Thứ sáu 19/04/2024 18:46 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Mèo Vạc (Hà Giang): Khởi sắc từ mô hình Làng văn hóa du lịch cộng đồng Pả Vi

21:56 | 01/07/2021

(Xây dựng) – Phát huy những lợi thế du lịch sẵn có, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã mạnh dạn đầu tư mô hình kinh tế mới với hy vọng sẽ là bàn đạp để thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương. Mô hình Làng văn hoá du lịch cộng đồng Pả Vi gặt hái được nhiều thành công, giúp được bà con cải thiện đời sống. Mô hình này cũng mở ra một hướng phát triển mới, làm “công nghiệp không khói” cho Mèo Vạc.

meo vac ha giang khoi sac tu mo hinh lang van hoa du lich cong dong pa vi
Làng Mông Pả Vi – mô hình kinh tế đột phá “công nghiệp không khói” của Mèo Vạc.

Từ huyện nghèo khó khăn…

Dù cách thành phố Hà Giang chỉ 160km, nhưng để lên được Mèo Vạc cũng mất 5 - 6 tiếng di chuyển bằng ôtô với đường đi khúc khuỷu, quanh co. Ngoài di chuyển bằng xe máy, thì ôtô là phương tiện hữu hiệu nhất để đi lên địa bàn này, không có đường thủy hay đường hàng không. Đi lại khó khăn, cộng thêm không có đặc sản là ruộng bậc thang, nên lâu nay khách du lịch không quan tâm nhiều tới Mèo Vạc.

Mèo Vạc là một trong 62 huyện nghèo của cả nước. Mèo Vạc có tới 80% người dân là dân tộc thiểu số, có tập quán sản xuất lạc hậu, hiệu quả kinh tế không cao. Thiên nhiên ở đây không ưu đãi, nắng nhiều, mưa hiếm, ít nước ngọt. Mèo Vạc nổi tiếng với những vách núi dựng đứng, đất đai khô cằn, sỏi đá, lại rất ít đất sản xuất.

Phát triển kinh tế ở Mèo Vạc vẫn chủ yếu là để xóa đói giảm nghèo. Mèo Vạc đã tập trung vào khuyến nông, xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp như mô hình nuôi trâu bò vỗ béo, chuyên canh lúa chất lượng cao… Năm 2015, Mèo Vạc thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, đến nay giá trị sản xuất nông nghiệp đã đạt được 755 tỷ đồng/năm, nhưng đây vẫn là một con số khiêm tốn.

Năm 2016, từ chủ trương xây dựng làng văn hoá du lịch cộng đồng của tỉnh Hà Giang, Mèo Vạc đã quyết tâm đổi mới bằng cách xây dựng thí điểm mô hình kinh tế mới. Mèo Vạc xác định phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn, với các giải pháp mang tính trước mắt và lâu dài. 5 mô hình làng du lịch văn hoá cộng đồng ra đời đã giúp cho du lịch của huyện có nhiều khởi sắc.

meo vac ha giang khoi sac tu mo hinh lang van hoa du lich cong dong pa vi
Khách du lịch đến với Làng văn hoá du lịch cộng đồng Pả Vi.

Những tuần lễ văn hoá thường xuyên được tổ chức để thúc đẩy du lịch như Lễ hội hoa đào, Lễ hội hoa tam giác mạch, Chợ tình Khâu Vai, Ngày hội văn hóa dân tộc Mông, Festival khèn Mông… Chỉ tính riêng Chợ tình Khâu Vai, mỗi năm đã thu hút khoảng 30.000 lượt khách. Khách quốc tế đến với Mèo Vạc ngày càng nhiều. Hoạt động kinh tế du lịch từ chỗ đạt vài chục tỷ đồng, đến nay, riêng doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống của huyện ước đạt khoảng 130 tỷ đồng/năm. Kinh tế Mèo Vạc không còn là thời kỳ chỉ tính bằng con trâu, con bò, hay tấn thóc nữa, mà nay đã tính bằng trăm tỷ đồng.

…Đến mô hình kinh tế đột phá…

Làng du lịch văn hoá cộng đồng Pả Vi là mô hình kinh tế thí điểm đầu tiên của Mèo Vạc và cũng là mô hình kinh tế gặt hái được nhiều thành công. Làng Pả Vi nằm cách trung tâm huyện Mèo Vạc khoảng 4km trên con đường Hạnh phúc nối hai huyện Mèo Vạc và Đồng Văn. Năm 2019, Làng được đưa vào hoạt động. Làng có tổng diện tích hơn 46.000m2, hiện có 26 hộ tham gia mô hình kinh tế này để khai thác du lịch. Đây là một quần thể nghỉ dưỡng gồm nhiều homestay khác nhau, được kiến trúc theo hình bông hoa đào, một loại hoa nổi tiếng ở Mèo Vạc. Làng giống như những bông hoa đào rực rỡ dưới chân đèo Mã Pì Lèng hùng vĩ và bên dòng sông Nho Quế xanh ngắt, nên thơ ở địa đầu Tổ quốc.

