(Xây dựng) - Với những giá trị khác biệt về chất lượng hoa, về văn hoá, lịch sử và tâm linh, mai vàng Yên Tử đã trở thành biểu tượng cho sự may mắn, tốt lành, bình an và trở thành sản phẩm được nhiều người ưa chuộng trong những dịp Tết Nguyên đán.
Hoa mai rừng Yên Tử.
Chính từ những giá trị khác biệt trên, vài năm trở lại đây, việc trồng mai vàng Yên Tử trở thành nghề “hot” ở thành phố Uông Bí và thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh). Ở xã Thượng Yên Công, phường Phương Đông, phường Vàng Danh ( Uông Bí), xã Bình Dương (Đông Triều), nhiều hộ nông dân đổi mới giống cây trồng, thay thế cây hiệu quả kinh tế thấp bằng cây mai vàng Yên Tử. Tại TP Uông Bí - nơi phát tích giống mai rừng quý hiếm này, thì “nhà nhà trồng mai, người người trồng mai”.
Xuân Đinh Dậu, số lượng mai trồng tại các cụm di tích Yên Tử, rừng quốc gia Yên Tử, trường học, trụ sở cơ quan và trong dân lên tới gần 40.000 cây. Tại khu di tích Yên Tử, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, đơn vị được giao thực hiện dự án phát triển giống hoa mai vàng Yên Tử hiện đã nhân giống và trồng được khoảng 15.000 cây. Khi du khách hành hương đến Yên Tử, những rừng mai nở vàng trông xa sẽ như những vạt áo cà sa trải rộng suốt một vùng, khiến cho Yên Tử vốn đã linh thiêng lại càng thêm huyền bí.
Cán bộ kỹ thuật Công ty CP Phát triển Tùng Lâm chăm sóc hoa, cây cảnh phục vụ Tết.
Ông Phạm Văn Dược, Phó Ban Quản lý di tích Yên Tử cho biết: Mai vàng Yên Tử hình thành mầm hoa khoảng cuối tháng 6 tới tháng 7 âm lịch và đến giữa tháng 11 âm lịch các mầm hoa sẽ ngừng phát triển. Thời điểm cuối năm, mầm hoa rơi vào trạng thái ngủ đông. Vùng núi Yên Tử biên độ khí hậu ngày đêm chênh xa, tiết đông-xuân thường có nhiều đợt rét lạnh và sương muối. Nhiều năm trung tuần tháng 3 (âm lịch), khi nhiệt độ ẩm nên thì hoa mới bắt đầu nở. Do đó, mai vàng Yên Tử thường nở muộn hơn hoa mai vàng miền Nam, thông thường sau Tết âm lịch 1 đến 2 tháng. Vì vậy, nếu muốn hoa nở đúng dịp Tết, người trồng sẽ phải kích cho hoa nở bằng cách ngưng tưới nước, thắp điện vào ban đêm.
Năm nay do mùa đông không lạnh, nắng ấm kéo dài nên lần đầu tiên những người trồng, chăm mai Yên Tử phải dùng biện pháp để hãm nở hoa. Biện pháp hãm hoa là ngay từ trung tuần tháng 11 (âm lịch), đã làm giàn che lưới đen và phun nước lạnh thường xuyên, dùng dao khoanh 1 hay nhiều vòng xung quanh cành, thân mai để hạn chế vận chuyển dinh dưỡng cho cây, ức chế quá trình sinh trưởng của cây, chặt bớt bộ rễ của cây... Với những biện pháp này, khoảng 80% số cây mai được chăm sóc theo quy trình sẽ nở đúng dịp Tết.
Xuân Đinh Dậu, Hội Mai vàng Yên Tử (Hội của những người có thú chơi hoa mai vàng Yên Tử) gồm trên 100 thành viên ở TP Uông Bí và các địa phương lân cận đã tổ chức các buổi sinh hoạt, tập huấn để phổ biến về quy trình kỹ thuật hãm hoa nở theo ý muốn, dựa trên kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu rau quả Việt Nam.
Anh Phạm Văn Quy, phường Phương Nam, TP Uông Bí hiện là một trong những hộ dân trồng mai vàng Yên Tử nhiều nhất ở Uông Bí với trên 3.000 cây mai. Anh Quy cho biết: Trong dịp Tết, giá bán cây mai thấp nhất cũng từ 1 triệu đồng/cây, cao nhất khoảng 500 triệu đồng/cây.
Mai vàng Yên Tử là cây thiêng đất Phật, cũng là cây cảnh có giá trị kinh tế cao. Mai vàng Yên Tử “bung sắc” giữa tiết Xuân Đinh Dậu như báo điềm lành đầu xuân ở danh sơn Yên tử “đắc tài sai lộc”.
Vũ Phong Cầm
Theo