Những chiếc nơm tre khổng lồ úp ngược lên một mặt phẳng, soi bóng xuống mặt nước. Người thưởng ngoạn trong quán có cảm giác mình đang lạc trong một rừng tre được xếp đặt rất thông minh. Nhìn ra xa, lại là một rừng cây thấp thoáng, toàn cảnh núi sông Dakbla hùng vĩ hiện ra dưới những vòm tre, như có sự tiếp nối của thiên nhiên thoáng đãng, tuyệt vời. Đây là công trình kiến trúc mới bằng chất liệu tre được hoàn thành vào tháng 1.2013 ở Kon Tum của KTS nổi tiếng Võ Trọng Nghĩa.
Ngay sau đó, tạp chí Kiến trúc của Hội Kiến trúc Nhật Bản (Japanese Architecture) đã bình chọn Kontum Indochine Café là một trong 15 công trình kiến trúc thế giới tiêu biểu 2013. Tính độc đáo, mang đậm màu sắc bản địa của tre uốn thành chiếc nơm úp ngược, tính hợp lý của cấu trúc tạo sự lưu thông tự nhiên của gió trời trong quán, việc xử lý tre đạt kỹ thuật tối ưu để công trình tồn tại vĩnh cửu (chứ không phải trong vòng 10 năm như trước đây), tất cả đã giải quyết trọn vẹn bài toán chất liệu tre vốn cực kỳ phức tạp.
Theo Công ty Võ Trọng Nghĩa, công trình Kontum Indochine Café là một phần của tổ hợp khách sạn dọc bờ sông Dakbla tại thành phố Kon Tum. Nằm ngay cạnh cây cầu Dakbla, cửa ngõ vào thành phố Kon Tum, trên diện tích 551m2, công trình vừa là một địa điểm ăn uống của khách sạn, vừa là một phòng tiệc bán ngoài trời chuyên tổ chức lễ cưới.
Công trình gồm hai cụm: Một tòa nhà chính có kết cấu tre với mái lớn phẳng và một nhà bếp phụ trợ làm bằng khung bê tông, xếp đá. Tòa nhà chính hình chữ nhật được bao quanh bởi hồ nước nhân tạo. Mái nhà được phủ các tấm nhựa sợi thủy tinh và lợp mái vọt tự nhiên phía dưới để chống nóng và nhận được ánh sáng tự nhiên cho các không gian chính.
Đặc biệt, mái khu nhà chính được hỗ trợ bởi 15 cụm tre hình nón ngược, được lấy cảm hứng từ nơm úp cá của người dân Việt, nhỏ dần về phía cuối. Cấu trúc này cho phép tối đa hóa gió mát thổi vào khu nhà trong suốt mùa hè, tuy nhiên vẫn có thể chịu được bão lốc thường xuyên xảy ra vào mùa mưa.
KTS Nghĩa cho biết: “Thách thức của công trình chính là phải tôn trọng bản chất vật liệu tre và tạo ra một không gian đặc biệt duy nhất cho tre. Các đặc tính của tre khác với gỗ hoặc thép. Nếu các chi tiết và biện pháp thi công gỗ hoặc thép được áp dụng cho kết cấu tre, thì lợi thế của tre sẽ bị suy giảm. Ví dụ, sử dụng khớp nối thép sẽ làm mất đi lợi ích kinh tế khi sử dụng cấu trúc tre. Hay sử dụng các chốt nối thép sẽ không thích hợp khi kết hợp với vật liệu tre, và có xu hướng bị mất ổn định.
Trong bối cảnh này, chúng tôi ngâm tre trong bùn và hun khói xử lý độ bền, và sử dụng chi tiết công nghệ thấp (dây buộc mây và đinh tre), phù hợp cho các cấu trúc tre. Các cụm tre được lắp đặt tại chỗ trước khi dựng lên để đạt được chất lượng và độ chính xác cao”.
Điểm khác biệt của công trình tre này với công trình nhà hàng ở Mexico, hay ở café Gió và Nước của Nghĩa chính là sự tối giản của quần thể kiến trúc. Lý do, chỉ như thế thì chủ thi công, thiết kế mới có thể quản lý công trình từ xa. Chi tiết kiến trúc đơn giản, mà vẫn không kém phần hiện đại. Toàn bộ phần tre của công trình chỉ tốn 1,2 tỉ đồng. Tre là đặc sản của Kon Tum, lấy đúng chất liệu của vùng đất đó, cộng với ý tưởng nảy ra trong lúc Nghĩa ngồi thiền và giải pháp xử lý tre trở nên bền vững - tất cả đã giúp anh tạo nên một biểu tượng kiến trúc mạnh mẽ, phóng khoáng, thô ráp mà ấm áp của không gian cà phê cao nguyên này.
Dự định, những ngôi nhà bằng tre không chỉ mọc lên ở Hà Nội, Sài Gòn, Sơn La, Kon Tum, mà còn sẽ “phủ sóng” ở khắp đất nước. Gần đây, nhiều nhà đầu tư trong nước đã nhận ra tầm quan trọng của những kiến trúc độc đáo bằng tre Việt nói riêng và kiến trúc xanh nói chung, đã mời Võ Trọng Nghĩa “nhân rộng” những công trình bằng tre khắp nơi như một dấu ấn kiến trúc khó quên.
Theo Laodong
Theo