Những homestay được thiết kế theo kiến trúc nhà truyền thống của người Mông. Nhà làm bằng tường đất theo phương pháp trình tường của người địa phương, kiểu nhà 3 gian hai chái, cột kèo bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương hai tầng. Mỗi homestay được bố trí xây dựng trên diện tích khoảng 300m2, có hàng rào bằng đá xếp xung quanh.

Hạ tầng vào làng cũng được đầu tư bài bản. Giao thông nội thôn có bề mặt lát bằng đá, hai bên đường trồng cây đào cảnh quan. Trong làng, có nhà văn hóa thôn, nhà trưng bày theo mẫu truyền thống của người Mông, có khu sân chơi được dùng làm nơi biểu diễn văn hóa, văn nghệ truyền thống. Hiện nay, các hạng mục như bãi đỗ xe, đường giao thông, nhà văn hóa, nhà trưng bày, khu chăn nuôi tập trung và trồng cỏ, khu dịch vụ spa… đã hoàn chỉnh.

Ngoài mặt bằng, đường giao thông thuận tiện, toàn bộ người dân trong làng là đồng bào người Mông. Trong làng, hiện còn một số nghệ nhân nòng cốt. Làng văn hóa không chỉ giúp địa phương bảo tồn, quảng bá văn hoá dân tộc Mông, mà còn là mô hình đại diện cho toàn bộ người Mông nói chung. Ngoài phục vụ khách du lịch, thì nơi này là điểm đến của bà con người Mông để sinh hoạt, thưởng thức và tìm hiểu rõ hơn về văn hóa truyền thống dân tộc mình.

Ông Nguyễn Cao Cường - Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Làng văn hóa du lịch cộng đồng Pả Vi là mô hình kinh tế thí điểm ở huyện với kỳ vọng mang lại đột phá về mặt kinh tế và điểm nhấn về du lịch ở Hà Giang. Năm 2019 khi mới đi vào hoạt động, làng chỉ đón được 15.000 lượt khách, nhưng tới năm 2020 lượng khách đã tăng lên 37.000 lượt. Doanh thu từ chỗ chỉ có 1,5 tỷ đồng, thì năm 2020 đã tăng lên 7,5 tỷ đồng. Từ mô hình làng văn hoá này, Mèo Vạc đã xây dựng được thêm 4 làng văn hoá nữa, hoạt động khá hiệu quả.

…Trải nghiệm dịch vụ “5 sao” giá bình dân

Tuy là làng được thiết kế mang đậm bản sắc văn hoá của người Mông, nhưng dịch vụ du lịch ở đây lại vô cùng đẳng cấp. Từ việc bố trí, sắp xếp buồng phòng, tới việc phục vụ đồ ăn, thức uống, tới việc đáp ứng nhu cầu giải trí của khách đều rất chu đáo và khác biệt. Nếu khách muốn ăn những món ăn đường phố, ngoài chợ… thì đã có hẳn một khu phục vụ riêng. Còn nếu khách muốn được phục vụ theo phong cách Tây, cũng có cả khu vực nướng BBQ để đáp ứng. Khách muốn được ca hát, nhảy múa theo phong tục địa phương, ở đây rất sẵn sàng có những nghệ nhân biểu diễn. Khách còn được tận mắt chứng kiến và trải nghiệm văn hóa địa phương bằng những hiện vật trưng bày và người thực hành tại chỗ. Đặc biệt, ở đây còn có dịch vụ spa rất chuyên nghiệp, cao cấp với những đặc sản địa phương như tinh dầu, lá ngâm…

