(Xây dựng) - Không những xây dựng trên hành lang thoát lũ, dự án lò giết mổ Cầu Mây còn lộ rõ nhiều vấn đề mập mờ trong các văn bản, giấy tờ pháp lý liên quan.
Công trình xây dựng lò giết mổ trên hành lang thoát lũ Sông Cầu
Ngày 12/12/2013, tại Văn bản số 2645/UBND-TH, UBND tỉnh Thái Nguyên đã chấp thuận chủ trương dự án đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung và chế biến, cung cấp thực phẩm Cầu Mây.
Ngay ngày hôm sau, 13/12/2013, Tại Văn bản số 683/CCTL-KH Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Thái Nguyên đã khẳng định: “Toàn bộ diện tích cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại khu vực xóm Kiều Chinh, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình nằm trong hành lang thoát lũ của sông Cầu” và “Hành lang thoát lũ tại đoạn sông này có bề rộng là 1.396m”.
Theo đó, Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Thái Nguyên cũng đã khuyến cáo doanh nghiệp: “Để công trình xây dựng không gây cản trở dòng chảy, đề nghị Công ty cổ phần Thực phẩm Cầu Mây khi thiết kế cần đảm bảo các điều kiện kỹ thuật, cốt nền xây dựng không vượt quá cao trình tự nhiên: Htk=16.821.”
Căn cứ để Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Thái Nguyên lên tiếng là Quyết định số 1635/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ chi tiết cho các tuyến sông có đê trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 được UBND tỉnh Thái Nguyên ký chưa lâu trước đó, ngày 22/8/2013.
Văn bản khó hiểu của UBND huyện Phú Bình
Mục tiêu quy hoạch được UBND tỉnh Thái Nguyên hướng tới là “tạo hành lang, cơ sở pháp lý công trình và đất đai, làm cơ sở để lập quy hoạch đê điều, lập và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch liên quan khác của các bộ, ngành, địa phương”.
Thế nhưng, như báo Xây dựng điện tử đã phản ánh ở bài viết trước, ngày 18/2/2014, tại xóm Kiều Chinh, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, Công ty cổ phần Thực phẩm Cầu Mây đã tiến hành khởi công công trình lò giết mổ gia súc tập trung đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên. Hoạt động xây dựng sau đó của công ty đã xây dựng kè vượt chỉ giới quy hoạch và đặc biệt là trong hồ sơ thiết kế xây dựng cũng đã bỏ qua cảnh báo về vi phạm xây dựng trong hành lang thoát lũ sông Cầu.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết: Để góp phần thúc đẩy ngành nghề chăn nuôi gia xúc, gia cầm, được đánh giá là một thế mạnh tại huyện Phú Bình, ngày 03/10/2013, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình- ông Hoàng Thanh Giao- đã ký Công văn số 903/UBND-VP gửi các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đề nghị chấp thuận chủ trương cho Công ty Cổ phần thực phẩm Cầu Mây đầu tư Dự án giết mổ gia xúc, gia cầm trên địa bàn huyện Phú Bình.
Điều đáng nói là, ngay tại Văn bản này đã lộ rõ sự khuất tất, nóng vội. Cụ thể là, Văn bản được đề và ký ngày 03/10/2013 (trong đó, ngày 03 được viết tay, còn tháng 10 năm 2013 được in vi tính rất rõ ràng- PV) thế nhưng, trong nội dung văn bản là hàng loạt các căn cứ được hình thành sau thời điểm này.
Đó là: “ngày 30/10/2013, UBND huyện Phú Bình nhận được Tờ trình số 01/TTr-Cty ngày 30/10/2013 của Công ty cổ phần thực phẩm Cầu Mây về việc xin chủ trương Đầu tư Dự án giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên”
Hoặc: “Căn cứ Quyết định số 2401/QĐ-UBND ngày 14/11/2013 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc Bổ sung quy hoạch địa điểm xây dựng cơ sở giét mổ gia súc, gia cầm tập trung…”
Và sau đó còn là: “Căn cứ Thông báo số 267-TB/HU ngày 02/12/2013 của Huyện ủy Phú Bình về việc chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng dự án giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện.”
