tỉnh Quảng Bình đã có công điện khẩn đề nghị Quân khu IV bay vào hai trực thăng để cứu dân...

Huy động trực thăng cứu trợ đồng bào

Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cho biết, vào lúc 13 giờ ngày 5/10, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương và Uỷ ban Quốc gia cứu nạn, cứu hộ điều hai chiếc máy bay trực thăng, 15 xuồng cao tốc, xe lội nước vào giúp Quảng Bình cứu người, cứu tài sản nhân dân vùng ngập lụt nặng ở các huyện Quảng Trạch, Minh Hoá, Tuyên Hoá, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thuỷ. Ngay trong chiều 5/10, hai máy bay trực thăng và đoàn cứu trợ của tỉnh Quảng Bình đã khẩn trương chở hàng cứu trợ như: lương khô, mì tôm, nước sạch đóng chai cho dân trong vùng bị lũ nặng đang bị cô lập. Dự kiến, hai máy bay trực thăng sẽ cố gắng tối đa để thả hơn 1,5 triệu gói lương khô, 15 nghìn gói mì ăn liền, 2,5 triệu chai nước sạch xuống cứu trợ cho dân vùng ngập lụt. Sáng 5/10, UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định trích ngân sách 1 tỉ đồng để giúp đỡ những hộ gia đình bị thiệt hại nặng nề do lũ lụt mua lương thực, thực phẩm. Hội đồng nhân dân tỉnh hoãn họp phiên bất thường vào ngày 5/10 để tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt. Ngành y tế đang tổ chức điều trị các bệnh về đường tiêu hoá, mắt cho nhân dân vùng bị ngập. Tỉnh Thừa Thiên – Huế đang tập trung thực hiện các biện pháp khắc phục; đồng thời đề nghị Trung ương xem xét hỗ trợ khẩn cấp 1.000 tấn gạo; 10 tấn mì tôm để giải quyết cho nhân dân trong vùng bị ngập lụt; 1.000 phao áo phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn và di dời dân; hỗ trợ hai tàu 240CV và bảy canô cao tốc 85CV để làm công tác cứu hộ, cứu nạn...

Mưa lũ tại Bắc Trung bộ cũng làm sạt lở 390.500m3 công trình thuỷ lợi, 303.500m3 công trình giao thông; gây ngập và hư hỏng 638 cầu cống, 31 trạm y tế, 71 trường học, 32 trụ sở UBND xã; gãy đổ 1.858 cột điện trung và hạ thế; 144,4km đường dây điện bị đứt. Thiệt hại ban đầu ước tính trên 353 tỉ đồng.

Tại Quảng Bình, tính đến cuối ngày 5/10, gần 35.000 ngôi nhà bị ngập do mưa, lũ, vẫn còn 81 thuyền/1.291 người chưa vào được đất liền, ngoài ra, còn 14 tàu/105 ngư dân đang bị trôi dạt, mất liên lạc.

Tại Hà Tĩnh có khoảng 18.000 hộ dân bị ngập nước, gần 2.000 ngôi nhà bị sập hoàn toàn. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đề nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh Hà Tĩnh 250 tấn gạo cứu đói.

Tại Quảng Trị, đã có 52 xã, phường của tám huyện, thị xã, thành phố bị ngập lụt với số lượng trên 10.000 hộ dân. Các tuyến đường ở vùng thấp trên địa bàn huyện Hải Lăng, Triệu Phong và ở vùng miền núi Dăkrông, Hướng Hoá bị ngập sâu. Mưa lũ đã làm 48 nhà đổ và xiêu vẹo, hư hỏng. Quảng Trị đề nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh 1.500 tấn gạo.

Tại Nghệ An, hiện lượng mưa đã giảm, nhưng mực nước các sông suối vẫn đang dâng cao vì lượng nước ở thượng nguồn tràn về.

Trên địa bàn Thừa Thiên – Huế đã có 42 điểm sạt lở, trong đó 10 điểm sạt lở trên đường Hồ Chí Minh khiến giao thông bị ách tắc, đoạn đường sắt Bắc – Nam đi qua địa bàn Huế đã ngừng hoạt động. Theo Bộ GTVT chiều 5/10, mưa lũ đã làm ngập 8 điểm QL1 qua Quảng Bình, có nơi ngập sâu hơn 1m gây tắc đường. Trên đường Hồ Chí Minh nhánh tây ở khu vực Quảng Bình đoạn Km0 – Km175 bị sạt taluy tại 40 vị trí với khối lượng ước tính 16.000m3 gây tắc giao thông 10 vị trí.

Theo SGTT

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load