Thứ sáu 29/03/2024 12:35 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Metro số 1 bị rơi gối cầu, sau 8 tháng vẫn chưa tìm được nguyên nhân

09:07 | 26/06/2021

Sau gần 8 tháng kể từ ngày phát hiện sự cố rơi gối cao su đầu tiên ở gói thầu CP2 tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân vụ việc.

metro so 1 bi roi goi cau sau 8 thang van chua tim duoc nguyen nhan
Bêtông bên dưới đường ray bị nứt sau sự cố gối cao su trên dầm cầu cạn thuộc gói thầu CP2 bị rơi hồi cuối tháng 10.2020. Ảnh: Minh Quân

Khẩn trương thuê tư vấn độc lập

Ngày 25.6, Sở GTVT TPHCM đã báo cáo UBND TPHCM về tình hình giải quyết các vấn đề quan trọng trong quá trình triển khai tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), trong đó có sự cố gối cao su ở gói thầu CP2.

Theo Sở GTVT TPHCM, trước đó Ban quản lý đường sắt đô thị (MAUR) đã kiến nghị bổ sung gói thầu tư vấn độc lập thí nghiệm đối chứng và kiểm định chất lượng toàn bộ các gối cầu đã lắp đặt và các đoạn dầm bị hư hỏng ở gói thầu CP2 tuyến metro số 1.

Sở GTVT TPHCM cho biết việc triển khai thực hiện gói thầu tư vấn độc lập đã được Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng thống nhất, do vậy MAUR cần khẩn trương triển khai ngay các thủ tục cần thiết để đảm bảo tiến độ của dự án.

"Do tính cấp bách của sự việc, MAUR cần xem xét các phương án để rút ngắn thời gian lựa chọn nhà thầu. Đồng thời cần đảm bảo việc lựa chọn được nhà thầu tư vấn độc lập có năng lực và được nhà thầu, tư vấn chung NJPT, Hội đồng kiểm tra nhà nước ủng hộ" - Sở GTVT TPHCM khuyến nghị.

metro so 1 bi roi goi cau sau 8 thang van chua tim duoc nguyen nhan
Gối cao su (màu đen) tại gói thầu CP2 tuyến metro số 1 bị xê dịch hồi tháng 4.2021. Ảnh: CVT

Trước đó, Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã có chỉ đạo MAUR tiếp tục chỉ đạo sát sao nhà thầu trong việc thực hiện rà soát lại tình trạng của toàn bộ gối cầu, xác định nguyên nhân và đưa ra giải pháp xử lý phù hợp. Hội đồng kiểm tra nhà nước lưu ý việc thực hiện rà soát phải liên tục, xuyên suốt cho đến khi hoàn thành công tác xử lý.

Theo Hội đồng kiểm tra nhà nước, việc giải quyết dứt điểm sự cố rơi gối cầu ở gói thầu CP2 tuyến metro số 1 là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo công trình vận hành an toàn trong quá trình khai thác.

UBND TPHCM mới đây cũng có chỉ đạo MAUR phối hợp với tư vấn chung NJPT, nhà thầu và các đơn vị có liên quan nhanh chóng giải quyết dứt điểm sự việc gối cầu cao su của cầu cạn ở gói thầu CP2 theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng và tiến độ của dự án. Đồng thời, cần có các biện pháp hạn chế thấp nhất phát sinh thêm sự việc dịch chuyển gối cầu cao su.

UBND TPHCM cũng yêu cầu kiểm tra năng lực, bộ máy tổ chức của tư vấn chung NJPT và các nhà thầu để có biện pháp xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị không đáp ứng được yêu cầu nhằm giải quyết sự việc kịp thời đảm bảo chất lượng và tiến độ của dự án.

Gần 8 tháng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân

Cuối tháng 10.2020, gối cao su dầm cầu cạn tại trụ P14-10 (đoạn ga Công nghệ cao, Thành phố Thủ Đức) của gói CP2 (đoạn trên cao và depot) dự án metro số 1 bị rơi ra ngoài. Việc này khiến đường ray đã lắp phía trên bị hư, mất liên kết với hệ thống đỡ ở dưới; bêtông đệm đường ray ở vị trí này cũng bị nứt.

Trong lúc sự việc đang điều tra, cuối tháng 12.2020 thêm hai gối cầu khác bị lệch khỏi vị trí tại trụ P12-34 (đoạn cầu cạn nằm giữa ngã tư Thủ Đức và Bình Thái). Các hạng mục này đều thuộc gói thầu CP2 do liên danh Sumitomo - Cienco 6 (SCC) làm tổng thầu.

Hồi tháng 4.2021, MAUR cùng các đơn vị liên quan tiếp tục phát hiện thêm 4 gối cao su trên gói thầu CP2 metro số 1 bị xê dịch khỏi đá kê gối 7mm và 11mm không rõ nguyên nhân.

Toàn bộ gói thầu CP2 có tới khoảng 1.168 gối cao su. Nhà sản xuất gối cầu được phê duyệt là tập đoàn Mageba (Hàn Quốc) và Kawakin (Nhật Bản).

Như vậy, đã trải qua gần 8 tháng kể từ ngày phát hiện sự cố rơi gối cao su đầu tiên, đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân vụ việc.

Tuyến metro số 1 có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỉ đồng, dài gần 20km từ Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (Thành phố Thủ Đức).

Công trình hiện đạt hơn 86% khối lượng, dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2021 nhưng do ảnh hưởng dịch COVID-19 và các vướng mắc, trong đó chậm đưa ra nguyên nhân vụ rớt gối cầu nên đến phải đến năm 2022 dự án mới đưa vào khai thác thương mại.

Theo Minh Quân/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load