Lơ ngơ giữa oi nồng của sân bay Merana, tôi lướt nhận dạng biển đón mang tên công ty mình. Người đàn ông nhám đen, râu rậm rịt nhờ trắng tiến đến hoắng chào thân quen:
- Chào bà! Máy bay dạo này hay trễ quá! Chắc bà rất mệt rồi! Để tôi đưa bà về khách sạn ngay! Bà về…
Loáng thoáng giữa chuỗi tiếng Pháp lạo xạo âm thanh Ả rập, tôi vui mừng nhận ra tên khách sạn đối tác đặt phòng:
- Chào ông! Vâng, La Mamounia! Ông làm ơn đưa tôi về khách sạn nhanh đi! Sắp trễ giờ hẹn của tôi!
- Thưa, tôi biết! Tôi biết! Xin bà cứ để tôi xách hành lý!
Một đám đông các dịch vụ đổi tiền, taxi, nước giải khát… lao nhao ùa tới. Ồn ào tiếng trống nhạc của nhóm vũ công biểu diễn chào mừng khách ngoài sân bay. Người đàn ông liếc gật với nhóm người nọ, gạt đám người kia, làm động tác tự nhiên khoác vai tôi kéo xệch đi, miệng không ngớt quát rất to bằng thứ tiếng của họ, có lẽ là «Nước sôi! Tránh ra! Lui ra!». Dù hoảng loạn vì bị kẹp cứng giữa cánh tay nồng thứ mùi thịt cừu đặc trưng xộc thẳng vào mũi, tôi đành phó mặc, mong sao mau chóng thoát ra khỏi sự nhốn nháo đã được cảnh báo trước này.
Chiếc xe màu sữa sứt sẹo gỉ sơn, kính rạn vênh vao trịnh trọng chờ tôi.
Người rậm râu chất valises vào cốp xe, cười cúm rúm :
- Mời bà! Xin lỗi bà! Hôm nay là ngày sinh nhật 80 tuổi của mẹ tôi. Bà ấy từng ở Paris cách đây 5 năm. Không khéo bà cũng từng biết bà ấy đấy. Tôi đã dành chiếc xe sang trọng cho gia đình đưa đón bà ấy. Vâng, ai cũng chỉ có một mẹ! Bà cụ của bà đang ở đâu? Năm nay còn mạnh không…?
Tôi thoáng ngây người trước tấm biển xanh tên công ty mình trên kính chiếc xe sạch sẽ đậu cách đó không xa…Người đàn ông đẩy tôi lên xe anh ta, tiếp tục liến thoắng:
- Chắc lần đầu tiên bà tới Marrakech! Ở thành phố này bà phải tuyệt đối cẩn thận. Người Marrakech (Ma-rốc) còn được gọi là người Arnakech (Ma-xoáy) đấy ạ!
Xe bần bật rộn ràng nổ máy.
- Ông có thể tăng điều hòa lên được không?
- Vâng! Bà cứ tự nhiên xoay móc phía dưới cửa kính trái. Mời bà ngồi dịch sang phải kẻo gió quá. Marrakech cũng bụi bặm ô nhiễm chẳng kém Paris phải không bà? Do cái thành phố quỷ quái này quá nhiều xe cũ và tồi tàn. Mua xe mới phải trả thuế quá cao. Những xe như của tôi đây là tử tế lắm so với nhiều xe taxi khác đấy thưa bà!
Xe ngoạn mục len lỏi áp đảo lạc đà, cam nhông, xe máy… Người tôi chao, lắc, giật theo tay lái.
Xe dừng. La Mamounia huyền ảo chao đảo trước mắt. Người đàn ông bấm, bật công tơ:
- Thưa bà! Xin bà 600 dirhams thôi ạ!
Tôi lúng túng:
- Xin lỗi! Tôi tưởng khách sạn và đối tác đã trả tiền!
- Không đâu ạ! Bà mà đi xe của khách sạn thì giờ này chưa về đến nơi. Tài xế của họ chậm… hơn lạc đà thưa bà!
- Tôi không có tiền dirhams...
- Không sao! Bà có thể trả tiền Euro cũng được. Bà cứ đưa tôi 50 euros là ổn rồi.
- Trời! 50 euros? Cho 5 km ư?
