(Xây dựng) - Ngũ quả là mâm quả không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên, bàn thờ Phật, thánh của người Việt vào dịp Tết Nguyên đán. Người Việt bày ngũ quả là để thể hiện tấm lòng tri ân đối với tổ tiên và cầu mong một năm mới an khang, thịnh vượng, dồi dào sức khỏe, gặp nhiều may mắn. Đồng thời cũng để trang trí ban thờ ngày tết cho đẹp đẽ, ấm cúng.
Cách bày mâm ngũ quả và chọn loại quả để bày thể hiện quan niệm sống, nét đẹp truyền thống, tính chất địa phương, vùng miền khác nhau và cả khiếu thẩm mĩ, sự khéo léo của gia chủ. Tuy nhiên, từ xưa người Việt khi bày ngũ quả đều tuân thủ một số quy tắc sau: Loại quả được chọn bày là loại quả ăn ăn tươi (không bày loại quả dùng chế biến thực phẩm); Màu sắc của quả là những màu rực rỡ, ấm áp thể hiện sự may mắn như màu đỏ, màu xanh, màu vàng... hoặc tuân theo thuyết ngũ hành (năm màu): xanh, đỏ, vàng, đen, trắng tượng trưng cho năm hành tinh: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Ngũ phúc (phú - quý - thọ - khang -ninh).
Quả đem bày thường có vị ngọt nhẹ, thơm, không có mùi nồng, hắc: ngọt thơm (chuối), ngọt mát (lê, táo, thanh long), ngọt chua, nhẹ (cam, bưởi), mùi thơm dịu nhẹ của bưởi, cam, quất, xoài, mãng cầu, dứa...; Quả đem bày là quả trồng trong vườn, hái xuống còn tươi, còn nguyên cuống, lá, không bị sớt sát, dập hỏng; Quả phải được rửa sạch, để ráo, lau khô mới đem bày, thể hiện sự tôn kính đối với tổ tiên.
Mâm ngũ quả của người Việt cũng thể hiện tính chất vùng miền rõ rệt: Người miền Bắc cầu kỳ hơn trong cách bày ngũ quả, thể hiện rõ sự ảnh hưởng của thuyết ngũ hành, đạo Nho. Trong mâm ngũ quả của người Bắc bắt buộc phải có nải chuối. Thông thường là chuối tiêu xanh hoặc chuối ngự. Người Bắc quan niệm đấy là đôi bàn tay nâng đỡ mọi quả khác. Là sự đoàn kết, ấm áp trong gia đình, tình cảm anh em gắn bó, nâng đỡ nhau, cha mẹ bao bọc chở che con cháu; Tiếp đến là bưởi (bòng), phật thủ với quan niệm về sự nâng đỡ của Phật, sự viên mãn tròn đầy.
Đu đủ thể hiện quan niệm về sự no đủ, phúc ấm đầy nhà. Quả trứng gà thể hiện lộc trời ban. Thanh long tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc (rồng mây hội tụ); Dưa hấu, cam, táo ngọt mát thể hiện sự cầu mong sức khỏe dồi dào, tươi tốt. Những quả quất vàng điểm vào màu xanh của chuối, màu đỏ của thanh long, ... thể hiện sự quấn quyết đồng thời làm tăng vẻ đẹp của mâm ngũ quả ngày Tết.
Người miền Trung đơn giản hơn trong cách bày trí ngũ quả. Có lẽ do đặc điểm khí hậu khắc nghiệt nên các loại quả của miền Trung hiếm hơn miền Bắc và Nam. Người miền Trung suy nghĩ cũng giản đơn hơn: có gì dâng ấy. Mâm ngũ quả của người miền Trung là sự giao thoa giữa mâm ngũ quả miền Bắc và miền Nam, chủ yếu là loại quả của địa phương như thanh long, nho, dừa, xoài... với ý nghĩa cầu mưa gió thuận hòa, tươi tốt.
Người miền Nam bộc trực, tư tưởng thoải mái, chịu ảnh hưởng một chút của lối sống Tư bản nên quan niệm về mâm ngũ quả cũng mang tính thực tế hơn. Đó là cách chọn loại quả để bày mang tính chất thể hiện sự cầu lộc nhiều hơn: “Cầu - sung- vừa - đủ - sài”. Theo đó loại quả được bày là (mãng cầu, sung, dừa, đu đủ và xoài). Người Nam quan niệm cầu sức khỏe sung mãn và tiền bạc vừa đủ tiêu dùng. Người Nam không dùng chuối bày ngũ quả vì quan niệm chuối không thanh và đọc chệch âm còn có nghĩa là “chúi” - làm ăn không thuận. Quả quýt thể hiện quan niệm “cam làm quýt chịu”.
Dù quan niệm khác nhau nhưng cách bày trí mâm ngũ quả đều thể hiện ước muốn về một năm mới an lành, yên vui, sức khỏe dồi dào và là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Chọn, bày ngũ quả là lúc ta thấy tâm mình thiện hơn, gần gũi hơn với những người thân đã khuất. Bày một mâm ngũ quả đẹp, đầy đủ những loại quả tươi, ngon không chỉ làm bàn thờ gia tiên ấm cúng, đẹp hơn mà còn giúp ta thấy tâm mình thanh thản hơn, Tết đến vui vẻ hơn.
Lâm Trần
Theo