Thứ tư 24/04/2024 23:43 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Mekong Connect 2022: Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững

22:42 | 16/11/2022

(Xây dựng) – Chiều 16/11, UBND thành phố Cần Thơ phối hợp cùng các tỉnh trong Mạng lưới liên kết ABCD Mekong (An Giang - Bến Tre – Cần Thơ - Đồng Tháp), Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (Hội DN HVNCLC) tổ chức Họp báo, thông báo về những nội dung có trong Diễn đàn Mekong Connect năm 2022. Ban tổ chức cho biết, Mekong Connect năm 2022 chủ đề “Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững” sẽ diễn ra tại thành phố Cần Thơ từ ngày 23-24/11/2022.

Mekong Connect 2022: Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững
Ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ phát biểu tại Họp báo.

Diễn đàn diễn ra với nhiều nội dung nổi bật được lãnh đạo Mạng lưới liên kết ABCD Mekong, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, cùng Hội DN HVNCLC đưa ra, nhằm tìm ra các giải pháp cho việc phát triển kinh tế, liên kết, tích hợp các nguồn lực để phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Theo đó, Diễn đàn Mekong Connect năm nay bàn về nhiều nội dung như: Nâng chất liên kết - tích hợp; Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Viện, trường và nguồn nhân lực cho kinh tế nông nghiệp; Kinh tế biên mậu; Kinh tế tuần hoàn; Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững; Chuyển đổi số trong nông nghiệp…

Theo kết quả nghiên cứu trong Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL công bố mới đây, cho thấy khu vực Đồng bằng có tốc độ tăng trưởng giảm sâu từ 7,14% trong năm 2019 xuống còn 2,42% trong năm 2020 - thấp hơn đáng kể so với bình quân 2,9% của cả nước. Đến năm 2021 rơi tiếp xuống -0,43%, thấp hơn mức tăng trưởng kinh tế bình quân cả nước (+ 2,26%). Trong đó, năm 2021, cả nước có 9 địa phương tăng trưởng âm, riêng ĐBSCL chiếm tới 6.

Điểm sáng trong phát triển đến từ khu vực nông nghiệp của ĐBSCL, có mức tăng trưởng mạnh (3,4%), cao so với mặt bằng chung của cả nước. Trong đó, xuất khẩu nông thủy sản của vùng đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại cho Việt Nam. Dù vậy, theo các chuyên gia, ngành nông nghiệp không đủ sức vực dậy nền kinh tế vùng ĐBSCL vì khu vực công nghiệp và dịch vụ chiếm tới hơn 70% GRDP của vùng đều tăng trưởng âm.

Do đó, những nội dung được bàn đến trong Mekong Connect 2022 đưa ra được nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL đặc biệt quan tâm, nhằm đưa kinh tế của địa phương mình và toàn vùng tạo động lực mới, bứt phá trong giai đoạn mới sau đại dịch Covid-19, theo tinh thần các nghị quyết của Đảng và Nhà nước mà trọng tâm là quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL 2021 – 2030, tầm nhìn 2050.

Tại Họp báo, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, cho biết: “Theo kết quả nghiên cứu trong Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022 với chủ đề "Chuyển đổi mô hình phát triển và quy hoạch tích hợp" đưa ra thông điệp: ĐBSCL đang đứng trước cơ hội lớn để thay đổi, cần nắm bắt cơ hội, hợp tác để phát triển nhanh nhưng phải bền vững. Điểm sáng lớn nhất của ĐBSCL trong hai năm 2020-2021 là nông nghiệp với kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản của vùng đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại cho cả nước. Trong dài hạn, tăng trưởng và thịnh vượng kinh tế không đến từ nông nghiệp mà đến từ sự chuyển đổi cơ cấu sang công nghiệp và dịch vụ. Vì vậy, nhận diện rõ nét và từng bước tháo gỡ những nút thắt cản trở sự phát triển công nghiệp và dịch vụ của ĐBSCL là điều kiện cần thiết để có thể phát triển vùng đất này.

Đồng thời, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022. Đây như một cơ chế có tính pháp lý từ bên trên, có tiềm năng tạo ra và thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng. Bản quy hoạch này sẽ tác động một cách toàn diện đến nền kinh tế của vùng, đặc biệt đối với chuyển đổi nông nghiệp, hệ thống cơ sở hạ tầng và logistics. Để có thể triển khai những định hướng mới của quy hoạch tích hợp, đòi hỏi nhiều điều kiện có tính tiền đề, trong đó quan trọng nhất là phải thay đổi cơ bản về tư duy và tầm nhìn phát triển; phải xây dựng được thể chế quản trị và liên kết vùng thực chất, có hiệu lực...