- Vâng, thành phố du lịch mà bà! Chúng tôi sống nhờ khách du lịch. Mọi đầu tư, xây dựng, cuộc sống của chúng tôi đều vì khách cả. Khách là ân nhân của chúng tôi.
Nói thách giá là văn hóa máu thịt của người Maroc. Trả giá - mặc cả cũng là bản năng của người Việt. Chẳng nhẽ là người Vệt mà không biết mặc cả! Tôi liều:
- Tôi chỉ có tờ 20 euros thôi. Nếu ông không nhận thì vào khách sạn gặp đối tác của tôi, người bản xứ cho dễ nói chuyện. Họ sẽ trả cho ông.
Tài xế nhận tờ 20 euros trên tay tôi, vui vẻ xuống xe, mở cửa cho tôi rồi tự động mở cốp:
- Còn chiếc laptop của tôi?
- Lúc ở sân bay, bà chỉ có hai chiếc valises nhỏ này. Bà nhớ xem có quên nó ở đâu không? Vâng tôi đã nói rồi, thành phố này toàn “ma-xoáy”. Những ngày lưu ở đây, bà phải cực kỳ cẩn thận. Nếu cần đi đâu, bà nên gọi cho tôi! Số của tôi đây…
- Ôi, tôi không còn thời gian nữa! Tôi nhớ… không, tôi chả nhớ gì cả! Thôi, thôi ông để cho tôi đi.
Nhân viên khách sạn mặc đồng phục cúi chào, đỡ hành lý từ trên tay tài xế.
Ta có thể không biết đến Maroc, nhưng không thể không biết cái tênn Marrakech. Có thể nói Marrakech giống như đôi mắt to, sắc sảo của người phụ nữ Maroc, mới đầu làm người ta ngần ngại, nhưng càng nhìn lâu vào đôi mắt ấy sẽ càng bị quyến rũ trước vẻ đẹp thăm thẳm và huyền bí. Marrakech không thu hút người đến ngay trong lần thăm đầu tiên bởi cái cảm giác đề phòng đè nặng: Thành phốtai tiếng với các tệ nạn trộm cắp, lừa lọc, chém giết, hối lộ, hàng giả... Hiểu đôi chút về thành phố và con người ở đây, định trước và theo đúng chương trình thăm đã vạch ra thì mỗi điểm đến sẽ là một phát hiện bất ngờ.
Thành phố được chia làm hai khu khác biệt : Guéliz là thành phố mới, được xây dựng bởi người Pháp sau này, mang kiến trúc hiện đại, là trụ sở của các công ty nước ngoài, các ngân hàng và ủy ban hành chính, các hãng du lịch và thương mại cao cấp. Người ta khuyên tôi đừng bỏ qua vườn Majorelle độc đáo có ngôi biệt thự của nhà thời trang vĩ đại người Pháp Yves St Laurent, giống một nhà bảo tàng xinh xắn trưng bày bộ sưu tập tư nhân giá trị của ông. Đại lộ Mohammed V. dài 3 km nối Guéliz và La Medina (thành phốcũ), nơi ngự trị lăng tẩm của bảy vị Thánh, được người dân ở đây tôn sùng là đất Thánh.
Vườn Majorelle nơi có ngôi biệt thự của Yves St Laurent
Ngược về thế kỷ XII, Marrakech lúc bấy giờ là kinh đô cổ Berber dưới các triều đại Almoravides và Almohades nằm trên miền đồng bằng « Haouz », được bao bọc bởi 19 km tường thành màu đỏ xây nên từ cát hồng và vôi nhằm thay thế hàng rào gai để bảo vệ các trang trại đầu tiên của người Almoravide. Những trang trại này gồm các bộ lạc quanh núi Atlas, những du mục của sa mạc Sahara, những bộ tộc châu Phi bại trận và các nô lệ da đen... (Ta có thể nhận thấy người dân của Marrakech ngày nay có màu da đen sậm hơn so với dân các vùng khác của Maroc). Bức tường tượng trưng cho sức mạnh của thành phố với 200 pháo đài vuông, chín cổng thành đồ sộ dẫn vào La Médina, một kiệt tác của kiến trúc thời Trung đại.