Đến ngày 29/10/2013 doanh nghiệp mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu
Cũng tại văn bản này vị Chủ tịch UBND huyện Phú Bình đã “vẽ” Dự án nhỏ trở nên rất hoành tráng với số “vốn đầu tư dự kiến lên đến 30 tỷ đồng bằng nguồn vốn của doanh nghiệp” hòng thuyết phục các cơ quan chức năng cấp tỉnh; trong khi đó phía chủ đầu tư khẳng định rằng “tổng kinh phí xây dựng dự kiến gần 12,5 tỷ đồng từ nguồn vốn của Công ty cổ phần Thực phẩm Cầu Mây và vốn vay”?!.
Bên cạnh đó, theo tài liệu mà PV báo Xây dựng điện tử thu thập được thì trên thực tế đến ngày 29/10/2013 Công ty cổ phần thực phẩm Cầu Mây mới chính thức được thành lập theo Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần lần đầu, mã số 4601146226.
Theo Luật Gia Trịnh (534 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội): Sau khi đã nhận kết quả là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì doanh nghiệp bắt đầu tiến hành khắc dấu. Sau 04 ngày làm việc kể từ ngày tiến hành thủ tục khắc dấu thì doanh nghiệp sẽ đến bộ phận trả dấu của cơ quan công an để lấy dấu doanh nghiệp. Chậm nhất là vào cuối cùng của tháng mà công ty cổ phần được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì công ty phải tiến hành nghĩa vụ về thuế cụ thể là thuế môn bài đối với Nhà nước để đi vào hoạt động.
Phân tích về trình tự thủ tục trên cho thấy: Việc Công ty cổ phần thực phẩm Cầu Mây ngày 29/10/2013 mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu, nhưng ngay hôm sau, ngày 30/10/2013 đã có Tờ trình số 01/TTr-Cty gửi UBND huyện Phú Bình về việc xin chủ trương Đầu tư Dự án giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên cũng trở thành điểm bất bình thường bởi theo quy trình thì trong 1 ngày sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không thể vừa hoàn thành khắc dấu vừa nộp thuế môn bài.
Ráo riết bằng những văn bản, giấy tờ nhanh đến không ngờ, nhưng khi triển khai thì lại rất chậm rãi. Sau hơn 5 tháng khởi công công trình mới xây dựng xong một đoạn kè sông khoảng 200m, san lại mặt sân và sửa chữa xong ngôi nhà có từ trước của đội công trình 6- Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng giao thông Thái Nguyên.
Trao đổi với PV báo Xây dựng, ông Dương Nghĩa Định, Chủ tịch UBND xã Xuân Phương cho biết: chủ đầu tư gần đây có nói với lãnh đạo xã về việc không xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại khu vực xóm Kiều Chinh nữa, mà chuyển thành kho đông lạnh và giới thiệu sản phẩm.
"... chủ đầu tư làm thế nào, thì xã đâu có nắm được, vì đó là dự án cấp trên duyệt, xã cũng không có bất cứ loại giấy tờ gì có liên quan đến dự án này."- ông Định giãi bày.
Để tìm câu trả lời, chúng tôi đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Thu Huyền- Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Cầu Mây- thì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này trả lời gọn lỏn: “Tôi không có nghĩa vụ báo cáo với phóng viên”.
Tiếp tục liên lạc với lãnh đạo UBND huyện Phú Bình chúng tôi đều nhận được những lời đẩy đưa trách nhiệm khi ông Chủ tịch huyện yêu cầu PV làm việc với văn phòng trước. Liên hệ với văn phòng chúng tôi được giới thiệu đến Phó Chủ tịch phụ trách. Thế nhưng khi gọi điện hẹn lịch thì bà này lại nêu lý do “Chủ tịch UBND huyện mới là người phát ngôn” để từ chối tiếp xúc với báo chí.
Vậy sự thật về Dự án đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung và chế biến, cung cấp thực phẩm Cầu Mây là gì? Có gì ẩn khuất đằng sau những sự mập mờ kể trên? Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc./
Thái Nguyên Nhân
Theo