Với không khí mát mẻ, khu vực này được ví như tiểu khu Đà Lạt ở Hà Giang, khách du lịch tới đây có thể tận hưởng cảm giác dịu mát, hơi se se lạnh giống mùa thu, với những cơn mưa nhẹ và những tầng mây ôm ấp núi lúc nắng lên. Không gian tĩnh lặng đầy hương hoa đồng nội, khi mà xung quanh là những cánh đồng hoa tam giác mạch, hoa cải ngút mắt, hay hoa đào hồng, trắng tới mùa. Ở đây, khách có thể được nghe những bản nhạc gợi tình của người địa phương, cùng những điệu múa quyến rũ, sau khi đã thư giãn ở khu dịch vụ spa. Khách có thể tận hưởng những ly cà phê bên thềm nhà đất sét, nhìn ngắm những đàn bướm bay lượn trong không gian mênh mông, thênh thang của núi rừng. Lãng mạn hơn, khách có thể đặt dịch vụ du lịch đi tới đèo Mã Pì Lèng gần đó, để thả tầm mắt trước sự trùng điệp của núi non, hay du thuyền trên dòng Nho Quế xanh ngắt uốn lượn quanh những vách núi dựng đứng. Để rồi, khi mệt mỏi khách lại trở về với làng Pả Vi, ngả mình trong những căn phòng thơm tho, khác lạ và cũng rất hiện đại ở những ngôi nhà được làm từ đất sét.

meo vac ha giang khoi sac tu mo hinh lang van hoa du lich cong dong pa vi
Dịch vụ “5 sao” giá bình dân ở Làng văn hoá du lịch cộng đồng Pả Vi.

Giá dịch vụ phòng nghỉ ở đây rất bình dân. Chỉ với 300.000 – 400.000 đồng là khách có thể có căn phòng tiện nghi cho 2 người, chẳng khác khu du lịch 5 sao. Đây cũng là lý do khiến ngôi làng này trở nên hấp dẫn du khách.

Chị Vũ Minh Phương, du khách đến từ Hà Nội cho biết: ngủ một đêm ở đây thôi cũng rất sảng khoái, cảm giác ngủ trong những ngôi nhà gỗ và đất sét, lại không phải mở điều hòa rất khác biệt với những căn phòng bê tông đóng cứng, phải bật máy lạnh ở thành phố. Ngôi làng này là một trải nghiệm thú vị với không gian vừa cổ kính, dân giã, nhưng lại rất tiện ích, thoải mái.

Anh Phùng Trung Hiếu, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Cứ tưởng tượng mình như lạc vào một khu làng cổ tích. Ở đây có những ngôi nhà cổ xưa, những vật dụng cổ xưa và những con người sinh hoạt cũng rất cổ xưa. Khi ánh bình minh chiếu xuống lúc buổi sáng, không khí trong veo, không gian yên ả với tiếng gió vi vút và tiếng côn trùng ngái ngủ, cả một bầu không khí lãng mạn với những bông hoa còn ướt sương đêm, rất tinh khôi. Anh đặc biệt thoải mái với việc xông hơi, ngâm nước lá, mát xa tinh dầu bởi những bàn tay mềm mại, kỹ thuật tốt và những nụ cười hồn nhiên của cô gái Mông. Khó có thể tìm thấy nơi nào vừa đẹp, vừa tiện ích, giá lại rẻ như ở nơi này.

Khách du lịch đến nhiều, làng hoạt động hiệu quả, đời sống của bà con được cải thiện, là niềm vui của những người làm quản lý nơi này. Bà Hoàng Thị Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Pả Vi cho biết: An ninh trật tự được thực hiện nghiêm ngặt nên khách du lịch rất yên tâm khi tới đây. Đời sống bà con được cải thiện rõ rệt. Những lao động ở khu vực này đều được đào tạo chuyên nghiệp và được đóng bảo hiểm, có chế độ đầy đủ. Đây chính là bước khởi sắc về phát triển du lịch cho xã Pả Vi nói riêng và huyện Mèo Vạc nói chung.

Mô hình làng văn hoá du lịch cộng đồng dân tộc Mông gắn với xây dựng nông thôn mới ở thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi đã tạo sự đột phá về kinh tế, mang lại môi trường sống và lao động sản xuất tốt cho người dân địa phương, lại bảo tồn được văn hoá dân tộc bản địa. Mô hình này đã được nhân rộng, không chỉ ở Mèo Vạc mà trên toàn tỉnh Hà Giang. Hiện nay, Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông ở Pả Vi đang là điểm đến không thể bỏ qua khi du khách đặt chân đến Hà Giang.

Một số hình ảnh đẹp khác của Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông ở Pả Vi:

meo vac ha giang khoi sac tu mo hinh lang van hoa du lich cong dong pa vi
meo vac ha giang khoi sac tu mo hinh lang van hoa du lich cong dong pa vi
meo vac ha giang khoi sac tu mo hinh lang van hoa du lich cong dong pa vi
meo vac ha giang khoi sac tu mo hinh lang van hoa du lich cong dong pa vi

Mai Thanh – Tâm Bút

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load