Bức tường thành màu đỏ
Đi bộ qua khỏi cổng tường thành, sừng sững ngọn tháp của Thánh đường Hồi giáo Koutoubia, với chiều cao 77 mét, được mệnh danh là tháp Eiffel của Maroc, là một công trình nghệ thuật đẹp nhất Bắc Phi, điển hình của kiến trúc Tây ban nha Hồi giáo (hispano-mauresque). Truyền thuyết kể rằng khi mới được xây, Koutoubia bị chảy máu, màu máu đỏ ngấm lên các tường thành, nhuộm đỏ các địa danh làm nên cái tên «Al Hamra» (Đỏ) và trở thành màu của nền cờ Maroc. Marrakech (tiếng Ả rập là Marakush) cũng là gốc của tên nước Marocco. Tháp được xây bằng những tảng đá hồng với nghệ thuật trang trí các đường viền cong xen kẽ với sơn hoa tiết họa, trạm khắc hình triện tròn. Bốn quả cầu bao quanh đỉnh tháp với quả cầu lớn nhất có chiều ngang 2 mét, là biểu tượng của mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Truyền thuyết cũng kể rằng những quả cầu đó ở trong bằng vàng, có phép màu nhiệm để giữ cân bằng cho toà Thánh đường, được đúc bằng nữ trang của một hoàng hậu đời vua Yacoub el Mansour. Nàng làm việc này để sám hối vì một ngày đã không theo đúng những nguyên tắc của lễ Ramadan.
Thánh đường Hồi giáo Koutoubia
Muốn thấy được vẻ đẹp trọn vẹn lung linh của Koutoubia, phải đợi lúc hoàng hôn buông xuống. Bốn phía của ngọn tháp trạm khắc khác nhau ẩn hiện qua ánh sáng huyền ảo của đêm.
Dọc theo một con đường nhỏ rợp bóng cây với những trái cam vàng trĩu nặng là điện La Bahia (Người đẹp). Sidi Moussa là quan thừa tướng dưới triều đại Moulay Hassan. Phủ điện mang tên người đàn bà được ông sủng ái nhất, là một trong 24 chánh phi của ông, được xây vào năm 1880, kết thúc sau 7 năm là tinh hoa nghệ thuật của những bàn tay thợ giỏi nhất được tuyển chọn kỹ lưỡng trên toàn xứ, tích tụ nguyên vật liệu quý hiếm thời đó, với 160 sảnh điện và khuê phòng, được bao quanh bởi 8 ha vườn xanh tĩnh lặng um tùm nhiều cam, nhài, bách, cọ... Ngoại sảnh được lát bằng đá hoa được chuyển đến từ Meknès, có chiều dài 50 mét, rộng 30 mét, nằm giữa những hàng cột khắc chạm tinh tế, được trang điểm bằng ba bồn phun nước. Nội sảnh được lát bằng đá hoa Ý. Kiến trúc điện mang đậm ảnh hưởng kiến trúc Andalousie được thể hiện qua các mosaic trên các vòm trần, các cánh cửa, duyên dáng, cầu kỳ, sang trọng. Ngoài các khu vườn riêng dành cho bốn người vợ và 24 ái nữ, quan thừa tướng ưu ái cho nàng La Bahia rất nhiều khoảnh vườn thanh nhã nhất và vô số những khuê phòng được trang điểm kỳ công nhất.
Điện La Bahia (Người đẹp)
Do phải mua lại từ từ đất và nhà xung quanh để xây điện nên kiến trúc của điện không có sự thống nhất về tổng thể. Người thăm nhận được sự khác biệt trong cách trang trí giữa các khu vực khác nhau, nơi trang nghiêm đằm thắm, nơi màu sắc vui tươi, có thể là đểchiều theo tâm trạng của các mỹ nữ trong điện.
Rời phủ điện «Người đẹp», lạc trong mê cung của vô số các phố nhỏ với các tường thành rắc rối của các điện, các phủ, các tòa thánh bao quanh Hoàng cung dưới cái nắng nóng của miền sa mạc, hương hồn các vua, các hoàng tử, công chúa sẽ đưa đẩy, hút chân bạn đến lăng tẩm của triều đại Saadiens.
Đây là một di chứng lịch sử của một triều đại chìm trong tội ác, chém giết, đầu độc và phản bội lẫn nhau được xây từ thế kỷ XVI.