Do đó, những nội dung được lựa chọn trong Diễn đàn Mekong Connect 2022 được nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL đặc biệt quan tâm, nhằm đưa kinh tế tạo động lực mới, bứt phá trong giai đoạn mới sau đại dịch Covid-19 của các địa phương và toàn vùng, theo tinh thần các nghị quyết của Đảng và Nhà nước mà trọng tâm là quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050…”.

Tại Diễn đàn Mekong Connect sẽ diễn ra chuỗi sự kiện, như: Lãnh đạo mỗi tỉnh trong ABCD Mekong, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu về 01 dự án liên kết quan trọng nhất mà địa phương dự kiến thực hiện trong năm 2023: giới thiệu tiềm năng, tiến độ, kêu gọi đầu tư; Thảo luận chung, hỏi đáp giữa đại diện 5 tỉnh/thành và cử tọa “Làm thế nào để thực hiện được các hoạt động liên kết tích hợp và đem lại giá trị trong thực tiễn”; Làm thế nào để ứng dụng khoa học kỹ thuật và thực hiện chuyển đổi số đi vào thực tiễn của đời sống kinh tế; Nâng cao vai trò của Viện trường trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực chuyển đổi số cho kinh tế nông nghiệp; Khai thác và phát triển kinh tế biên mậu – An Giang; Phân tích kinh nghiệm thành công của các mô hình thực hành kinh tế tuần hoàn – Bến Tre; Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững và đạt chuẩn cho thị trường trong nước và quốc tế - Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh; Chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân, một số kinh nghiệm – Đồng Tháp.

Đồng thời, tại Diễn đàn Mekong Connect 2022 sẽ diễn ra các hoạt động ký kết hợp tác và liên kết: Ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, các tỉnh ĐBSCL và Thành phố Hồ Chí Minh; Ký kết giữa các tỉnh ĐBSCL và Thành phố Hồ Chí Minh; Trung tâm BSA ký với các tỉnh ABCD MEKONG (xúc tiến thương mại - kết nối thị trường và triển lãm các sản phẩm đặc trưng, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội DN HVNCLC (Thỏa thuận Nâng cao năng lực thực hành tiêu chuẩn và mở rộng thị trường cho Hợp tác xã); Sài Gòn Co.op và Hội DN HVNCLC (Dự án Bàn ăn xanh, nâng cao tiêu chuẩn nông sản - thực phẩm); Công ty CP Vinamit, Mỹ Lan Group và Trung tâm BSA (Sáng kiến “Trung tâm R&D, sản xuất thử và chế biến nông sản”.

“Ngày hội khởi nghiệp – Phiên chợ xanh” diễn ra trong suốt 2 ngày của Diễn đàn, với nhiều hoạt động nổi bật cùng sự tham gia của đội ngũ doanh nghiệp khởi nghiệp trong 8 năm cuộc thi “Khởi nghiệp nông nghiệp – Đổi mới sáng tạo” do Trung tâm BSA (Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp) tổ chức. Trong đó bao gồm các doanh nghiệp từ Mạng lưới liên kết ABCD Mekong và các tỉnh khác ở ĐBSCL. Cùng với đó là chủ thể của OCOP từ 13 tỉnh ĐBSCL và từ Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được chứng nhận OCOP từ 3 sao đến 5 sao. “Ngày hội khởi nghiệp – Phiên chợ xanh” còn có các doanh nghiệp đoạt giải các cuộc thi của Techfest các vùng miền năm 2022; các trường đại học, các đoàn thể của các địa phương trong khu vực ĐBSCL có hoạt động khởi nghiệp mạnh…

Mekong Connect 2022: Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững
Bà Vũ Kim Hạnh thông tin về các sự kiện diễn ra tại Mekong Connect 2022.

Thông tin về Mekong Connect 2022, bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội DN HVNCLC cho biết: “Trước sự kiện chính của Mekong Connect năm nay, chúng tôi liên tục tổ chức những cuộc tọa đàm, hội thảo, trong đó nổi bật là: Tọa đàm về “Phá vỡ bí ẩn kinh tế tuần hoàn”, hay hội thảo bàn về “Ổn định chất lượng, gia tăng giá trị nông sản thông qua việc tuân thủ tiêu chuẩn”. Tại đây sẽ giới thiệu những mô hình thành công trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững. Đây là những mô hình mà các doanh nghiệp, nông dân, bạn trẻ khởi nghiệp của Đồng bằng có thể học hỏi để phát triển trong tương lai. Thực tế, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trên thế giới đã chuyển qua dùng những nguyên liệu từ giấy, gỗ để thay cho những phần sử dụng nhựa của sản phẩm. Bên cạnh đó, còn là vấn đề tiêu chuẩn, chất lượng cho sản phẩm của doanh nghiệp Đồng bằng, muốn đi xa, được thị trường chấp nhận, cần có những “giấy thông hành” đạt chuẩn mới tốt lên được”...

Huỳnh Biển

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load