Thứ hai 02/12/2024 03:51 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Đô thị

Mái che không thể thay được cây xanh

08:19 | 20/05/2023

Nhiều chuyên gia đô thị cho rằng, TPHCM cần nhanh chóng bổ sung cây xanh bởi lẽ mái che chỉ là phương án phụ và không gì thay thế được mảng xanh.

Đề xuất lắp mái che

Theo ghi nhận của PV, tại khu vực công viên Bến Bạch Đằng (quận 1) chỉ có một hàng cây xanh ven đường Tôn Đức Thắng và chưa tạo độ che phủ bóng mát cho toàn bộ công viên. Công viên nắng nóng gay gắt nên vắng như chùa Bà Đanh dù vừa được nâng cấp, cải tạo, có cảnh quan rất đẹp. “Từ sau khi được chỉnh trang, công viên Bến Bạch Đằng rất sạch đẹp nhưng cây xanh còn ít, ban ngày, đặc biệt là vào buổi trưa và xế chiều rất nóng nên không ai muốn đi dạo để phơi nắng” - chị Nguyễn Thị Huyền Trang (31 tuổi, nhân viên văn phòng ở quận 1) nói.

Tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1), hai hàng cây xanh mới trồng vài năm trên quảng trường chưa đủ bóng mát nên ban ngày thưa vắng khách tham quan.

Mái che không thể thay được cây xanh
Công viên Bến Bạch Đằng thiếu cây xanh. Ảnh: H.H

Mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) phối hợp UBND Quận 1 nghiên cứu nhiều giải pháp tạo bóng mát vào ban ngày để phục vụ người dân, du khách tại phố đi bộ Nguyễn Huệ và công viên bến Bạch Đằng, trong đó có giải pháp thiết kế loại hình mái che căng bạt nghệ thuật kết hợp chiếu sáng mỹ thuật vào ban đêm. Trước đó, tháng 3, Sở QH-KT TPHCM đề xuất UBND TPHCM tăng cường mái che trên vỉa hè đường Lê Lợi (quận 1) để vừa che nắng, che mưa, vừa tạo không gian đi bộ thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch.

“Cốt lõi vấn đề vẫn là cây xanh. Chúng ta rất cần tăng diện tích xanh của khu vực trung tâm TPHCM. Cây xanh cải thiện khí hậu tốt nhất và không có gì bằng diện tích các mảng xanh”.

TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn

Theo ghi nhận của phóng viên, tại các khu vực trên, cây xanh vẫn chưa đủ lớn hoặc chưa thể bố trí ngay mảng xanh. Do đó, phương án lắp mái che được đề xuất nhằm tạo bóng mát cho khu vực.

PGS.TS Nguyễn Văn Trình, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu vùng và đô thị, cho rằng việc làm mái che ở TPHCM là cần thiết, tuy nhiên, việc thực hiện mái che phải gắn liền với kiến trúc và làm một cách chắc chắn, không thể làm tạm bợ.

Theo ông Trình, việc thực hiện kết cấu mái che chắc chắn và kiến trúc đẹp đòi hỏi chi phí cao hơn. Muốn công trình đảm bảo chất lượng, kiến trúc tương xứng, tương đồng với cảnh quan ở khu vực thì đơn vị thiết kế nên nghiên cứu nhiều nơi trên thế giới, như Nhật Bản, Singapore…

“Tôi từng đến thành phố Kyoto, cố đô của Nhật Bản. Ngay ở khu phố trung tâm của thành phố Kyoto, họ có thực hiện mái che rất chắc chắn và đẹp, tương xứng và phù hợp với cảnh quan khu vực. Ngày trước ở TPHCM trên đường Nguyễn Huệ, một số đoạn đã có mái che do tư nhân thực hiện. Thương xá Tax (góc đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ ngày nay) khi xây dựng thì đã có mái che ra ngoài, rất đẹp”- ông Trình nói. Theo ông, việc lắp mái che phải được thực hiện kiên cố, gắn với công trình, không thể làm tạm bợ, không thể sử dụng mái bạt, mái dù vì tuổi thọ sử dụng không cao.

TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, nói rằng, Singapore, Pháp, Mỹ đã làm mái che, tuy nhiên, tại khu vực trung tâm thành phố, không nơi nào làm mái che tạm. Người ta chỉ làm mái che tạm để phục vụ sự kiện ngắn ngày, khi kết thúc sự kiện sẽ tháo dỡ. “Theo tôi, với dạng mái che tạm bợ, tách rời với công trình thì không nên lắp cho khu vực Nguyễn Huệ, Lê Lợi hay công viên Bến Bạch Đằng”- ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, đối với dạng mái che kiên cố, gắn với công trình, nên được khuyến khích thực hiện. “Với các tuyến đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ và công viên Bến Bạch Đằng, nên nghiên cứu lắp mái che kiên cố gắn với công trình. Riêng tại công viên Bến Bạch Đằng, nên thực hiện với dãy nhà dọc đường Tôn Đức Thắng. Nhưng cái khó là những đoạn công trình cao, thấp khác nhau thì phải nghiên cứu mái che làm sao hài hòa, tránh việc mái che cao, thấp không đều, ảnh hưởng đến mỹ quan. Ngoài ra, cần nghiên cứu vật liệu không hấp thụ nhiệt cho mái che, đảm bảo được vai trò làm mát cho khu vực”- ông đề xuất.

“Cây xanh là chính”

Theo ông Sơn, tại những khu vực có cây xanh bị chặt để làm các công trình, TPHCM nên trồng lại. Ở khu vực đường Lê Lợi, hàng cây bị đốn hạ để phục vụ thi công tuyến metro số 1. Theo ông ngoài phương án lắp mái che gắn với công trình, thành phố nên lựa chọn loại cây phù hợp, không quá cao, bộ rễ không ăn sâu để trồng lại và tránh ảnh hưởng đến công trình ngầm.

“Tôi cho rằng quyết định chặt hết cây xanh khi cải tạo, nâng cấp công viên Bến Bạch Đằng là sai lầm. Đúng ra là khi chỉnh trang Bến Bạch Đằng, người ta nên đưa ra chiến lược giữ hết cây xanh và chỉ chỉnh trang. Ở xứ nóng như nước ta hay cụ thể là tại TPHCM, khi mà công viên không có bóng cây, không có bóng mát thì sẽ không có ai đến, nhất là vào buổi trưa, lúc nắng gay gắt” - ông Sơn nhận định.

Ông Sơn cho rằng, TPHCM cần nghiên cứu trồng bổ sung cây xanh cho khu vực công viên Bến Bạch Đằng. Dù sau này có quy hoạch làm công trình ngầm bên dưới công viên thì vẫn có thể trồng cây xanh khi chọn được loại cây phù hợp. “Bến Bạch Đằng, đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ nên có nhiều cây xanh. Trong đó, với không gian trung tâm thì cây xanh là chính, còn mái che thì chỗ nào làm được thì làm nhưng mà thật sự mái che chỉ là phụ. Bởi lẽ, cây xanh vừa tạo bóng mát cho người ở dưới và quan trọng hơn là giúp cải thiện khí hậu, làm cho khu vực trở nên mát mẻ hơn là “bê tông hóa” - ông nói.

Theo Hữu Huy/Tienphong.vn

Cùng chuyên mục
  • Thành phố Huế trực thuộc Trung ương từ ngày 01/01/2025

    (Xây dựng) - Ngày 30/11, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 175/2024/QH15 về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1314/NQ-UBTVQH 15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế giai đoạn 2023-2025. Các nghị quyết này đều có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.

  • Bắc Ninh: Nỗ lực đạt đô thị loại I trước năm 2026

    (Xây dựng) - Ngày 30/11, Hội nghị lần thứ 23 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh khóa XX đã diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc. Hội nghị tập trung đánh giá kết quả đạt được năm 2024 và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2025, trong đó nổi bật là mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành đô thị loại I.

  • Yên Phong (Bắc Ninh): “Xóa sổ” ô nhiễm, xây dựng đô thị xanh

    (Xây dựng) – Huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đang nỗ lực xử lý triệt để nguồn phát sinh gây ô nhiễm môi trường và trên đà tăng tốc hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại III, hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị xanh, trở thành thành phố trực thuộc tỉnh trước năm 2026.

  • Cần Thơ: Tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến về dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị

    (Xây dựng) – Sáng 30/11, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến về dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị. Hội thảo đã thu hút hơn 110 đại biểu đại diện các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, chính quyền đô thị, Sở Xây dựng 6 tỉnh, thành phố thuộc Vùng Đông Nam bộ và 13 tỉnh, thành phố thuộc Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về quy hoạch, phát triển đô thị.

  • Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng chính thức được Quốc hội thông qua

    (Xây dựng) – Sáng 30/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị (TCCQĐT) tại thành phố Hải Phòng với 454/459 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 94,78% tổng số đại biểu Quốc hội.

  • Thành phố Huế chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương từ 01/01/2025

    (Xây dựng) – Sáng 30/11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Theo đó, từ 01/01/2025, thành phố Huế với diện tích gần 5.000km2 và dân số hơn 1,2 triệu người, chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đồng thời, Việt Nam sẽ có 6 thành phố trực thuộc Trung ương.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load