Bị bỏ rơi gần hai thế kỷ, phải tới năm 1917, lăng tẩm mới được khám phá và mở cửa đón công chúng. Toàn khu lăng tẩm nằm giữa một khu vườn đầy hoa, là biểu tượng cho thiên đường của Thánh Allah. Tòa mộ chính gồm một sàn riêng được chia làm ba gian bởi những cột đá hoa trắng. Sàn thứ nhất với vòm trần uốn cong được trang điểm bằng nhũ đá trụ trên bốn cột đá hoa xám làm sàn cầu nguyện. Một tháp sáng nhỏ xuyên tường dẫn ánh sáng vào. Mộ vua Ahmed el- Mansour đặt ở sàn giữa cùng các vua kế vị với 12 cột đá hoa (một cân đá thời đó đổi bằng một cân mía). Sàn thứ ba dành cho các hoàng tử chết yểu, các công chúa, hoàng hậu, phi tần... Phía ngoài là các ngôi mộ đá của quân hầu và lính có công với triều.
Trước khi rời La Médina, hãy ghé thăm Quảng trường Jamaâ El Fna được dịch là « Hội tận thế », hay là «quảng trường mất trí nhớ ... ». Nếu là phụ nữ, bạn chớ nên diện váy đầm và chớ đi một mình. Những người đàn ông râu rậm xa lạ rất có thể sẽ sán vào bạn, tốc váy lên và xoay bạn vào một điệu vũ nào đó giữa quảng trường. Người ta kể, ngày xưa, có một tòa Thánh đã bị sụp đổ tại đây trong khi tất cả các ngôi nhà xung quanh còn nguyên vẹn, giống như một sự trừng phạt của Thánh. Thuở ấy, đây cũng là nơi chém và phơi đầu các tội phạm để làm gương. Người đi qua lại quảng trường nặng mùi chết chóc này đều sợ hãi, nỗi sợ hãi ám ảnh vô hình làm cho con người mất tỉnh táo, không còn ý thức được ngay cả mình là ai. Nhưng đây là ngã tư qua lại không thể tránh khỏi đểtới các điểm khác, tới các Souks (tiệm, cửa hàng) nên dần dần quảng trường đã trởthành một cái chợ khổng lồ, trung tâm buôn bán, văn hóa, du lịch của Marrakech. Nơi đây có những người kể các câu chuyện huyền thoại ly kỳ, có những màn biểu diễn dạo lạlùng, tập hợp các sáng tạo độc đáo từ kịch nói đến âm nhạc, thể hiện một cách phong phú bản sắc văn hóa truyền thống. Vào lúc hoàng hôn, khoảng 18 giờ, khách du lịch nếu tới đây lần đầu giật mình khi thấy từ các ngóc ngách của các phố nhỏ đến các đại lộ, từng đoàn người đổ ra đi về hướng của quảng trường. Cuộc sống nhộn nhịp lễ hội của thành phố chỉ bắt đầu lúc này. Những người biểu diễn vui tính, đầy thiện cảm, mời mọc khách xem tham gia vào các màn trình diễn, rủ rê người xem chụp ảnh và trước khi bạn rời bước sẽ năn nỉ đòi bằng được bạn mở ví, với giá bất ngờ!
Khói bếp trắng dày đặc bốc lên nghi ngút từ các quán ăn, ngào ngạt thơm mùi các món lạ làm cho khách thấy bụng đói cồn cào.
Quảng trường Jamaâ El Fna
Là thành phố thủ công, các Souks của La Médina đưa người ta về với những câu chuyện của nàng Sheherazade với vô số các mặt hàng truyền thống mang đậm phong tục của người dân ở đây: Trang phục cổ truyền, đồ trang sức, hàng da làm theo cách thức gia truyền, những tấm thảm kỳ công, đèn làm bằng da cừu...
Muốn tận hưởng không khí trong lành, yên tịnh và sạch sẽ, Marrakech sẽ không phải là điểm đến lý tưởng. Nhưng để tìm hiểu một lịch sử, một sắc vẻ duyên dáng của nền văn hóa, kiến trúc và phong tục đặc sắc thì ta đừng quên thành phố Ma xoáy – Marrakech. Dẫu thành phố có làm ta từng hoang mang, khổ sở khi đến nhưng lúc đi mấy ai không luyến tiếc khoảng thời gian ngắn ngủi không đủ đểkhám phá hết phong tục, vẻ đẹp bí ẩn nơi đây và thầm hẹn sẽ có ngày quay trở lại với thành phố huyền thoại nghìn lẻ một đêm...
Nico
Theo baoxaydung.com.vn