Thứ năm 05/12/2024 17:01 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Mạo danh công an, chỉ “buôn chuyện” điện thoại mà lừa được 7 tỉ

09:08 | 26/07/2014

Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50 - CATP Hà Nội) vừa làm rõ nhóm đối tượng lừa đảo tiền tỷ chỉ bằng cách “buôn chuyện” qua điện thoại, bắt giữ hai đối tượng người Đài Loan là Trương Khải Nhạc và Tạ Minh Tu (đang tạm trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội).


Hai đối tượng lừa đảo tại cơ quan công an

Trước đó, công an đã bắt quả tang Trương Khải Nhạc và Tạ Minh Tu đang rút tiền tại cây ATM trên đường Nguyễn Thị Định. Đây được xác định là số tiền hai đối tượng chiếm đoạt của các bị hại bằng cách giả danh cơ quan công an gọi điện thoại đe dọa để lừa đảo. Công an đã thu giữ hơn 300 triệu đồng cùng khoảng 50 thẻ ngân hàng do các ngân hàng Việt Nam phát hành mang tên nhiều người khác nhau.

Bước đầu, công an làm rõ, các đối tượng này móc ngoặc với một số đối tượng người Việt Nam, gọi điện thoại thông báo nợ tiền cước điện thoại hoặc giả danh là công an đang điều tra án để đe dọa, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng sử dụng một phần mềm giả mạo số điện thoại của cơ quan công an để lừa đảo, dụ người bị hại chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để “phục vụ điều tra”.

Khi có cuộc điện thoại đến, các nạn nhân sẽ thấy trên màn hình điện thoại hiện đầu số +83 và các số sau trùng với số điện thoại của một cơ quan công an. Xác minh sơ bộ, công an xác định đã có tối thiểu 7 tỷ đồng bị các đối tượng rút ra từ số thẻ ngân hàng này.

Một trong số những nạn nhân của đường dây lừa đảo này là ông lão 70 tuổi ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Cuối tháng 6/2014, ông lão ở nhà một mình và nhận được điện thoại thông báo đang nợ tiền cước điện thoại là gần 9 triệu đồng. Khi ông thắc mắc, đầu dây bên kia hướng dẫn ông bấm thêm phím số “9” để kết nối tới cơ quan công an để làm rõ.

Nạn nhân làm theo hướng dẫn, đầu dây bên kia là một nam giới nói giọng miền Nam, yêu cầu ông cung cấp số điện thoại di động. Khi số máy của người đàn ông kia gọi đến, trên màn hình điện thoại của nạn nhân hiển thị số gọi đến là (+83) 9231xxx. Để nạn nhân không còn nghi ngờ, người đàn ông nói giọng miền Nam hướng dẫn ông gọi tổng đài 1080 sẽ biết mình đang nói chuyện với ai. Sau khi nghe tổng đài thông tin số điện thoại trên là của một đơn vị công an tại TP.HCM, ông liên lạc lại và được nói chuyện với một “điều tra viên” của “đội điều tra ma túy”.

“Điều tra viên” này nói đang điều tra một đường dây ma túy xuyên quốc gia có liên quan đến ông . Lo lắng, ông làm mọi điều theo chỉ dẫn để chứng minh mình vô can. Nghe ông khai báo về số tiền hơn 700 triệu đồng đang gửi ở ngân hàng, “điều tra viên” đề nghị ông chuyển toàn bộ số tiền trên vào tài khoản của cơ quan công an để “phục vụ việc điều tra”.

Đáng chú ý, “điều tra viên” này yêu cầu ông không được cho ai biết về sự việc, kể cả người thân, để đảm bảo bí mật điều tra. Sau khi chuyển toàn bộ số tiền trên vào tài khoản được “điều tra viên” cung cấp, ông mới giật mình biết mình bị lừa. Nhiều lần gọi lại số máy của “điều tra viên” không được, ông đã đến cơ quan công an trình báo.

Theo cảnh sát, nhóm lừa đảo đã sử dụng phần mềm giả mạo gọi điện. Số điện thoại hiển thị trên màn hình là dấu “+”83, những số sau đó trùng với số điện thoại của một cơ quan công an TP HCM. Khi người bị hại kiểm chứng qua 1080, đã không để ý đến dấu cộng trước số điện thoại. Trong khi thực chất, số điện thoại đúng phải có số 0 ở đầu.

Theo Đặng Kim/baophapluat.vn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load