Là thôn thuộc diện khó khăn nhất của xã Bắc Sơn nói riêng, TP Móng Cái nói chung, thế nhưng với nhận thức đúng đắn cũng như sự đồng lòng, quyết tâm của toàn thể người dân về xây dựng NTM, thôn Phình Hồ đã có sự đổi thay rõ rệt. Có thể nói, chương trình NTM đã thổi một luồng sinh khí mới làm thay đổi nhận thức, tư duy của người dân nơi đây.
Khu chuồng trại chăn nuôi gia súc của người dân thôn Phình Hồ, xã Bắc Sơn được xây dựng tập trung xa khu dân cư.
Chỉ cách đây 2 năm, Phình Hồ vẫn là thôn đặc biệt khó khăn. Cả thôn có 19 hộ dân với 118 nhân khẩu. 100% người dân trong thôn là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó 98% là người Dao, đời sống kinh tế của bà con còn nhiều khó khăn. Triển khai chương trình xây dựng NTM, Phình Hồ có xuất phát điểm thấp nhất so với các thôn khác trong xã. Do đó, xã Bắc Sơn đã xây dựng riêng một nghị quyết cho thôn Phình Hồ về triển khai chương trình xây dựng NTM với những cách làm cụ thể, trong đó tập trung tuyên truyền để người dân hiểu được chương trình xây dựng NTM và xác định những khó khăn, việc cụ thể cần làm. Đồng chí Nguyễn Hữu Toàn, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết, cái khó nhất của Phình Hồ chính là quá trình thực hiện tiêu chí về môi trường, phát triển sản xuất. Đây có thể xem như một cuộc cách mạng trong tư duy của đại bộ phận người dân.
Từ tháng 6-2015, xã Bắc Sơn phát động phong trào xây nhà vệ sinh, công trình phụ. Khi đó xã Bắc Sơn nói chung, thôn Phình Hồ nói riêng như... một công trường xây dựng. Mọi nhà đều tập trung xây dựng các công trình phụ, nhà vệ sinh. Với kinh phí hỗ trợ 3,5 triệu đồng, nhiều gia đình đã chi tới 20 triệu đồng để xây dựng những công trình phụ khang trang. Có được kết quả này, phải kể đến sự vào cuộc quyết liệt với tinh thần “4 cùng” của đội ngũ cán bộ xã. Đối với bà con dân tộc thiểu số, đã nói là phải cùng làm với bà con thì mới tạo được sự đồng thuận, mới được bà con tin và làm theo. Vì thế, xã thường xuyên duy trì hiệu quả chế độ đi cơ sở đối với cán bộ xã. Các cán bộ xã phải xuống tận thôn, bản để cầm tay, chỉ việc, tham gia cùng bà con. Với sự vào cuộc của các đoàn thể, đến cuối tháng 7-2016, tính ra cả thôn đã có 10 công trình hoàn thành. Đến nay, 19 hộ dân trong thôn Phình Hồ đã có nhà tắm, công trình phụ hợp vệ sinh. Cùng với việc vận động nhân dân xây dựng nhà vệ sinh hợp vệ sinh, từ đầu năm nay, Bắc Sơn tiếp tục vận động nhân dân thôn Phình Hồ di chuyển chuồng trại chăn nuôi trâu, bò, lợn ra khu chăn nuôi tập trung để đảm bảo vệ sinh môi trường. Qua khảo sát, tại thôn Phình Hồ có 19 hộ gia đình thì có tới 14 hộ chăn nuôi trâu, bình quân từ 4-5 con mỗi hộ. Theo đó, xã quy hoạch vị trí khu chăn nuôi tập trung và dự kiến xây dựng 28 chuồng trại với nguồn kinh phí hơn 500 triệu đồng. Do nguồn lực trong nhân dân còn hạn chế nên xã đã huy động từ các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn thành phố. Với cách huy động nguồn lực tuỳ theo khả năng của doanh nghiệp, đơn vị, nên chỉ trong một thời gian ngắn, 16 chuồng trại chăn nuôi được hoàn thành với sự đóng góp trực tiếp bằng tiền, công xây dựng của các doanh nghiệp. Đến ngày 25-7-2016, toàn bộ trâu bò của nhân dân thôn Phình Hồ đã được di chuyển đến khu chăn nuôi tập trung, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Anh Choỏng Cắm Dũng, thôn Phình Hồ cho biết: Nhà tôi nuôi 6 con trâu, trước kia chuồng trâu được xây gần nhà nên lúc nào cũng hôi, mất vệ sinh môi trường. Được xã tuyên truyền, vận động, chúng tôi đã hiểu ra chăn nuôi như vậy là mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường sống của mình và người dân trong thôn, nên tôi đã đồng ý chuyển trâu sang nhốt ở khu chăn nuôi chung của thôn.
Cùng với việc thực hiện tiêu chí về môi trường, người dân thôn Phình Hồ cũng tích cực cùng các thôn khác trong xã phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và xoá bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu để xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Từ Phình Hồ - thôn điểm về xây dựng NTM, xã Bắc Sơn tiếp tục vận động nhân dân 2 thôn Pẹc Nả, Thán Phún phấn đấu trở thành thôn NTM vào năm 2017, trong đó công việc cụ thể đang được triển khai, đó là chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở, xoá nhà tạm. Xã Bắc Sơn phấn đấu đến hết quý I-2017, xã sẽ xây mới trên 20 nhà, trong đó có 8 nhà vách đất với nguồn kinh phí hỗ trợ 25 triệu đồng/nhà.
PV
Theo